Thế giới cần đầu tư 5.000 tỷ USD/năm để hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất

07:55' - 30/10/2021
BNEWS Các nhà nghiên cứu cho rằng từ nay đến năm 2030, thế giới cần đến 5.000 tỷ USD/năm để triển khai các biện pháp chống biến đổi khí hậu.

Các nhà nghiên cứu cho rằng từ nay đến năm 2030, thế giới cần đến 5.000 tỷ USD/năm để triển khai các biện pháp chống biến đổi khí hậu, đồng thời cảnh báo rằng quá trình chuyển đổi của các lĩnh vực kinh tế quá chậm để có thể đáp ứng mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất.

Theo kết quả một nghiên cứu do 5 tổ chức "xanh" thực hiện, từ hoạt động vận tải đến nông nghiệp và sản xuất điện, mọi lĩnh vực đều không đạt tiến bộ cần thiết trong việc giảm thiểu khí thải để giới hạn nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C, và tránh những tác động tiêu cực nhất của tình trạng này.

Không có chỉ số nào trong số 40 chỉ số mà nghiên cứu trên đưa ra phù hợp với mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 là kiềm chế nhiệt độ Trái Đất tăng ở mức dưới 2 độ C, và nếu có thể ở mức lý tưởng là 1,5 độ C, so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Thậm chí, trong các chỉ số này, có 25 chỉ số đi chệch hướng, trong đó có việc giảm sử dụng "than bẩn" để tạo ra năng lượng và tăng đầu tư vào vấn đề khí hậu. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng đã chỉ ra một số điểm sáng như thế giới sử dụng rộng rãi hơn năng lượng gió và Mặt Trời, cũng như các phương tiện giao thông chạy bằng điện.

Mặc dù vậy, một trong những tác giả của nghiên cứu trên, Sophie Boehm thuộc Viện Tài nguyên thế giới (WRI), cho rằng nghiên cứu cần đưa ra một "cái nhìn rõ ràng" về những nỗ lực mà các chính phủ cần thực hiện trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), dự kiến khai mạc ngày 31/10 tại Glasgow (Anh).

Chuyên gia này cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới cần thể hiện tham vọng hơn nữa và hành động ngay lập tức tại COP26 vì đây sẽ là cơ hội lớn cuối cùng để khuyến khích nỗ lực tập thể nhằm hạn chế sự tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C, trong đó các nhà khoa học kêu gọi thế giới cần giảm phát thải gần một nửa lượng khí nhà kính vào năm 2030 để đạt được mục tiêu này.

Việc nhiệt độ toàn cầu được giới hạn tăng ở mức 1,5 độ C được cho là sẽ không ngăn được tình trạng thời tiết cực đoan tiếp tục xấu đi hay mực nước biển tăng, nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa những tác động nghiêm trọng đối với con người và hệ sinh thái.

Do đó, nghiên cứu trên chỉ ra rằng thế giới cần tăng đáng kể nguồn đầu tư vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Ước tính, toàn cầu cần tăng đầu tư gấp 8 lần để có để đáp ứng được nhu cầu lên đến 5.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, hoặc tăng trung bình 436 tỷ USD/năm trong thập kỷ này.

Theo một đánh giá hàng năm do các nhà phân tích thuộc tổ chức Sáng kiến chính sách khí hậu (CPI) công bố trong tháng này, thế giới đã chi trung bình 632 tỷ USD cho các chính sách khí hậu vào năm 2019 và 2020, tăng 10% so với năm 2017-2018. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng này đã chậm lại so với những năm trước đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục