Tham vọng “xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn" của Tổng thống Biden

19:35' - 08/11/2021
BNEWS Với những bước đi khá quyết liệt và táo bạo, vị tổng thống thứ 46 bước đầu đã xoa dịu được những lo âu về một nước Mỹ rối ren và bất ổn do tác động của đại dịch COVID-19.

Sau nhiều tháng tranh cãi gay gắt, đảng Dân chủ Mỹ đã bỏ phiếu thông qua gói cải thiện, nâng cấp đường cao tốc, băng thông rộng và các cơ sở hạ tầng khác trị giá 1.200 tỷ USD, đệ trình lên Tổng thống Mỹ Joe Biden để ký thành luật.

Đây được xem là chiến thắng đáng kể đối với đảng Dân chủ của Tổng thống Biden, khi các thành viên của đảng này đã tranh cãi trong suốt nhiều tháng qua về các dự luật chi tiêu đầy tham vọng vốn chiếm phần lớn trong chương trình nghị sự trong nước.

Quốc hội Mỹ thông qua gói chi tiêu cho hạ tầng cơ sở trị giá 1.200 tỷ USD. Ảnh: AFP/TTXVN

* Tham vọng “xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn" của Tổng thống Biden

Bước chân vào Nhà Trắng sau lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden mang theo tham vọng "xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn".

Nhưng ngay khi nhận chức, ông Biden không có “những tháng trăng mật đầu tiên” như nhiều người tiền nhiệm.

Riêng trong lĩnh vực đối nội, ông phải nhanh chóng đưa ra chương trình nghị sự tổng thể nhằm chế ngự đại dịch COVID-19, phục hồi nền kinh tế, đại tu chính sách khí hậu và xem xét lại sức mạnh của các công ty công nghệ…

Nhưng có thể nói rằng, với những bước đi khá quyết liệt và táo bạo, vị tổng thống thứ 46 bước đầu đã xoa dịu được những lo âu về một nước Mỹ rối ren và bất ổn do tác động của đại dịch COVID-19.

Thành tích nổi bật nhất từ khi ông Biden lên cầm quyền là việc thông qua gói kích thích kinh tế mang tên "Kế hoạch giải cứu nước Mỹ" trị giá 1.900 tỷ USD hồi đầu tháng 3/2021 và nhờ đó, người dân Mỹ đã tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của chính phủ và nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang phát đi những dấu hiệu tích cực.

Tiếp nối gói hỗ trợ kinh tế 1.900 tỷ USD trên, Tổng thống Biden còn thúc đẩy hai gói chi tiêu khổng lồ khác trị giá 1.200 tỷ USD và 3.500 tỷ USD cho các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy an sinh xã hội.

Đây là kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng của chính quyền Tổng thống Biden trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng tài chính.

Tuy nhiên thời gian qua, kế hoạch đầy tham vọng trên của Tổng thống Biden không những vấp phải sự phản đối của phe Cộng hòa đối lập, mà còn với cả các nghị sỹ ôn hòa và cấp tiến trong nội bộ đảng Dân chủ.

Các nghị sỹ Dân chủ ôn hòa muốn Tổng thống Biden cắt giảm quy mô của các dự luật này. Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng đã bị các nghị sỹ đảng Cộng hòa phản đối, đồng thời kêu gọi chính quyền phải có nguyên tắc tài chính.

Mặc dù vậy, theo Tổng thống Biden, hai dự luật chi tiêu trên không phân biệt cánh tả hay cánh hữu, ôn hòa hay cấp tiến mà là những dự luật làm cho nước Mỹ trở nên cạnh tranh hơn và giành lại vị thế đầu tàu thế giới.

Theo ông, việc phản đối các khoản đầu tư đó sẽ khiến vị thế của nước Mỹ sa sút, và hai dự luật trên sẽ "thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế (Mỹ)".

Gói đầu tư cho cơ sở hạ tầng vốn là một trong những cam kết tranh cử chính của ông Biden.

Tổng thống Biden tham vọng sẽ thực hiện trong gần 10 năm, với các hạng mục chính là nâng cấp hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay, phương tiện công cộng, mạng lưới điện; mở rộng truy cập băng thông rộng; xây dựng và cải tạo nhà ở xã hội; tăng đầu tư cho trường học, đào tạo nghề, hoạt động nghiên cứu phát triển...

Một số mục tiêu cụ thể đã được nêu trong kế hoạch, như hiện đại hóa 20.000 dặm đường giao thông, 10.000 cây cầu, hay xây 500.000 nhà cho người thu nhập thấp...

Ước tính, với khối lượng công việc khổng lồ như vậy, hàng triệu việc làm mới, mang lại thu nhập tốt cho người Mỹ sẽ được tạo ra.

Trong khi đó, dự luật về gói chi tiêu thúc đẩy an sinh xã hội mà ông Biden đề xuất bao gồm trợ cấp chăm sóc trẻ em, nhà ở và y tế, miễn học phí các trường cao đẳng cộng đồng và trợ cấp cho năng lượng sạch, những đề xuất mà ông cho là sẽ không làm tăng nợ công do sẽ được tài trợ bằng nguồn thu thuế người giàu và các doanh nghiệp. 

Để có được nguồn thu thuế người giàu và các doanh nghiệp, chính quyền của Tổng thống Biden nỗ lực đảo ngược chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump về cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp.

Theo đó, ông Biden đề xuất tăng tỷ lệ thuế doanh nghiệp lên 28% từ mức 21% hiện tại, vốn được cựu Tổng thống Trump đặt ra sau khi cải cách luật thuế năm 2017.

 Theo ông Biden, các khoản đầu tư trên mang tính cấp bách, trong bối cảnh Trung Quốc đã chi cho cơ sở hạ tầng gấp 3 lần so với Mỹ. Các quan chức tài chính hàng đầu của Mỹ cho rằng, với việc áp thuế các tập đoàn siêu khổng lồ và tăng thuế doanh nghiệp, quốc gia có thể tăng nguồn thu để phục vụ người dân.

Trong khi đó, cả hai dự luật trên thời gian qua đều bị mắc kẹt tại Quốc hội, nơi đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện nhưng với thế đa số mong manh. Mấu chốt chính của những tranh cãi giữa các nghị sỹ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa là quy mô của gói ngân sách thứ hai-gói chi tiêu cho an sinh xã hội.

Ông Biden đề xuất khoản tiền này là 3.500 tỷ USD, nhưng các nghị sĩ khác cho rằng mức chi hợp lý chỉ là 1.900 tỷ-2.200 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là phải cắt giảm đáng kể các ưu tiên của ông Biden trong các lĩnh vực như mở rộng giáo dục miễn phí và năng lượng sạch.

Trong bối cảnh đó, một số nghị sĩ cho rằng cần giữ lại dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD cho đến khi dự luật chi tiêu lớn hơn sẵn sàng. Trong khi đó, một số nghị sĩ lại muốn thúc đẩy việc thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trước, còn dự luật về gói chi tiêu 3.500 tỷ sẽ vẫn tiếp tục được thảo luận.

* Bước tiến tích cực

Trong bối cảnh những tranh cãi giữa các nghị sỹ hai đảng vẫn gay gắt, vào tháng 8/2021 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua thỏa thuận về gói cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD sau nhiều tháng trì hoãn.

Ở thời điểm này, đây được xem là một chiến thắng đáng kể cho Tổng thống Joe Biden và là bước đầu tiên trong ưu tiên lập pháp hàng đầu của ông.

Tuy nhiên, dự luật này vẫn đối mặt với nhiều khó khăn tại Hạ viện khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố không thúc đẩy dự luật về cơ sở hạ tầng cho đến khi Thượng viện thông qua cả gói chi tiêu xã hội trị giá 3.500 tỷ USD.

Trong một bước tiến lớn, ngày 5/11 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói đầu tư cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD, với 228 phiếu thuận và 206 phiếu chống. Sự kiện này ghi dấu một chiến thắng lớn cho Tổng thống Joe Biden sau nhiều tháng thúc đẩy các kế hoạch chi ngân sách đầy tham vọng.

Ðáng chú ý, có 6 hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bỏ phiếu chống, trong khi có 13 nghị sỹ Cộng hòa ủng hộ.

Với sự tán đồng của Hạ viện, dự chi ngân sách có tên “Ðạo luật việc làm và đầu tư cơ sở hạ tầng” ngay sau đó đã được chuyển lên Tổng thống Biden để chờ ký ban hành luật.      

Trong khi đó, gói chi tiêu cho an sinh xã hội hiện vẫn đang tiếp tục được thảo luận. Phe Dân chủ ban đầu dự kiến sẽ thông qua cả gói ngân sách này trong phiên họp ngày 5/11, tuy nhiên đã hoãn lại do các nghị sĩ trung lập yêu cầu tiến hành kiểm toán các chi phí, vốn có thể kéo dài hàng tuần lễ. Dự kiến, gói ngân sách chi tiêu cho an sinh xã hội này sẽ được bỏ phiếu vào ngày 30/11 tới.

Trong bối cảnh tranh cãi về quy mô của gói ngân sách này, hiện gói chi tiêu cho an sinh xã hội cũng đã được giảm xuống chỉ còn trị giá 1.850 tỷ USD (so mức đề xuất ban đầu là 3.500 tỷ USD).

Đánh giá về việc Quốc hội Mỹ thông qua gói gói chi tiêu cho hạ tầng cơ sở trị giá 1.200 tỷ USD, các nghị sĩ Mỹ đã hoan nghênh và gọi đây là “kế hoạch chi tiêu xã hội mang lại hiệu quả nhất” kể từ những năm 30 của thế kỷ trước đến nay.

Nữ Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thì gọi đây là sự kiện lịch sử làm “biến chuyển” nước Mỹ.

Các kế hoạch chi tiêu này được đảng Dân chủ coi là có ý nghĩa quan trọng để được giành được sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới. Theo Tổng thống Biden, các gói chi tiêu này sẽ "thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế Mỹ".

 Dự kiến, gói chi tiêu 1.200 tỷ USD sẽ bao gồm 110 tỷ USD đầu tư xây dựng, sửa chữa hệ thống cầu đường trong bối cảnh toàn nước Mỹ có hơn 45.000 cây cầu đã xuống cấp; 73 tỷ USD cho việc nâng cấp hệ thống mạng lưới điện; 66 tỷ USD cho việc bảo trì và cải tạo hệ thống xe lửa; 65 tỷ USD cho phát triển hạ tầng băng thông rộng; 55 tỷ USD cho hệ thống cung cấp nước sạch; 50 tỷ USD cho quỹ thích ứng biến đổi khí hậu; 42 tỷ USD sửa chữa sân bay, bến cảng nhằm chống ùn tắc và giảm khí thải; 39 tỷ USD để hiện đại hóa và mở rộng giao thông công cộng; 21 tỷ USD cho việc khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường; 15 tỷ USD cho xe buýt điện và hệ thống trạm sạc xe điện; 11 tỷ USD cho an toàn giao thông…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục