Quảng Ngãi "ghi điểm" với doanh nghiệp

10:25' - 22/10/2020
BNEWS Tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu trở thành "bến đỗ" an toàn, tin cậy cho doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển tại địa phương này.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015- 2020, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều bước đột phá trong chính sách thu hút đầu tư; trong đó phải kể đến việc đơn giản hóa, công khai, minh bạch nhiều thủ tục về đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, hoạt động đối thoại, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên; khuyến khích khởi nghiệp được chú trọng. Xúc tiến đầu tư có sự đổi mới về phương thức, tính hiệu quả.

Đáng chú ý là việc tỉnh trực tiếp gặp gỡ, mời gọi các nhà đầu tư lớn vào Quảng Ngãi đã "ghi điểm" đối với doanh nghiệp.

Nhờ đó, số dự án "đóng đô" trên địa bàn không ngừng tăng lên qua từng năm. Hiện Quảng Ngãi có 565 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn hơn 193.800 tỷ đồng; trong đó, có 524 dự án đầu tư trong nước và 41 dự án đầu tư nước ngoài (FDI).

Đặc biệt, việc đưa vào hoạt động Khu gang thép Hòa Phát - Dung Quất với tổng vốn đầu tư gần 60.000 tỷ đồng đã góp phần nâng tổng sản lượng xuất khẩu toàn tỉnh.

Tính riêng năm 2020, xuất khẩu thép đạt 400.000 tấn, chiếm 34,8% tổng sản lượng xuất khẩu toàn tỉnh.

Ông Đinh Văn Chung, Phó giám đốc Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất chia sẻ, Quảng Ngãi luôn đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư ngay từ ngày đầu triển khai dự án; tạo điều kiện thuận lợi về giải quyết các thủ tục hành chính, có cơ chế chính sách ưu đãi đồng thời kiến nghị Trung ương, các Bộ ngành vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

Quảng Ngãi có cơ sở hạ tầng đầu tư công nghiệp nặng như: Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Doosan Vina… đặc biệt là lợi thế cảng nước sâu Dung Quất sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi trong việc nhập nguyên liệu cũng như xuất hàng cho khu liên hợp - ông Chung nhận xét.

Một "điểm nhấn" quan trọng khác là Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP. Với hạ tầng hiện đại, đồng bộ hiện nay, VSIP đã thu hút được khoảng 29 dự án vào đầu tư với tỷ lệ lấp đầy 70%; góp phần giải quyết đáng kể công ăn việc làm cho lao động địa phương; là cơ sở, tiềm năng để tăng nguồn thu và giá trị công nghiệp của tỉnh…

Theo thống kê, trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 143.500 tỷ đồng, vượt hơn 59% so với kế hoạch; trong đó, vốn doanh nghiệp Nhà nước đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, vốn dân cư và doanh nghiệp tư nhân là 96.000 tỷ đồng, vốn FDI hơn 12.000 tỷ đồng.

Công nghiệp đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế với giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt hơn 132.900 tỷ đồng, tăng bình quân 4,49%/năm; trong đó chưa tính giá trị sản phẩm lọc dầu tăng hơn 24,6%.

Giá trị tăng thêm công nghiệp ước đạt hơn 27.700 tỷ đồng, tăng bình quân 4,76%/năm, chưa tính sản phẩm lọc hóa dầu tăng bình quân hơn 20%/năm.

Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh ước đạt hơn 82.500 tỷ đồng, gấp 1,36 lần so với năm 2015; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm gần 52%.

GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.791 USD, gấp 1,21 lần so với năm 2015. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 5 năm ước đạt 90.175 tỷ đồng, vượt 7,7% kế hoạch Trung ương giao. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 ước đạt 1.150 triệu USD, gấp 2,9 lần so với năm 2015…

Bà Trần Thị Mỹ Ái - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong 5 năm tới, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực lợi thế; không cấp phép đầu tư cho các dự án công nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển Khu Kinh tế Dung Quất trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ với trọng tâm là các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo.

Cùng đó, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp.

Đặc biệt, tỉnh tăng cường xúc tiến đầu tư "tại chỗ" nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư; xúc tiến đầu tư theo quốc gia, vùng lãnh thổ và nỗ lực tuyên truyền, quảng bá xúc tiến đầu tư để tiếp tục là "thỏi nam châm" hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước - bà Ái cho biết thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục