Triển khai Nghị quyết 06/NQ-TW: Đổi mới tư duy phát triển đô thị

08:53' - 18/06/2022
BNEWS Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 là kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước đạt 75% vào năm 2025 và năm 2030 tiến đến mốc 85%.

Cùng đó, đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam sẽ thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á.

Đặc biệt, Việt Nam sẽ xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 06) được Bộ Chính trị ban hành ngày 24/1/2022 chính là định hướng, kim chỉ nam để thể chế hóa các quy định pháp luật nhằm tiếp tục phát triển đô thị Việt Nam hiệu quả hơn trong thời gian tới.

* Đổi mới tư duy trong định hướng

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, trước khi ban hành Nghị quyết 06, Đảng ta vẫn chưa có nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển đô thị. Vì vậy, để Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, đường lối về đô thị hóa và phát triển đô thị nêu tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đồng thời làm cơ sở để hoàn thiện thể chế và ban hành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị đến năm 2030, Nghị quyết 06-NQ/TW được ban hành.

Theo thống kê, hiện cả nước có 862 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều; tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khâu quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế.

Mục tiêu của Việt Nam trong tương lai là tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 đạt từ 950-1.000 đô thị và đạt ngưỡng 1.000-1.200 đô thị vào năm 2030.

Cùng đó, hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh...

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, cùng với những bất cập trong nhiều năm qua trong phát triển đô thị đặt ra yêu cầu cần phải ban hành một Nghị quyết mới có tính tổng thể và toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn tới.

Mặt khác, những hạn chế, tồn tại trong phát triển đô thị thời gian qua cần có chủ trương của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ. Điển hình như tỷ lệ đô thị hoá đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, chất lượng đô thị hoá chưa cao, quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới...

Đặc biệt, kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới…

Do đó, Nghị quyết số 06 nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, đô thị hóa và phát triển đô thị cùng với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, đây cũng là thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Bởi vậy, sự đổi mới trong tư duy để định hướng đúng, kịp thời lại càng quan trọng.

Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ, Nghị quyết này có nghĩa lớn, gợi mở và tháo gỡ nhiều vấn đề trong phát triển đô thị của thành phố cũng như mạng lưới đô thị cả nước. Nghị quyết có những điểm mới như cơ chế tài chính để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, đô thị; phân cấp, phân quyền cho các địa phương, ngành trong quy hoạch, quản lý và triển khai xây dựng đô thị, hạ tầng đô thị...

 

* Hoàn thiện thể chế                                                                         

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phát triển đô thị, Nghị quyết 06 đã đưa ra sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cùng với việc xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; phát triển kinh tế khu vực đô thị...

Một trong những giải pháp thu hút sự quan tâm của dư luận, đòi hỏi có sự nhập cuộc của các bộ ngành, địa phương là chú trọng đặc biệt vào việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc, xây dựng, bảo đảm tính minh bạch, thống nhất.

Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, đô thị hóa là tất yếu, khách quan là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trên cơ sở đó, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Đây là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng của cả hệ thống chính trị.

"Việc đổi mới tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị là rất quan trọng nên công tác bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa, văn minh đô thị làm nền tảng phát triển. Cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng, trong đó có lĩnh vực phát triển đô thị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cũng cho rằng, thách thức lớn nhất nhất hiện nay là hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.

Hiện hệ thống pháp luật về quản lý xây dựng và phát triển đô thị chưa đồng bộ, hoàn chỉnh, chưa có luật khung điều chỉnh thống nhất.

Tuy nhiên, chương trình xây dựng luật để điều chỉnh quản lý phát triển đô thị đã được đưa vào chương trình xây dựng luật mới giai đoạn 2023-2024. Đây là nội dung khó, nội hàm rộng, cũng chưa có nhiều kinh nghiệm từ nước ngoài nên sẽ đòi hỏi sự tập trung sức lực, đội ngũ chuyên gia, các nhà chuyên môn, khoa học lớn trong và ngoài nước.

Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, một trong những điểm cần ưu tiên là tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả; phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị.

"Muốn vậy, cần thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương", Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh.

* Tạo nguồn lực và cơ chế đặc thù

Khâu then chốt nhất trong quá trình thực hiện Nghị quyết 06 được xác định là vấn đề quy hoạch. Yêu cầu đặt ra là quy hoạch và phát triển hạ tầng đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.

Do vậy, cần đổi mới tư duy, lý luận, phương pháp quy hoạch để bảo đảm quy hoạch có tầm nhìn dài hạn; gắn kết giữa đô thị hóa, phát triển đô thị với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế.

Dự kiến đến năm 2025, Việt Nam có thêm ít nhất 250 đô thị và đến năm 2030 tiếp tục có thêm 200 đô thị nữa. Với nhu cầu này sẽ cần một khoản chi phí đầu tư không nhỏ. Cùng đó, yêu cầu cải tạo, chỉnh trang, tái thiết tại các đô thị hiện hữu với rất nhiều các bất cập về hạ tầng như giao thông, cây xanh, môi trường… sẽ là một bài toán cần lời giải thích hợp.

Theo các tổ chức quốc tế, đô thị của Việt Nam cần phải lựa chọn mô hình phát triển phù hợp theo hướng bền vững, thông minh và có khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng đó, quản lý phát triển đô thị từ các bước quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản trị... cần tận dụng lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao tính khả thi và hiệu quả.

Là địa phương điển hình về phát triển thành phố thông minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết, Đà Nẵng đã chủ động ban hành chủ trương, chính sách phát triển đô thị thông minh. Đặc biệt, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, Trung ương cần sớm ban hành khung chính sách thử nghiệm có kiểm soát để các địa phương thuận lợi trong triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, quản lý đô thị thông minh; tổ chức tổng hợp và chia sẻ cơ sở dữ liệu của các dự án đã triển khai để những địa phương đầu tư sau tham khảo...

Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho rằng, trong quá trình thực hiện, các địa phương cần đánh giá đúng thực tế, đặt ra các chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa phù hợp khả năng phát triển, không bắt buộc phải đạt được mức trung bình chung của cả nước là 45% vào năm 2025 và khoảng 50% vào năm 2030.

Thay vào đó, các địa phương chú ý tập trung rà soát, xác định tiến độ lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch chung đô thị và phủ kín quy hoạch phân khu, làm cơ sở để triển khai quy hoạch chi tiết, các dự án phát triển hoặc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị.

Cùng đó, cần thống kê về tình trạng điều chỉnh quy hoạch, đánh giá các hệ lụy để có giải pháp xử lý, không làm gia tăng áp lực hạ tầng, ảnh hưởng đến việc cung cấp tiện ích đô thị. Tính toán nguồn lực thực hiện. Việc cải tạo, chỉnh trang hoặc tái thiết khu vực đô thị hiện hữu phải làm tiền đề tạo ra nguồn lực mới cho phát triển, tạo dựng điểm nhấn kiến trúc.

Đồng quan điểm, Tiến sỹ, kiến trúc sư Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, đánh giá việc thực thi quy hoạch chung xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương, cần đánh giá đầy đủ về nguồn lực, hiệu quả và tác động chứ không chỉ tập trung đánh giá về hoạt động triển khai và kết quả của thực thi quy hoạch.

Các nguồn lực chính được sử dụng trong thực thi quy hoạch là đất đai, tài chính, con người, thể chế. Bởi vậy, khi điều chỉnh quy hoạch và lập mới quy hoạch cho kỳ sau, các nhà lập quy hoạch cần nhận định đầy đủ và khắc phục những bất cập liên quan việc đặt mục tiêu quy hoạch vượt quá khả năng cho phép của nguồn lực có thể huy động.

Nhu cầu vốn hàng năm cho đầu tư phát triển đô thị để đạt được các mục tiêu quy hoạch trong 20 năm tới cao hơn rất nhiều so với mức đầu tư trung bình những năm qua. Do vậy, các chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư đóng vai trò quyết định khả năng thực thi các mục tiêu quy hoạch.

Theo Tiến sỹ Huỳnh Thế Du - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, việc hình thành phát triển đô thị là do thị trường quyết định. Nhà nước chỉ cần hỗ trợ thực hiện thêm 3 nhiệm vụ là xây dựng hạ tầng, quy hoạch đất, thu thuế và sử dụng đất. Hiện nay, các thành phố phát triển đô thị theo hiện trạng chính sách một đường và thị trường đi một nẻo khiến đô thị phát triển mất cân đối.

Bối cảnh đó cho thấy, nguồn lực cơ sở địa phương chính là một trong những yếu tố cần phát huy. Muốn vậy, cần có chính sách tạo điều kiện cho các địa phương huy động được nhiều vốn hơn từ các nguồn như: hỗ trợ phát triển, phát hành trái phiếu và vốn từ các ngân hàng thương mại... hay cơ chế khai thác từ quy hoạch phát triển quỹ đất, vốn đóng góp từ cộng đồng... Nguồn vốn ngân sách chỉ tập trung đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển kinh tế. Sự đổi mới tư duy trong phát triển đô thị chính là tạo ra động lực, nguồn lực để hướng đến tăng trưởng bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục