Phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ: Bà Rịa - Vũng Tàu tạo hình ảnh tốt để thu hút FDI

13:25' - 06/12/2022
BNEWS Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tạo dựng hình ảnh tốt về một vùng đất giàu tiềm năng và hứa hẹn cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Với nhiều lợi thế về cảng biển nước sâu, sự phát triển công nghiệp, du lịch cùng hạ tầng giao thông thuận lợi trong vùng kinh tế năng động của khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tạo dựng hình ảnh tốt về một vùng đất giàu tiềm năng và hứa hẹn cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

 

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh xác định mục tiêu tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, tài nguyên và không xâm hại môi trường.

*Điểm đến thu hút đầu tư

Tận dụng ưu thế về vị trí địa lý, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics, phát triển mạnh hệ thống cảng. Đến nay đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 48 dự án cảng với công suất 141,5 triệu tấn/năm.

Riêng Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được đánh giá thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh và cao trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời là cụm cảng có các chuyến tàu mẹ trực tiếp đi châu Âu, châu Mỹ,... xếp vào nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới.

Bên cạnh đó, Cảng hàng không quốc tế Long Thành gần sát với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện được gấp rút triển khai xây dựng, cùng với các tuyến đường quan trọng như: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, cầu Phước An, đường 991B, Phước Hòa - Cái Mép từng bước được hoàn thiện.

Các tuyến đường đô thị, liên huyện cũng đang được đẩy nhanh tiến độ đầu tư, triển khai xây dựng đồng bộ với những dự án giao thông liên vùng. Điều này giúp bảo đảm giao thông thông suốt, khai thác thế mạnh, tiềm năng của tỉnh trong tương lai, gắn kết với các địa phương khác của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trên cả nước và quốc tế.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xếp thứ tư cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI với tổng số vốn đăng ký đến nay đạt gần 33 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 11/2022, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 43 dự án, trong đó 15 dự án FDI, tổng vốn đăng ký gần 270 triệu USD, 31 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký 7.094 tỷ đồng, vượt 26,5% về số lượng dự án và 22% về vốn so với kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện tỉnh chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư FDI như: Rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, tăng cường việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và các biện pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, từ đó, thu hút được dòng vốn FDI có chất lượng, tạo sự lan tỏa đến các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Thực tế, với 15 khu công nghiệp, tổng diện tích khoảng 8.511 ha, trong đó có 13 khu công nghiệp đang hoạt động với đa dạng ngành nghề như điện, khí, luyện kim, cơ khí, đóng tàu, hoá chất, vật liệu xây dựng, sản xuất phân bón,… tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm đến từ nhiều năm qua của các doanh nghiệp Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Canada,…

Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ) do Công ty cổ phần Thanh Bình - Phú Mỹ làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 1.046 ha và đã hoàn thành đầu tư hạ tầng như: điện, nước, gas cũng đã có sẵn và cung cấp đến tận hàng rào nhà máy để phục vụ hoạt động của các dự án đầu tư vào khu công nghiệp.

Dự kiến đến cuối năm 2022, Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 thu hút được khoảng hơn 57 nghìn tỷ đồng, với nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... và gần đây nhất là các doanh nghiệp đến từ Pháp đã qua tham quan, tìm hiểu và có ý định đầu tư tại khu công nghiệp này.

* Cải thiện môi trường đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh, thời gian tới, định hướng tỉnh sẽ phát triển dựa trên các lĩnh vực kinh tế trọng tâm như: công nghiệp, dịch vụ logistics, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, du lịch, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao,… Đặc biệt, chú trọng phát triển của hệ thống cảng biển, khu thương mại tự do và các khu công nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư; dần hoàn thành quy hoạch tỉnh, trong đó nêu rõ định hướng, các khu vực tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tiếp tục thu hút nhà đầu tư.

Nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành kế hoạch hành động tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu, các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Các khu công nghiệp đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút thêm nhiều dự án sản xuất. Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất và hình thành các cụm công nghiệp liên kết với nhau, tạo nguồn hàng cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, thực hiện điều chỉnh ngành, nghề nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh.

Thực tế, nhiều khu công nghiệp đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà máy của các nhà đầu tư quốc tế khó tính, như khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, khu công nghiệp Đất Đỏ 1, khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức,…

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tín Nghĩa - Phương Đông, chủ đầu tư khu công nghiệp Đất Đỏ 1 cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao môi trường đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu, có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, vị trí địa lý thuận lợi.

Đặc biệt, với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và sắp tới là Cảng hàng không quốc tế Long Thành là điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đến tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đây cũng là yếu tố mà Tín Nghĩa - Phương Đông quyết định đầu tư hạ tầng tại đây.

Tuy nhiên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không áp dụng phương châm thu hút đầu tư bằng mọi giá. Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các dự án thuộc các ngành công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động.

Đến nay, tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động; trong đó, tỷ lệ cơ sở sản xuất xây dựng mới đều đã áp dụng công nghệ tiên tiến, trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn.

Hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng dần chủ động hơn trong việc tiếp cận những nhà đầu tư có đẳng cấp, công nghệ cao, hạn chế những lĩnh vực, ngành nghề không thích hợp.

Đồng thời, xây dựng tốt môi trường đầu tư kinh doanh, công khai, minh bạch các thông tin, đáp ứng nhu cầu, tạo sự thuận tiện hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó, không ngừng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và giúp Bà Rịa - Vũng Tàu luôn duy trì trong Top dẫn đầu nhóm thu hút vốn FDI trên cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục