Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung 1 năm nhìn lại: Cam kết khác xa thực tế

09:37' - 18/01/2021
BNEWS Một năm sau khi ký kết thỏa thuận, giá trị hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ kém xa cam kết của Bắc Kinh, mất cân bằng trong cán cân thương mại lại được nới rộng hơn.

Ngày 15/1/2020, Mỹ và Trung Quốc chính thức ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng, tạo ra “lệnh ngừng bắn” đối với cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà chính quyền Tổng thống Donald Trump khởi xướng vào tháng 7/2018. 

Theo thỏa thuận, Washington đồng ý cắt giảm một số dòng thuế, đổi lại Bắc Kinh cam kết tăng thêm 200 tỉ USD nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ trong 2 năm 2020 và 2021, với mốc so sánh là tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ của Trung Quốc trong năm 2017.

Riêng với năm 2020, theo đúng thỏa thuận đề ra, Bắc Kinh phải tăng lượng hàng hóa mua thêm từ Mỹ ít nhất là trên 63,9 tỉ USD so với ngưỡng của năm 2017. 

Văn bản cũng đề cập một số điều khoản quy định Bắc Kinh chấm dứt đánh cắp sở hữu trí tuệ, ngừng cưỡng bước chuyển giao công nghệ, đồng thời mở cửa hơn nữa thị trường nội địa với ngành dịch vụ tài chính của Mỹ. 

Đúng 1 năm sau khi ký kết, chưa thể khẳng định rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là thành công, khi giá trị hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ còn kém xa so với cam kết, trong khi thặng dư thương mại của Trung Quốc trước Mỹ còn gia tăng.

Giới phân tích nhận định điểm tích cực duy nhất chính là việc thỏa thuận mở ra nền tảng để hai bên can dự về các chủ đề kinh tế, thương mại, một bước đi quan trọng để tái định hình quan hệ song phương trong bối cảnh hai bên mất lòng tin vào nhau. Còn về con số cụ thể, thỏa thuận này coi như bất thành. 

Theo thống kê của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), tính đến hết tháng 11/2020, lượng hàng hóa Trung Quốc mua của Mỹ mới chỉ đạt dưới 60% so với cam kết của năm 2020.

Tính theo số liệu của hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hàng hóa của nước này từ Mỹ đạt 86,9 tỉ USD, so với mức 153,8 tỉ USD theo cam kết.

Còn theo số liệu của Mỹ, xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc trong khoảng thời gian này là 82,3 tỉ USD, kém xa so với mục tiêu 141,7 tỉ USD. 

Ngay cả lĩnh vực có bước tiến mạnh nhất là nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp cũng mới chỉ đạt 76% hoặc 62% cam kết, tùy theo sử dụng số liệu thống kê của Mỹ hay Trung Quốc.

Riêng về mặt hàng năng lượng, giá trị mua hàng của Trung Quốc dừng ở mức 7,8 tỉ USD so với mục tiêu 21,8 tỉ USD, chỉ đạt 35% so với kế hoạch. 

Mất cân bằng trong cán cân thương mại song phương trong khi đó lại nới rộng hơn.

Tính cả năm 2020, thặng dư thương mại của Trung Quốc trước Mỹ lên 316,9 tỉ USD, tăng 7,1% so với năm ngoái và là năm có thặng dư kỉ lục đứng hàng thứ hai, chỉ kém ngưỡng 324 tỉ USD của năm 2018. 

Về sở hữu trí tuệ và mở cửa thị trường, tháng 9/2020, chính quyền Bắc Kinh công bố dự thảo luật về tăng cường bảo đảm quyền lợi cho chủ sở hữu bí mật kinh doanh, áp dụng với cả đối tượng là cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hồi tháng 6/2020 cũng đã cấp phép cho tập đoàn tài chính America Express (Mỹ) được thực hiện nghiệp vụ thanh toán tại Trung Quốc, thực thể nước ngoài đầu tiên được hưởng quy chế này. 

Tuy nhiên, với các công ty hoạt động tại Trung Quốc từng mong đợi những thay đổi quan trọng về cấu trúc trong môi trường kinh doanh cùng những cải thiện về tiếp cận thị trường cho sản phẩm công nghệ, giảm trợ cấp của Bắc Kinh đối với khu vực nhà nước, thỏa thuận thương mại giai đoạn một chưa tạo ra bước chuyển lớn nào về môi trường kinh doanh, đầu tư tại đại lục. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục