Tăng trưởng kinh tế các nước ASEAN+3 dự kiến chững lại trong ngắn hạn

16:02' - 01/05/2019
BNEWS Theo công bố của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 ngày 1/5, tăng trưởng kinh tế các nước khu vực ASEAN+3 dự kiến chững lại trong ngắn hạn, song vẫn duy trì ở mức ổn định trong dài hạn.

Theo báo cáo mới nhất vừa được Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) công bố ngày 1/5, tăng trưởng kinh tế các nước khu vực ASEAN+3 (bao gồm 10 nước Đông Nam Á và Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) dự kiến chững lại trong ngắn hạn, song vẫn duy trì ở mức ổn định trong dài hạn bất chấp việc phải đối mặt với rủi ro căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang và các bất ổn bên ngoài khác.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế ASEAN+3 năm 2019 dẫn lời các chuyên gia nhận định mặc dù tăng trưởng khu vực dự báo giảm nhẹ từ mức 5,3% của năm ngoái xuống 5,1% vào năm 2019 và 5,0% vào năm 2020, nhưng nền tảng kinh tế dài hạn không bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần sẵn sàng sử dụng khoảng không chính sách sẵn có để nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa, qua đó hạn chế rủi ro và hỗ trợ nền kinh tế nếu diễn biến bên ngoài trở nên bất lợi.

Theo nhà kinh tế trưởng AMRO, Tiến sĩ Hoe Ee Khor, rủi ro mà khu vực phải đối mặt bắt nguồn chủ yếu từ môi trường bên ngoài, xuất phát từ leo thang căng thẳng thương mại, tăng trưởng toàn cầu suy giảm và các cú sốc tài chính.

Mặc dù triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn có giảm nhẹ, các yếu tố cơ bản dài hạn của khu vực vẫn ổn định do tiêu dùng mạnh mẽ và thương mại nội khối phát triển nhanh trong bối cảnh tầng lớp trung lưu đang gia tăng, đô thị hóa nhanh chóng và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số.

Tuy nhiên, khi các yếu tố bất lợi trở nên rõ rệt hơn, các nhà hoạch định chính sách cần phải cẩn trọng và linh hoạt hơn, sẵn sàng điều chỉnh chính sách để bảo đảm tăng trưởng đồng thời duy trì ổn định tài chính.

Điều này có thể bao gồm việc nới lỏng chính sách tiền tệ khi phù hợp; duy trì chính sách tài khóa hỗ trợ, kết hợp các biện pháp tài khóa có mục tiêu với cải cách cơ cấu; duy trì chính sách vĩ mô cẩn trọng để giảm thiểu rủi ro tài chính.

Tiến sĩ Hoe Ee Khor nhấn mạnh rằng để hỗ trợ triển vọng tăng trưởng của khu vực và tăng cường khả năng phục hồi, các nước ASEAN+3 cần ưu tiên thực thi các chính sách dài hạn, đặc biệt là các chính sách tập trung vào tăng cường năng lực và kết nối để thúc đẩy Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và duy trì tăng trưởng trong nền kinh tế mới.

Cũng theo báo cáo, ba động lực chính sẽ định hình các ưu tiên về năng lực và kết nối trong khu vực trong trung và dài hạn, bao gồm: Những nhu cầu mới phát sinh từ quá trình chuyển đổi toàn cầu sang Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay rộng hơn là nền kinh tế mới; dân số trưởng thành, ngày càng giàu có của khu vực Đông Á cùng tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng; áp lực giữa gia tăng nhu cầu nội khối và rủi ro bắt nguồn từ xu hướng bảo hộ trong thương mại và công nghệ.

Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực tiếp tục đối mặt với ba thách thức chính đe dọa tăng trưởng, đó là nguồn vốn, ngoại hối và chênh lệch phát triển.

Nhu cầu tài trợ cho thấy sự thiếu hụt giữa tiết kiệm thấp trong nước và nhu cầu đầu tư lớn của các nền kinh tế có thu nhập thấp, trong khi chênh lệch ngoại hối xảy ra khi các nền kinh tế mới nổi có nhu cầu tích lũy dự trữ ngoại hối để giảm thiểu rủi ro liên quan khi nguồn vốn đột ngột bị rút khỏi nền kinh tế.

Thách thức thứ ba liên quan đến các hạn chế phi tài chính, bao gồm nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, chuyên môn, năng lực công nghệ và thể chế.

Để vượt qua những thách thức nêu trên, các nhà phân tích cho rằng các nền kinh tế ASEAN+3 cần tận dụng đầu tư và tiết kiệm nội khối; củng cố mạng lưới an toàn tài chính khu vực, bao gồm Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM); phát triển năng lực công nghệ, chuyên môn trong các lĩnh vực khác nhau và tăng cường thể chế.

Tiến sĩ Khor nhận định: “Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong khu vực ASEAN+3 sẽ tạo ra nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng mới, đòi hỏi các nước phải tập trung giải quyết vấn đề thiếu hụt đầu tư.

Chuyển đổi sang nền kinh tế mới tập trung vào công nghệ và dịch vụ có thể làm gia tăng nhu cầu về vốn đối với khu vực và điều bắt buộc là các nền kinh tế đang phát triển đầu tư vào nguồn nhân lực và tận dụng các nguồn vốn bổ sung trong khu vực.

Do đó, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với khu vực ASEAN+3 là nắm bắt công nghệ, tăng cường hội nhập và chủ nghĩa đa phương, củng cố mạng lưới an toàn tài chính khu vực".

Xem thêm:

>>Indonesia hài lòng với kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 32

>>Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 32

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục