Phát triển xe hybrid - bước đi vững chắc cho mục tiêu xanh hoá ô tô ở Việt Nam

09:12' - 08/11/2021
BNEWS Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng xe điện là xe “xanh” hoàn toàn vì không tốn nhiên liệu, không phát thải CO2, nhưng thực tế không hẳn là như vậy, ít nhất là tại thời điểm này và tại Việt Nam.

Con người đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng do cả thiên tai địch hoạ như đại dịch COVID-19 hay ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.

Sự phát triển ồ ạt của các loại phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân làm chất lượng không khí trở nên tệ hại tại các thành phố lớn. Thấy ngay tại Hà Nội hay Tp Hồ Chí Minh có những ngày mức cảnh báo chuyển sang màu tím tức là rất có hại cho sức khoẻ.

Chính vì thế, các nước châu Âu đã có lộ trình chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe chạy thuần điện vào khoảng sau năm 2035 tới năm 2050. Xe “xanh” trở thành xu hướng tất yếu và việc phát triển các công nghệ xe có phát thải thấp, tiêu hao ít nhiên liệu đang được chính phủ các nước ưu tiên và đưa ra lộ trình rất rõ ràng.

Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng xe điện là xe “xanh” hoàn toàn vì không tốn nhiên liệu, không phát thải CO2, nhưng thực tế không hẳn là như vậy, ít nhất là tại thời điểm này và tại Việt Nam.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), khi các quốc gia đặt mục tiêu giảm khí CO2 cần tính đến CO2 phát thải trong quá trình sản xuất xe, sản suất pin và cả CO2 phát ra trong quá trình tạo ra điện để sạc cho xe điện.

Một chiếc xe thuần điện đành rằng không thải ở giai đoạn vận hành nhưng tại Việt Nam nguồn điện để sạc lại được tạo ra chủ yếu từ các nhà máy nhiệt điện đang ngày đêm tác động đến môi trường. Cụ thể, con số này ở Việt Nam hiện chiếm tới 65%, so với chỉ 2% năng lượng điện từ nhiệt điện của Na Uy.

Theo cơ chế phát thải CO2, khi điện được sản xuất phần lớn từ nguồn nhiên liệu hóa thạch thì đối với xe động cơ đốt trong sẽ phát thải toàn bộ CO2 từ quá trình khai thác, sản xuất, vận chuyển và sử dụng xe.

Còn đối với xe điện tuy lượng phát thải CO2 bằng 0 trong quá trình sử dụng nhưng quá trình từ khai thác đến khâu trước khi tiêu dùng, lượng CO2 phát thải nhiều hơn so với xe động cơ đốt trong do phải thêm công đoạn sản xuất ra điện để sạc cho xe.

Như vậy, việc sử dụng xe điện nếu chủ yếu dùng điện năng lấy từ nhiên liệu hóa thạch sẽ đồng nghĩa với việc ô nhiễm chỉ đơn giản chuyển từ nơi xe điện được sử dụng đến nơi sản sinh ra nguồn điện năng đó.

Thêm nữa, để sản xuất linh kiện trên xe điện, đặc biệt là pin cần rất nhiều kim loại hiếm, việc này cũng sẽ khiến việc khai thác mỏ tài nguyên trở nên mạnh mẽ hơn, gây ảnh hưởng tới sự bền vững của trái đất.

Chình vì thế, các chuyên gia khuyến cáo Việt Nam nên phát triển xe hybrid trong ngắn và trung hạn rồi mới tiến lên xe điện. Đây cũng là hướng đi của rất nhiều quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… bởi họ hiểu rằng để đi thẳng lên xe điện ngay là điều không thể.

Để sử dụng được xe điện cần một cơ sở hạ tầng mới, cần các trạm sạc điện cũng như công nghiệp phụ trợ và ngay cả việc xử lý rác thải của pin cũng là vấn đề chưa được giải quyết triệt để có thể sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn, chưa tính đến việc xe điện có quãng đường đi cho mỗi lần sạc rất hạn chế, chi phí vận hành lớn, giá bán cao...

Trong khi đó, xe hybrid lại ưu thế hơn rất nhiều xe đốt trong nhưng vẫn bảo vệ môi trường cũng như phù hợp tại Việt Nam bởi không cần thêm bất cứ cơ sở hạ tầng nào, lượng tiêu thụ nhiên liệu cũng như phát thải chỉ bằng một nửa so với xe dùng động cơ đốt trong cùng dung tích xy lanh.

Nên việc phát triển xe hybrid được xem như là một bước đệm rất cần thiết trước khi tiến lên xe thuần điện, vừa hài hoà được bài toán hạ tầng cũng như thói quen sử dụng của người dân, vừa bảo vệ môi trường bên cạnh giữ sự phát triển của các nghành công nghiệp hỗ trợ.

Nếu như trước đây, người dân còn dè dặt với xe hybrid thì kể từ khi Toyota Việt Nam ra mắt mẫu xe Corolla Cross mọi chuyện đã khác đi.

Trong tổng số hơn 14.000 xe Cross các phiên bản được bán ra từ khoảng tháng 8/2020 đến tháng 9/2021, đã có khoảng 1.700 xe hybrid bản 1.8HV chiếm khoảng 13% tổng doanh số xe Corolla Cross, hơn cả doanh số xe hybrid từ trước tới nay cộng lại ở Việt Nam.

Điều đó chứng tỏ rằng, người dân đã bắt đầu hiểu rõ và sử dụng xe hybrid để thuận tiện đi lại cũng như tiết kiệm tài chính.

Theo nghiên cứu của PGS.TS Đàm Hoàng Phúc (Đại học Bách Khoa Hà Nội) được thực hiện trên xe Corolla Cross 1.8HV di chuyển trong nội thành Hà Nội vào tháng 10/2021, xe hybrid tiết kiệm đến 45% lượng phát thải khí CO2 so với xe xăng thông thường. Và nếu sử dụng 1 xe Hybrid trong vòng 1 năm thì lượng xăng tiết kiệm được lên đến gần 1.000L.

Bên cạnh những con số về việc tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid có chi phí bảo dưỡng, sửa chữa tương đương xe có xăng, chỉ thêm bước làm sạch lọc gió. Cũng bởi xe hybrid gần gũi và sử dụng không khác gì các loại xe dùng động cơ đốt trong nên việc chuyển đổi của người tiêu dùng sẽ dễ dàng, nhanh chóng hơn là xe điện.

Xét toàn diện, Việt Nam nên phát triển xe hybrid trong ngắn và trung hạn như Thái Lan – nơi mà Chính Phủ có nhiều ưu đãi thuế cũng như tài chính cho xe hybrid bên cạnh ủng hộ xe thuần điện. Chính phủ cần có các chính sách cụ thể để khuyến khích,  thúc đẩy và hỗ trợ người dân chuyển dần xe xăng/dầu sang xe hybrid trước khi tiến lên xe điện./.

Xem thêm:

>>Xe Hybrid tiêu hao nhiên liệu thấp hơn 60% so với xe xăng và phù hợp hơn với nội đô

>>Mitsubishi phát triển xe hybrid để cạnh tranh ở Đông Nam Á

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục