Quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

18:50' - 09/11/2020
BNEWS Hiện có hiện tượng nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng mối liên hệ liên kết để thực hiện các khoản vay, đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực rủi ro.

Tại buổi họp báo chuyên đề cung cấp thông tin về Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết diễn ra chiều 9/11 tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, tính đến cuối năm 2019 cả nước có khoảng 16.500 doanh nghiệp kê khai có quan hệ liên kết, và khoảng 8000 doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo đó, cơ quan thuế đã đã thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp này. Số thuế truy thu của các năm 2017 - 2019 xoay quanh mức 2.000 tỷ đồng; đồng thời, giảm lỗ rất lớn, riêng năm 2019 đã giảm lỗ đến 9.000 tỷ đồng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho hay, có hiện tượng nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng mối liên hệ liên kết để thực hiện các khoản vay, đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực rủi ro. Do vậy, cần phải có sự điều chỉnh đối với các đối tượng doanh nghiệp này.

Đối với Nghị định số 132/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 5/11, ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh, Nghị định kế thừa quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo đó, tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết  được nâng từ 20% lên 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ, cộng với lãi vay phát sinh trong kỳ, cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ,  áp dụng ngay trong kỳ tính thuế năm 2019.

Tính toán của cơ quan thuế cho thấy, với quy định hồi tố năm 2017, 2018, việc nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay lên 30% đồng thời cho bù trừ với lãi tiền gửi, tiền cho vay, dự kiến số thuế phải hoàn hoặc khấu trừ khoảng 4.785 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP còn mở rộng đối tượng loại trừ áp dụng quy định giới hạn chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, ngoài các đối tượng là tổ chức tín dụng và tổ chức kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP còn mở rộng thêm đối tượng loại trừ bao gồm: các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác).

Nghị định số 132/2020/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia nhằm đảm bảo thuận lợi cho người nộp thuế và cam kết của Việt Nam khi tham gia diễn đàn Diễn đàn Hợp tác triển khai BEPS của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), phù hợp điều kiện bối cảnh của Việt Nam

Ông Đặng Ngọc Minh cũng khẳng định, Nghị định 68/2020/NĐ-CP và Nghị định 132/2020/NĐ-CP đều không phân biệt doanh nghiệp liên kết với nước ngoài hay trong nước, đây là xu hướng chung của quốc tế khi ban hành chính sách phải áp dụng chung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục