Tại sao Trung Quốc nên nới lỏng kiểm soát tài khoản vốn?

05:30' - 01/05/2021
BNEWS Bước quan trọng nhất để tiến tới việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ là phải tự do hóa tài khoản vốn.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) kêu gọi tăng tốc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT).

Theo Sheng Songcheng, cựu Giám đốc Bộ phận thống kê và phân tích của PBoC, việc tiến tới quốc tế hóa đồng NDT cần phải trở thành một chiến lược quốc gia quan trọng đối với Trung Quốc. Theo ông, bước quan trọng nhất theo hướng này là tự do hóa tài khoản vốn.
Cái gọi là tài khoản vốn đóng về cơ bản có nghĩa là Trung Quốc hạn chế cả dòng vốn từ bên ngoài và dòng vốn ra khỏi nước này. Công dân Trung Quốc chỉ được phép mua ngoại tệ số lượng 50.000 USD/năm.

Và số tiền này có thể dùng để đi du lịch, chi tiêu học tập ở nước ngoài, nhưng không được dùng để mua bất động sản, chứng khoán hay các tài sản khác của nước ngoài. Các hạn chế cũng áp dụng đối với các khoản đầu tư của pháp nhân ra nước ngoài. 
PBoC đặt giá trị tham chiếu của đồng NDT so với đồng USD hàng ngày, và tỷ giá hối đoái thực có thể dao động trong phạm vi cộng trừ 2% từ điểm chuẩn này. Như vậy có nghĩa là đồng NDT vẫn chưa được tự do chuyển đổi.
Một mặt, chính sách tiền tệ này giúp Trung Quốc duy trì sự ổn định tài chính ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng, và Bắc Kinh vẫn không thể quên bài học của "Những con hổ châu Á".

Đầu những năm 90, xuất khẩu của một số nước trong khu vực Đông Nam Á tăng trưởng đặc biệt nhanh chóng, kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn và do đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.

Lãi suất ở Mỹ khi đó tương đối thấp, trong khi ở Đông Nam Á, lãi suất cao. Đồng thời tỷ giá hối đoái ổn định do đồng USD được neo giá. Do đó, các nhà đầu tư toàn cầu đã vay vốn với lãi suất thấp ở thị trường nước ngoài và đầu tư với lãi suất cao vào tài sản của "Những con hổ châu Á". 
Tuy nhiên, khi chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thay đổi, lãi suất của Mỹ cũng tăng và theo đó, đồng bạc xanh mạnh lên, các nhà đầu tư bắt đầu ồ ạt rút vốn khỏi châu Á.

Điều đó dẫn đến phản ứng dây chuyền, xuất khẩu giảm do đồng tiền quốc gia mạnh lên, cùng với dòng vốn tài sản bắt đầu giảm giá, các nước Đông Nam Á (đầu tiên là Thái Lan) cạn kiệt quỹ để duy trì đồng tiền quốc gia ở mức ổn định. Kết quả là diễn ra một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Sau đó, thực tế đã dẫn đến một kết luận rõ ràng, đó là việc nền kinh tế phát triển quá nóng do dòng vốn nước ngoài đổ vào có thể kích thích sự tháo chạy của dòng vốn tại một thời điểm nào đó, và sau đó sẽ là sự sụp đổ. Để ngăn chặn điều này, Trung Quốc quyết định kiểm soát chặt chẽ sự di chuyển của dòng vốn.

Và biện pháp này đã có hiệu quả, kể từ đó không có một cuộc khủng hoảng toàn cầu nào có thể khiến Trung Quốc hứng chịu những tổn thất nghiêm trọng. Nhưng hiện nay chính sách này đã bắt đầu cản trở sự phát triển của Trung Quốc như một cường quốc tài chính thế giới.
Vấn đề là do hạn chế về tiền tệ, nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc chuyển đổi đồng NDT và chuyển vốn ra khỏi nước này. Do đó, đồng NDT, bất chấp quy mô khổng lồ của nền kinh tế - thương mại Trung Quốc, vẫn là một đồng tiền kém thanh khoản đối với giới kinh doanh thế giới.

Đồng NDT chỉ chiếm 2,2% trong thanh toán quốc tế trong hệ thống Hiệp hội Viễn thông Liên ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT) và đồng USD chiếm 38,43%. Đồng thời, đồng NDT cũng chỉ chiếm 2,25% dự trữ ngoại hối của các quốc gia khác nhau trên thế giới, trong khi đồng USD chiếm phần lớn, hay 59,02% dự trữ ngoại hối toàn cầu.
Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, vị trí của đồng tiền quốc gia Trung Quốc không phù hợp với thực trạng kinh tế hiện nay. Theo nhận định của nhà kinh tế trưởng He Xiaoyu của Zhengxin Investment Group, Trung Quốc cam kết quốc tế hóa đồng NDT hơn nữa, vì vậy, có lẽ đã đến lúc mở tài khoản vãng lai.

Theo chuyên gia này, các rủi ro cần được giám sát để ngăn chặn các cú sốc đối với hệ thống tài chính đất nước. Tuy nhiên, về tổng thể, nền kinh tế Trung Quốc đã trở nên ổn định hơn nhiều, vì vậy trong giai đoạn 5 năm hiện tại, có thể nghĩ đến những cải cách quy mô lớn đối với tài khoản vãng lai.
Như chuyên gia He Xiaoyu lưu ý, số hóa đồng tiền sẽ trở thành một động lực quan trọng của quá trình quốc tế hóa đồng NDT. Trung Quốc đã tiến xa hơn các quốc gia khác trong dự án tạo ra đồng tiền kỹ thuật số quốc gia. Một loạt thử nghiệm đã được thực hiện ở bốn thành phố lớn.

Trong hội thảo tài chính gần đây được tổ chức ở Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Trung Quốc đã thông báo các thử nghiệm đồng NDT kỹ thuật số sẽ được triển khai ở các địa điểm mới như khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, ở đồng bằng sông Dương Tử, cũng như ở khu vực Đông Nam Quảng Đông-Hong Kong (Trung Quốc)-Ma Cau (Trung Quốc).

Ở giai đoạn này, các kịch bản và cơ chế khác nhau để sử dụng đồng NDT kỹ thuật số cho các khoản thanh toán nội bộ được thử nghiệm. Việc sử dụng đồng NDT kỹ thuật số quốc tế dự kiến sẽ được thử nghiệm trong Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2022.
Chính phủ Trung Quốc đã nói rằng việc đẩy mạnh lưu hành đồng NDT kỹ thuật số không nhằm mục đích làm suy yếu vị thế của đồng USD như một loại tiền tệ thế giới. Mặt khác, nếu Trung Quốc có thể là nước đầu tiên đưa đồng NDT kỹ thuật số vào lưu thông quốc tế, thì điều đó có thể thay đổi đáng kể cục diện tài chính toàn cầu.

Đồng tiền kỹ thuật số sẽ làm cho các giao dịch quốc tế nhanh hơn và rẻ hơn, đồng thời loại bỏ nhiều trung gian. Cho đến nay, Trung Quốc có cơ hội để thay đổi hệ thống tài chính thế giới đã tồn tại trong nhiều năm, tăng tính thuận tiện hoặc ít nhất là đa dạng hóa. Nếu không tự do hóa tài khoản vãng lai, nhiệm vụ này có vẻ khó khăn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục