Sự thay đổi vai trò năng lượng của Mỹ và Trung Quốc

06:30' - 18/11/2023
BNEWS Biến động của giá dầu quốc tế không còn là kết quả của sự thay đổi cung cầu trong chu kỳ kinh tế mà còn đan xen nhiều yếu tố bất ổn, ảnh hưởng đến cung và cầu, khiến giá dầu quốc tế khó nắm bắt hơn.

Theo trang Hk01.com, gần đây, sau khi xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra ở Trung Đông, giá dầu thô quốc tế đã có những biến động rõ rệt, lúc đầu tăng sau đó lại giảm. Điều này cho thấy rõ sự bất ổn.

Bước sang tháng 11, giá dầu quốc tế giảm mạnh. Trên thực tế, cung và cầu của dầu thô quốc tế, nguồn năng lượng cơ bản quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu, đã rơi vào trạng thái không ổn định trong những năm gần đây, với diễn biến giá dầu ngày càng phức tạp và khó đoán định.

Trong thời kỳ dịch bệnh năm 2020 thậm chí còn xảy ra tình trạng cực đoan là giá dầu âm, nhưng cùng với nền kinh tế quốc tế phục hồi sau đó, giá dầu vẫn không ổn định. Sau khi giá dầu thô WTI giảm xuống dưới ngưỡng 20 USD/thùng vào tháng 4/2020, đến tháng 5/2022, giá đã vượt quá 120 USD/thùng. Trong năm qua, giá dầu WTI đã giảm xuống mức thấp trong một năm là 67 USD/thùng. Giá dầu một lần nữa tăng trở lại vào tháng 5/2023. Đầu tháng 10, giá dầu đã ở mức gần 100 USD/thùng và gần đây đã về lại quanh mức 80 USD/thùng.

Theo các nhà nghiên cứu của tổ chức tư vấn ANBOUND, sự biến động này của giá dầu quốc tế không còn là kết quả của sự thay đổi cung cầu trong chu kỳ kinh tế, cũng không hoàn toàn là cuộc đọ sức giữa cung và cầu mà còn đan xen nhiều yếu tố bất ổn, ảnh hưởng đến cung và cầu, khiến giá dầu quốc tế khó nắm bắt hơn.

Nhìn lại, kinh tế toàn cầu phát triển chậm lại do dịch bệnh đã dẫn đến những thay đổi lớn về nhu cầu dầu thô. Tuy nhiên, sau đó, các ngân hàng trung ương lớn của Mỹ và châu Âu đã thúc đẩy các chính sách tiền tệ siêu lỏng, làm gia tăng thêm giá trị cho đồng USD, khiến giá dầu thô và thị trường vốn tính bằng USD xuất hiện tình trạng “bong bóng” lan rộng, đồng thời cũng đẩy lạm phát toàn cầu tăng cao.

Xét đến hàng loạt thay đổi do xung đột địa chính trị gia tăng, như xung đột Nga-Ukraine kéo dài và sự bùng phát gần đây của rủi ro địa chính trị ở Trung Đông, biến động của giá dầu quốc tế đã gia tăng.

Ngoài ra, trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, sự chuyển đổi năng lượng toàn cầu của phía cầu từ năng lượng truyền thống sang năng lượng xanh cũng làm gia tăng biến động của dầu thô với tư cách là mô hình năng lượng cơ bản truyền thống. So với giai đoạn trước năm 2018, tình hình hiện nay với nhiều thay đổi về kinh tế, chính trị quốc tế có thể nói là nguyên nhân chính gây ra những biến động mạnh mẽ của giá dầu quốc tế, từ đó dẫn đến kinh tế toàn cầu xuất hiện bất ổn.

Trên thực tế, từ góc độ quan hệ cung-cầu dầu thô, điều chủ yếu ảnh hưởng đến cung và cầu dầu toàn cầu là sự thay đổi vai trò của Trung Quốc và Mỹ. Một mặt, sau nhiều thập kỷ phát triển nhanh, Trung Quốc hiện đã trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất. Trong khi Mỹ trước đây là nước nhập khẩu dầu chính, đã trở thành nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới nhờ sự phát triển của công nghệ dầu đá phiến. Sự thay đổi về cung và cầu này là sự thay đổi lớn nhất trong bối cảnh năng lượng quốc tế trong một thời gian dài.

Sự thay đổi lâu dài này, với sự cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên rõ ràng và nền kinh tế toàn cầu đang chuyển sang hướng phi toàn cầu hóa, đã khiến thị trường dầu thô toàn cầu được cơ cấu lại. Trung Quốc rõ ràng đã tăng cường hợp tác năng lượng với các nước trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) như Trung Đông và Nga để đảm bảo an ninh quốc gia trong lĩnh vực năng lượng.

Mặt khác, Mỹ đang thiết lập lại mối quan hệ với thị trường châu Âu truyền thống thông qua vai trò là nhà cung cấp dầu. Sự thay đổi này cũng là yếu tố dẫn đến sự xuất hiện không ngừng của nhiều loại “thiên nga đen” rủi ro địa lý. Có thể nói, điều này đã gián tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu.

Khi Mỹ ngày càng trở thành đối thủ cạnh tranh của OPEC+, nước này tất yếu sẽ phải cạnh tranh thị trường với Nga. Châu Âu cũng có đủ tự tin để đoạn tuyệt với Nga sau khi nhận được sự đảm bảo cung cấp năng lượng từ Mỹ. Các nước OPEC, chủ yếu là các nước Arập, muốn tìm kiếm khách hàng ổn định. Điều này sẽ khiến chính sách Trung Đông của Mỹ gặp nhiều phản kháng hơn và làm trầm trọng thêm những biến động địa chính trị ở Trung Đông.

Trên thực tế, so với sự mất cân bằng cung cầu năng lượng ở châu Âu do xung đột Nga-Ukraine gây ra, xung đột Hamas-Israel hiện khó có thể tác động cơ bản đến thị trường dầu mỏ quốc tế vì cả hai bên trong cuộc xung đột đều không phải là nhà sản xuất dầu hay nhà tiêu thụ dầu lớn, nên hiện tại họ khó có thể hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, mô hình cung cấp năng lượng ở Trung Đông đang thay đổi khi Mỹ dần rút lui và cuộc cạnh tranh giành quyền kiểm soát giá dầu thô ngày càng trở nên gay gắt.

Một biến số dài hạn khác ảnh hưởng đến giá dầu là sự chuyển đổi của nền kinh tế toàn cầu sang năng lượng xanh. Mặc dù về lâu dài, quá trình chuyển đổi năng lượng xanh đang tăng tốc để ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ làm suy yếu nhu cầu dầu mỏ và từ đó làm giảm giá dầu, nhưng vẫn còn nhiều tình huống khó lường hơn trong quá trình chuyển đổi.

Một mặt, trong quá trình chuyển đổi, việc giảm nhu cầu không phải là tuyến tính và không thể đoán trước được. Mặt khác, về phía cung, quá trình này có thể dẫn đến giảm đầu tư vào năng lượng truyền thống, từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung. Có thể nói, “rủi ro chuyển đổi” này không chỉ gây khó khăn cho phía cầu mà còn cả phía cung. Đây có thể là lý do khiến OPEC+ hiện nay đoàn kết hơn và điều phối lập trường của phía cung, cũng là một trong những động lực để các bên có nhu cầu dầu thô truyền thống như Mỹ và châu Âu tìm kiếm sự thay đổi và cùng đoàn kết với nhau.

Trong đó, có thể nói Trung Quốc đã đạt được thế chủ động tương đối nhờ lợi thế trong lĩnh vực năng lượng mới. Một mặt, châu Âu, khu vực đi đầu trong chuyển đổi năng lượng xanh, có nhu cầu lớn hơn đối với các sản phẩm sản xuất năng lượng mới của Trung Quốc; mặt khác, các nước Trung Đông cũng đang tìm cách thay đổi cách cung cấp năng lượng, hy vọng sử dụng năng lượng truyền thống nhằm thúc đẩy ngành năng lượng mới phát triển, từ đó đặt ra bố cục cho quá trình chuyển đổi năng lượng mới.

Đây là một trong những lý do khiến OPEC nhất quyết cắt giảm sản lượng, bằng cách duy trì giá dầu, họ bơm vốn vào đầu tư vào ngành năng lượng mới, đồng thời thiết lập mối quan hệ cung cấp ổn định và lâu dài với Trung Quốc để đổi lấy việc thực hiện các công nghệ năng lượng mới.

Do đó, trong quá trình chuyển đổi năng lượng mới, vai trò của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng cũng sẽ thay đổi, từ phía nhu cầu dầu thô của năng lượng truyền thống sang nhà cung cấp thiết bị năng lượng mới và năng lực sản xuất. Vai trò thay đổi này được thúc đẩy do các chính sách về biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến Trung Đông mà còn có tác động lâu dài đến châu Âu và Mỹ.

Tất nhiên, các yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu quốc tế bao gồm những thay đổi về tiền tệ quốc tế làm cơ sở cho việc định giá tài sản. Dầu thô không chỉ là nguyên liệu thô và nền tảng của nền kinh tế thực mà còn trở thành mục tiêu đầu tư tài chính. Do đó, những thay đổi của đồng USD, vốn là cơ sở định giá tài sản toàn cầu, do những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đương nhiên kéo theo những biến động về giá cả hàng hóa quốc tế, trong đó có dầu thô.

Những điều này không chỉ ảnh hưởng đến các bên cầu chính ngoại trừ Mỹ mà còn không có lợi cho việc thiết lập những kỳ vọng ổn định về phía cung. Vì điều này, việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong trao đổi dầu mỏ đang bắt đầu được chấp nhận. Nga phải chọn nhân dân tệ cho các giao dịch trong bối cảnh nước này đang hứng chịu các lệnh trừng phạt tài chính, trong khi các nước ở Trung Đông chấp nhận đồng nhân dân tệ một phần là do Trung Quốc là nước có nhu cầu lớn nhất. Mặt khác, họ cũng muốn được hưởng lợi từ tiềm năng ngoại thương và tiềm năng thị trường vốn của Trung Quốc.

Đồng thời, đồng rupee của Ấn Độ và tiền tệ của các nước Trung Đông cũng đang tham gia vào cuộc cạnh tranh địa tiền tệ liên quan đến dầu mỏ, mang lại nhiều biến động hơn cho giá dầu thô quốc tế và khiến các yếu tố giá tính bằng USD trở nên biến động hơn.

Trong những năm gần đây, các yếu tố như dịch bệnh, tiền tệ, chuyển đổi năng lượng để ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiều xung đột địa chính trị đột ngột đã khiến giá dầu thô quốc tế ngày càng biến động.

Khi những bất ổn khác nhau gia tăng, vai trò thay đổi của cung và cầu năng lượng ở Trung Quốc và Mỹ thực sự là yếu tố thúc đẩy chính cho những thay đổi khác nhau. Phân tích và dự đoán mâu thuẫn giữa cung cầu và những thay đổi trong mô hình cạnh tranh địa chính trị thực sự hữu ích trong việc thiết lập những kỳ vọng chính xác về giá dầu thô.

                                                                                                              

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục