Saudi Arabia mạnh tay đầu tư vào năng lượng tái tạo

13:37' - 09/06/2016
BNEWS Saudi Arabia lên kế hoạch đầu tư lớn nhằm sản xuất 54 gigawatt (GW) điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2040, trong đó đặc biệt chú trọng vào năng lượng Mặt trời.
Saudi Arabia mạnh tay đầu tư vào năng lượng tái tạo. Ảnh: inhabitat.com

Các phương tiện truyền thông địa phương trích dẫn một báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) cho hay năng lượng Mặt trời sẽ đóng góp 41 GW vào hệ thống điện năng quốc gia của Saudi Arabia, trong khi số còn lại đến từ các nguồn năng lượng khác như nhiệt điện, năng lượng gió...

Chương trình năng lượng hạt nhân và tái tạo của Saudi Arabia (KACARE) hiện là cơ quan thúc đẩy xu hướng đa dạng hóa các nguồn năng lượng của Vương quốc Trung Đông giàu tài nguyên dầu mỏ này, trong đó dành sự quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực năng lượng Mặt trời.

Gần đây, KACARE và tỉnh Asir đã ký một thỏa thuận chung phát triển năng lượng tái tạo và chất thải rắn chuyển đổi thành năng lượng xanh để giảm sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch. Đây được coi là một yếu tố quan trọng trong chính sách 'Tầm nhìn 2030' với mục đích đa dạng hóa nền kinh tế của Saudi Arabia.

Thỏa thuận trên bao gồm một số hạng mục quan trọng như chuyển đổi chất thải rắn đô thị thành điện năng, phát triển các tòa nhà cao tầng xanh, theo dõi và thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo tại khu vực Asir, và sử dụng năng lượng tái tạo trong các ứng dụng khác nhau như chiếu sáng công viên và đường phố.

Saudi Arabia đang dẫn đầu các quốc gia Arab trong việc đặt mục tiêu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Algeria đứng thứ hai với mục tiêu sản xuất 22 GW điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Các vị trí tiếp sau thuộc về Morocco 6 GW (2020), Kuwait 7,7 GW (2030), Ai Cập 4,12 GW (2027), Jordan 2,8 GW (2020), Qatar) 1,8 GW (2017), Lebanon 1,1 GW (2020) và Tunisia 1 GW (2030).

Theo báo cáo dài 250 trang của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, năng lượng tái tạo vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm 2015 và hiện chiếm 19,1% trong tổng mức tiêu thụ năng lượng của thế giới.

Trên toàn cầu, đầu tư cho năng lượng xanh đạt 285,9 tỷ USD trong năm 2015, tăng 15,7 tỷ so với năm 2014, trong khi đầu tư năng lượng xanh ở các nước đang phát triển đã tăng 36% so với năm 2014, lên mức 131,3 tỷ USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục