Tác động lan tỏa của RCEP đối với khu vực và thế giới

06:30' - 03/12/2020
BNEWS RCEP có ý nghĩa quan trọng không chỉ với các thành viên tham gia và phạm vi thực hiện mà còn bao hàm cam kết sâu sắc về tự do hóa thương mại trong bối cảnh đang diễn ra các tranh luận về toàn cầu hóa.

Trang mạng Diễn đàn Đông Á mới đăng bài viết của hai tác giả Eduardo Pedrosa, Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Singapore và Christopher Findlay, Giáo sư Kinh tế Danh dự tại Trường Chính sách Công Crawford, Đại học Quốc gia Australia (ANU), chỉ ra các nội dung quan trọng của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết vào ngày 15/11 vừa qua.
Với việc ký kết RCEP, nhóm các nền kinh tế tham gia hiệp định thể hiện cam kết tiếp tục hội nhập kinh tế. Điều đặc biệt nữa là RCEP giúp lấp đầy khoảng trống trong hệ thống thương mại khu vực, tạo ra một thỏa thuận thương mại chưa từng có giữa ba quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Hiệp định củng cố khuôn khổ chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). GVC phụ thuộc vào một loạt các điều kiện không chỉ thuế quan mà còn cả đầu tư, dịch vụ và sở hữu trí tuệ. Tất cả những nội dung này đều được đề cập trong RCEP. Với sự hiểu biết sâu sắc của các thành viên về GVC, tổ chức GVC hiệu quả sẽ là một tiêu chí tham chiếu quan trọng trong quá trình thực hiện hiệp định.
Tất cả các điều khoản đầu tư của thỏa thuận đều dựa trên cách tiếp cận về danh mục loại trừ và cao hơn các cam kết ASEAN hiện nay, ví dụ như xóa bỏ tất cả các yêu cầu liên quan đến nội địa hóa.

RCEP cũng thiết lập một bộ quy tắc xuất xứ chung, bao gồm tổng giá trị qua các giai đoạn sản xuất tại các quốc gia khác nhau và giá trị nội địa hóa trong khu vực là 40%, một tỷ lệ không quá cao, đặc biệt đối với một hiệp định có rất nhiều thành viên như RCEP.
Chuyển sang áp dụng cách tiếp cận dựa trên danh mục loại trừ có ý nghĩa quan trọng đối với các dịch vụ. Cách thức này sẽ giúp thúc đẩy cải cách do thu hút sự chú ý đến một danh sách các mục tiêu cần giải quyết và mở ra các lĩnh vực kinh doanh mới. Một điều quan trọng khác là RCEP quan tâm đến các quy định trong nước và cam kết chấp nhận thỏa thuận của nhau giữa các bên ký kết.
Các điều khoản về hợp tác kinh tế trong RCEP sẽ giúp thúc đẩy thay đổi chính sách trong nước, bao gồm cả cải cách các quy định pháp luật. Để thực hiện cải cách, cần có sự nỗ lực và xây dựng thể chế, trong khi RCEP có hẳn một chương về hợp tác kinh tế để thúc đẩy cả hai vấn đề này.
Các thành viên sẽ đối mặt với khó khăn khi chuyển đổi sang các cam kết thuộc danh mục loại trừ, liệt kê các cam kết thực sự quan trọng và loại bỏ các cam kết không quan trọng. Các quy định của RCEP về hợp tác kinh tế cũng tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên thực hiện nỗ lực này. Để đạt hiệu quả, hợp tác kinh tế bao gồm việc đối thoại nhằm hỗ trợ nỗ lực cải cách pháp luật trong nước.
Chương về thương mại điện tử của RCEP có nội dung tương tự như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vì vậy, RCEP cũng cung cấp một phạm vi các miễn trừ giống như CPTPP cùng với các giải thích. 
Mặc dù có ít quy định hơn so với một số hiệp định khu vực nhỏ hơn, nhưng sự đồng thuận mà RCEP đem lại trong nhóm bao gồm rất nhiều các nền kinh tế này, trong đó cả các nền kinh tế đang phát triển, là rất quan trọng trong bối cảnh các cuộc thảo luận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về thương mại điện tử vẫn đang diễn ra.

Giống như nhiều hiệp định do ASEAN dẫn dắt, RCEP cũng bao gồm một chương về thể chế bảo đảm việc thực hiện hiệp định. Chương này tạo cơ sở cho việc tổ chức thường xuyên các cuộc họp cấp bộ trưởng và thành lập một ủy ban chung gồm các quan chức cấp cao và các tiểu ban phụ trách các lĩnh vực khác nhau. Hiệp định còn quy định về việc thành lập một Ban thư ký để phục vụ cho việc tổ chức các cuộc họp và giải quyết các vấn đề kỹ thuật.

Ban thư ký RCEP sẽ có nhiệm vụ thúc đẩy sự cạnh tranh và hợp tác trong một môi trường thể chế khu vực vốn đã dày đặc, với APEC bao quanh bên ngoài và ASEAN nằm ở bên trong.

Ban Thư ký ASEAN đã tham gia tổ chức các cuộc đàm phán RCEP, nhưng bản chất của mối quan hệ trong tương lai giữa Ban Thư ký ASEAN - và các mối quan hệ giữa các tổ chức trong khu vực khác - với Ban thư ký RCEP sẽ cần phải được xác định cụ thể. Nhưng Ban thư ký ASEAN sẽ có một vai trò chính là một điều khá rõ ràng.
Ban thư ký RCEP sẽ đối mặt với ba thách thức trước mắt.

Thách thức thứ nhất là thực hiện RCEP.

Thách thức thứ hai là bảo đảm rằng hiệp định sẽ tạo ra các hoạt động thương mại có tính bao trùm hơn trong khu vực, giúp tất cả các doanh nghiệp lớn và nhỏ đều được hưởng lợi từ hiệp định.

Thách thức thứ ba là cung cấp thông tin, trong bối cảnh các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều quy định khi tiến hành kinh doanh qua biên giới và cần được giải thích và hướng dẫn để có thể hưởng lợi tối đa từ RCEP.
RCEP có một vài hạn chế, chẳng hạn như rất nhiều biểu thuế (mặc dù mỗi nhóm nhỏ các quốc gia thành viên có một biểu chung), thời gian thực hiện kéo dài và thiếu đề cập đến doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, hiệp định cũng có một vài tác động lan tỏa. Tác động lan tỏa thứ nhất liên quan đến việc tiếp nhận các thành viên mới. Ấn Độ hiện không tham gia hiệp định, nhưng có thể gia nhập bất kỳ lúc nào. Điều này có nhiều khả năng xảy ra khi việc thực hiện hiệp định giúp tăng cường hội nhập giữa các quốc gia thành viên, trong đó có các lĩnh vực như dịch vụ, thương mại điện tử và thuốc chữa bệnh mà Ấn Độ đã có vai trò tích cực.
Các nền kinh tế khác có thể gia nhập sau 18 tháng. Trong khi tư cách thành viên hiện nay của RCEP được thúc đẩy bởi vai trò trung tâm của ASEAN, có nghĩa là các bên tham gia ký kết phải có thỏa thuận với ASEAN, các quy định về gia nhập RCEP tuân theo các thông lệ tốt nhất của một khu vực mở. Bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tham gia hiệp định miễn là chấp nhận các điều khoản của RCEP và được sự đồng ý của các thành viên hiện tại.
RCEP cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cùng với CPTPP, RCEP được xác định là con đường hướng tới hội nhập khu vực rộng rãi hơn. Kết hợp hai con đường này lại với nhau sẽ tạo ra tiềm năng to lớn cho thương mại. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để giả thuyết này trở thành có tính hiện thực hơn?/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục