Tại sao Trung Quốc không có ý định tạo ra một thị trường chứng khoán như Wall Street?

05:30' - 09/10/2020
BNEWS Trung Quốc đang tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường chứng khoán dễ dàng hơn.

Vì thị trường chứng khoán Trung Quốc vốn bị “phân mảnh” chia thành thị trường ngoại hối và thị trường liên ngân hàng, đã có những quy tắc khác nhau cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động thông qua các chương trình đầu tư khác nhau. Điều này tạo ra nhiều khó khăn trong việc thu hút vốn nước ngoài.

Trung Quốc đang tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường chứng khoán dễ dàng hơn.

Theo một tài liệu do Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc công bố, Trung Quốc kết hợp các tiêu chuẩn QFII và RQFII dành cho các nhà đầu tư nước ngoài và các quy tắc hệ thống thành một. Ngoài ra, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ được phép làm việc với các công cụ tài chính phái sinh.

Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc thông qua chương trình cho các nhà đầu tư tổ chức được cấp phép (QFII) và chương trình tương đương với NDT (RQFII). Trung Quốc đã áp dụng cơ chế QFII từ năm 2002 và RQFII từ năm 2011. 

Ngoài ra, các chương trình Kết nối Chứng khoán Thượng Hải-Hong Kong (Trung Quốc) và Kết nối Chứng khoán Thâm Quyến-Hong Kong đã được triển khai vào năm 2014 và 2016, giúp các nhà đầu tư Trung Quốc Đại lục và nước ngoài dễ dàng tiếp cận thị trường của nhau mà không cần phải mở một tài khoản giao dịch riêng.

Tuy nhiên, vì thị trường chứng khoán Trung Quốc vốn bị “phân mảnh” chia thành thị trường ngoại hối và thị trường liên ngân hàng, đã có những quy tắc khác nhau cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động thông qua các chương trình đầu tư khác nhau. Điều này tạo ra nhiều khó khăn trong việc thu hút vốn nước ngoài.

Ví dụ, các nhà đầu tư QFII và RQFII có thể đầu tư vào cả thị trường liên ngân hàng và thị trường ngoại hối. Trong khi đó, cơ chế Bond Connect chỉ cung cấp khả năng đầu tư vào thị trường liên ngân hàng. Các khoản đầu tư trực tiếp cũng vậy.

Các quy tắc mới do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), Ủy ban Điều tiết Chứng khoán và Văn phòng Kiểm soát Ngoại hối Trung Quốc cùng phát triển, có hiệu lực từ ngày 1/11, kết hợp các tiêu chuẩn và các quy tắc hệ thống thành một.

Nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu tối đa 10% cổ phần trong một công ty niêm yết trên sàn giao dịch. Nói chung, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tại công ty có thể lên tới 30%.

Sự đổi mới quan trọng nhất là Trung Quốc mở rộng quyền tiếp cận cho doanh nghiệp nước ngoài với các sản phẩm tài chính khác nhau và các công cụ tài chính phái sinh.

Trước đây, người nước ngoài chỉ có thể đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm có thu nhập cố định trên thị trường liên ngân hàng. Giờ đây, họ cũng được phép giao dịch các hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn (mua/bán).

Ngoài ra, họ có quyền tiếp cận sàn giao dịch điện tử NEEQ, một nền tảng giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng Trung Quốc (OTC). Các nhà đầu tư nước ngoài giờ đây cũng có quyền thực hiện các giao dịch ký quỹ, đầu tư vào các quỹ đầu tư tư nhân, cũng như các hoạt động mua lại trái phiếu.

Một mặt, trong thời kỳ khủng hoảng, việc mở cửa thị trường tài chính có vẻ rủi ro. Giao dịch ký quỹ, cũng như các công cụ tài chính phái sinh, đã từng gây ra hậu quả nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã bùng phát sau khi các ngân hàng đầu tư cho vay với khối lượng cực lớn các khoản nợ thứ cấp (nợ có kỳ hạn và thứ tự ưu tiên trả chỉ cao hơn vốn cổ phần), bao gồm cả các khoản vay dưới chuẩn.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay mở ra cơ hội tốt để Trung Quốc phát triển hơn nữa thị trường chứng khoán và huy động vốn cần thiết để phát triển nền kinh tế.

Trợ lý Giám đốc Jia Jinjing từ Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Chongyang tại Đại học Nhân dân Trung Quốc chia sẻ với Sputnik: “Đặc điểm chính của thị trường Trung Quốc là thị trường phái sinh chưa phát triển cao và có quy mô khá nhỏ. Đối với vốn nước ngoài, Trung Quốc đang theo đuổi các chính sách theo cách tương tự như với các nhà đầu tư trong nước. Do đó, những rủi ro liên quan đến các công cụ tài chính phái sinh không liên quan gì đến vốn nước ngoài".

Cũng theo Trợ lý Giám đốc Jia Jinjing, "tất cả phụ thuộc vào cấu trúc của thị trường và hiệu quả của việc điều tiết. Trung Quốc không có ý định tạo ra một kiểu thị trường Phố Wall. Nền kinh tế thực đang bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp và công nghệ mới. Trung Quốc muốn xây dựng hệ thống thị trường vốn đa cấp của riêng mình để các thị trường tài chính đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của khu vực thực của nền kinh tế. Đối với phần còn lại của thế giới, Trung Quốc là một thị trường đang tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế mới nổi. Và mô hình kinh tế của Trung Quốc có xu hướng tăng độ mở. Vì vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực thi chính sách này”.

Hầu hết các nước có thị trường tài chính phát triển đã bắt đầu theo đuổi chính sách lãi suất tối thiểu hoặc thậm chí gần bằng 0 để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay. Điều này làm cho các khoản đầu tư có tỷ lệ sinh lời trên số vốn là quá thấp.

Trung Quốc kiềm chế các hành động như vậy, duy trì tỷ giá ở mức cao hơn và thường theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng. Nhờ sự chênh lệch giữa lợi suất chứng khoán trên thị trường Trung Quốc và các thị trường khác, thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Theo Bloomberg, các nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi từ lâu các biện pháp cải cách và cải thiện các cơ chế QFII và RQFII. Và các công cụ tài chính phái sinh mở ra nhiều cơ hội mới.

Từ nay các nhà đầu tư có thể tuân thủ bất kỳ chiến lược thị trường nào, phòng ngừa rủi ro chứ không chỉ dựa vào các vị thế mua và đầu tư thụ động. Các giao dịch ký quỹ cung cấp đòn bẩy cho các nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận tiềm năng lớn hơn nhiều.

Đối với các nhà đầu tư thụ động, việc tiếp cận thị trường Trung Quốc cũng trở nên dễ dàng hơn. Từ tháng 10/2021, FTSE Russell sẽ đưa trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào Chỉ số Trái phiếu Chính phủ Toàn cầu (WGBI) của mình, mở đường cho dòng tiền hàng tỷ USD đổ vào Trung Quốc.

Đây sẽ là chỉ số thế giới thứ ba mà trái phiếu chính phủ Trung Quốc trở thành một phần. Theo tính toán của các nhà phân tích, việc đưa vào chỉ số FTSE Russel sẽ mang lại cho Trung Quốc thêm ít nhất 100 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục