Rối loạn thị trường khiến giá năng lượng quốc tế tiếp tục tăng cao

05:30' - 14/05/2022
BNEWS Từ tháng 12 năm ngoái, giá dầu tăng hơn 30%, song tăng trưởng sản lượng của Mỹ lại chưa đến 2%, đạt 11,8 triệu thùng/ngày, kém xa mức 13,1 triệu thùng/ngày trước khi xảy ra dịch bệnh vào tháng 3/2020.
Cơ sở lọc dầu ở thành phố Almetyevsk, Liên bang Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Theo "Thời báo Công thương Đài Loan" ngày 10/5, kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng nổ đến nay, giá hàng hóa chiến lược quốc tế đã liên tục leo thang. Chỉ số hàng hóa CRB ngày 6/5 đã tăng lên 311 điểm, cao gấp gần 2,8 lần so với mức 112 điểm khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đợt biến động giá năng lượng lần này. Ngoài lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung, thì các yếu tố như khủng hoảng năng lượng châu Âu, tăng trưởng dầu thô tại Mỹ hạn chế, vấn đề biến đổi khí hậu và các sự kiện địa chính trị… cũng khiến thị trường năng lượng mất cân bằng, thậm chí kích hoạt thêm biến số dẫn đến sự rối loạn thị trường năng lượng.

Đầu tiên, nhu cầu năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) luôn phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga (năm 2021, EU nhập khẩu khoảng 40% khí đốt tự nhiên và 25% dầu mỏ từ Nga). Do vậy việc tiến hành trừng phạt năng lượng đối với Nga sau khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng nổ đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung, dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng ở nhiều nước và đẩy giá năng lượng tăng mạnh.

Cho dù hiện nay EU đã có sự đồng thuận về việc nhanh chóng giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, đồng thời muốn dựa vào việc phát triển năng lượng tái tạo lâu dài và hạ thấp sử dụng nhiên liệu hóa thạch để đạt kế hoạch “REPowerEU” (thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga về nhiên liệu hóa thạch trước năm 2030), nhưng trong ngắn hạn, sẽ khó để tìm đủ nguồn nhập khẩu có thể thay thế năng lượng Nga. Điều này tác động nghiêm trọng đến an ninh năng lượng của các nước.

Đối với vấn đề này, mặc dù Mỹ cho biết sẽ hỗ trợ mạnh mẽ song sản lượng dầu mỏ của Mỹ tăng trưởng rất chậm sau dịch bệnh. Từ tháng 12 năm ngoái đến nay, giá dầu tăng hơn 30%, song tăng trưởng sản lượng của Mỹ lại chưa đến 2%, đạt 11,8 triệu thùng/ngày, kém xa mức 13,1 triệu thùng/ngày trước khi xảy ra dịch bệnh vào tháng 3/2020.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo đến năm 2023, sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ chỉ tăng thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày, với biên độ tăng thấp hơn so với mức khoảng 4 triệu thùng/ngày mà châu Âu nhập khẩu từ Nga.

Về phương diện khí đốt tự nhiên, so với nguồn cung qua đường bộ của Nga-châu Âu, nếu EU muốn chuyển sang nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ thì ít nhất phải cần hai năm để xây dựng các trạm tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng đầy đủ ở hai bờ Đại Tây Dương, điều này chưa bao gồm việc thẩm định phê duyệt và huy động vốn.

Đồng thời, khí tự nhiên nhập khẩu từ Mỹ cần phải hóa lỏng trước khi khí hóa, không chỉ làm gia tăng chi phí đáng kể mà còn có nguy cơ phát sinh rò rỉ. Từ góc độ này, cho dù là dầu thô hay khí đốt tự nhiên, EU khó có thể nhập khẩu năng lượng từ Mỹ để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong ngắn hạn.

Thứ hai, nguyên nhân khiến sản lượng dầu thô của Mỹ tăng trưởng hạn chế chủ yếu do các công ty năng lượng Mỹ và Phố Wall không muốn tăng cường hoạt động đầu tư liên quan đến thăm dò, khai thác dầu đá phiến.

Mặc dù báo cáo khảo sát của chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Dallas cho thấy chi phí khai thác dầu đá phiến là khoảng 56 USD/thùng, chỉ bằng khoảng 1/2 giá dầu hiện nay, các nhà kinh doanh có triển vọng có lãi.

Tuy nhiên, liệu giá dầu quốc tế có thể duy trì ở mức cao trong tương lai hay không. Giá dầu đã từng tăng giảm thất thường trong những năm qua, thậm chí xuất hiện tình trạng giá dầu ở mức âm, đã khiến không ít công ty thăm dò năng lượng Mỹ phá sản. Điều này khiến các công ty và nhà đầu tư Phố Wall chùn bước.

Thêm vào đó, lạm phát của Mỹ liên tục tăng trong hai năm qua không những khiến giá thiết bị máy móc khai thác và nguyên vật liệu tăng mạnh, mà chi phí lao động cũng lên cao, điều này đã làm giảm đáng kể tỷ lệ lợi nhuận đầu tư vào dầu đá phiến của Mỹ.

Thứ ba, sự khó lường của biến đổi khí hậu và chính sách giám sát cũng đã kiềm chế sự sẵn sàng đầu tư trung và dài hạn của các công ty dầu thô Mỹ. Đặc biệt là sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy mạnh mẽ chính sách năng lượng tái tạo và hạn chế phát triển năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, giờ đây, Mỹ lại kêu gọi các doanh nghiệp tăng sản lượng để ứng phó với diễn biến căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Điều các doanh nghiệp năng lượng truyền thống lo ngại là liệu chính quyền ông Joe Biden có tái áp đặt hạn chế đối với việc khai thác dầu đá phiến sau khi giá dầu thô giảm trước sức ép từ giới học giả cho đến các tổ chức bảo vệ môi trường hay không. Hơn nữa, theo lộ trình năng lượng xanh, các nhà đầu tư quan tâm hơn đến việc đầu tư vào các ngành công nghiệp theo khái niệm ESG (môi trường, xã hội và quản trị) như năng lượng tái tạo, ô tô điện… 

  

Thứ tư, trong bối cảnh quyền lực địa chính trị đang gia tăng hiện nay, sự bất trắc sẽ khiến các nhà đầu tư năng lượng có nhiều điều lo ngại. Chẳng hạn, nguồn cung dầu thô Iran có quay trở lại thị trường hay không (khoảng 1 triệu thùng/ngày) là một trong những nhân tố dẫn đến rủi ro giá dầu đi xuống trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh Mỹ và EU liên tục tung ra các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga hiện nay, đàm phán hạt nhân Iran chắc chắn sẽ chịu sự hạn chế bởi những tính toán và lôi kéo của các bên.

Trong khi đó, chính sách ngoại giao của Saudi Arabia trong những năm gần đây không còn chỉ dựa vào Mỹ, mà đã chuyển sang thiết lập quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Nga. Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia giữ vai trò chủ đạo không muốn đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng, đồng thời lấy lý do các sự kiện địa chính trị không nằm trong tầm kiểm soát của OPEC để từ chối lời đề nghị từ chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Nói cách khác, thị trường năng lượng quốc tế hiện nay đã không thể đơn thuần quan sát theo quy luật cung cầu bởi xu hướng thị trường đang đầy bất ổn và tình trạng rối loạn có thể còn tồi tệ hơn những năm 1970.

Hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong thập niên 1970 đã đẩy giá dầu lên cao và cuối cùng gây tổn thương kinh tế toàn cầu. Nguyên nhân chủ yếu do các cú sốc địa chính trị.

Tuy nhiên, cán cân cung cầu đối với dầu thô toàn cầu hiện không chỉ căng thẳng hơn trước đây rất nhiều, mà nhu cầu năng lượng của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á do Trung Quốc dẫn đầu cũng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao.

Điều này cũng khiến các yếu tố cơ bản trở nên căng thẳng hơn, chưa kể đến ảnh hưởng tương tác của các nhân tố phức tạp như chính sách năng lượng của châu Âu, quyết định đầu tư của các công ty dầu thô Mỹ, vấn đề biến đổi khí hậu, rủi ro địa chính trị..., khiến thị trường năng lượng càng khó đoán định hơn.

Do đó, năm 2022, mặc dù giá dầu quốc tế có nhiều biến động, nhưng phần lớn thời gian sẽ ở mức cao trên 100 USD/thùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục