Triển vọng nhập khẩu vũ khí vào thị trường châu Á

07:24' - 02/11/2018
BNEWS Theo nhận định của trang mạng Trường nghiên cứu quốc tế RSIS (Singapore) mới đây, châu Á dường như đã trở thành thị trường tiêu thụ vũ khí lớn nhất thế giới.


Ngoài ra, khu vực này cũng đang có nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại vũ khí tinh vi hiện đại. Đây là điều tốt đối với các doanh nghiệp quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc - những quốc gia cung cấp vũ khí lớn nhất cho khu vực châu Á. Hai trong số những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng gia tăng mua sắm vũ khí tại châu Á cũng là Mỹ và Trung Quốc. 

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) gần đây đã công bố số liệu về các thỏa thuận mua bán vũ khí toàn cầu trong năm 2017, trong đó khẳng định châu Á (bao gồm cả khu vực tiểu lục địa Ấn Độ) và khu vực châu Đại Dương tiếp tục là thị trường vũ khí lớn nhất thế giới trong một thập kỷ qua. 

Theo SIPRI, châu Á chiếm phần lớn (42%) toàn bộ các thương vụ mua bán và chuyển giao vũ khí thế giới trong giai đoạn 2013-2017, vượt xa khu vực Trung Đông (cũng là một thị trường mua bán vũ khí lớn của thế giới với tỷ lệ 32%). 

Trong khi thị phần tại khu vực này có sự giảm nhẹ so với giai đoạn từ 2008-2012 (khi khu vực này chiếm tới 46%), các thương vụ mua bán vũ khí của châu Á trên thực tế gần đây đã tăng, tương ứng với việc các mặt hàng vũ khí xuất khẩu toàn cầu tăng cao.

Những quốc gia mua vũ khí nhiều nhất của thế giới cũng thuộc châu Á. Theo SIPRI, trong giai đoạn 2013-2017, 5/10 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Australia, Pakistan.

Trên thực tế, chỉ riêng Ấn Độ đã chiếm 12% tổng các vụ chuyển giao vũ khí trong giai đoạn này và tiếp tục duy trì vị trí quốc gia mua sắm vũ khí lớn nhất thế giới trong vài năm qua (vượt qua cả Saudi Arabia). Trong giai đoạn 2013-2017, lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ đã tăng tới 24% so với giai đoạn 2008-2012.

Tất cả các thương vụ vũ khí nói trên xuất phát từ bối cảnh tiếp tục có xu hướng gia tăng chi tiêu quân sự trong khu vực này. Cũng theo SIPRI, chi tiêu quân sự tại châu Á và châu Đại Dương trong năm 2017 đã tăng 3,6% so với năm 2016 và cao hơn tới 59% so với một thập kỷ trước đây. 

SIPRI cho hay Mỹ đã giành được 34% thị phần vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2013-2017, vượt xa Nga (nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới với thị phần 22%). Trong năm 2017, các thương vụ chuyển giao vũ khí của Mỹ đã đạt số lượng lớn nhất trong vòng 20 năm qua. Ngoài ra, xuất khẩu vũ khí của Mỹ trong giai đoạn 2013-2017 đã tăng tới 25% so với giai đoạn 2008-2012, nới rộng khoảng cách giữa nước này với các quốc gia xuất khẩu vũ khí khác.

Châu Á tiêu thụ 1/3 các mặt hàng vũ khí xuất khẩu của Mỹ trong giai đoạn 2013-2017. Khách hàng lớn nhất của Mỹ ở hai khu vực trên là Australia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trong khi Nga vẫn vượt qua Mỹ xét về tổng lượng vũ khí bán tại châu Á (chiếm tới 34% tổng lượng vũ khí được chuyển giao cho khu vực này), Mỹ đã bắt đầu “cướp được” những khách hàng truyền thống của Moskva trong khu vực. 

Tại thị trường Ấn Độ (vốn tiêu thụ tới 35% lượng vũ khí xuất khẩu của Nga trong giai đoạn 2013-2017), Mỹ cũng đã trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của New Delhi. Trên thực tế, giữa giai đoạn 2008-2012 và giai đoạn 2013-2017, lượng vũ khí Ấn Độ mua từ Mỹ tăng tới 557%. 

Indonesia (nước đã mua các máy bay chiến đấu của Nga) cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí của nước này, và nước hưởng lợi cũng là Mỹ. Trung Quốc cũng được lợi từ xu hướng gia tăng mua sắm vũ khí tại châu Á. 

Lượng mặt hàng vũ khí chính xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 38% trong giai đoạn 2013-2017 so với giai đoạn 2008-2012, đồng thời chiếm tới 5,7%  thị phần vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2013-2017 (mặc dù điều này mới chỉ giúp nước này đứng ở vị trí thứ 5, sau Mỹ, Nga, Pháp và Đức).

Hầu hết các khách hàng vũ khí lớn nhất của Trung Quốc cũng ở khu vực châu Á, và trong giai đoạn 2013-2017, châu Á chiếm tới 72% tổng lượng vũ khí được chuyển giao. Hai nước mua nhiều vũ khí nhất của Trung Quốc là Pakistan và Bangladesh, chiếm tới hơn 50% tổng lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc. 

Pakistan, trên thực tế, đang mua khoảng 70% tổng lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã giành được những thương vụ ấn tượng, bao gồm những thỏa thuận xuất khẩu 8 tàu ngầm lớp Yuan tới Pakistan và 3 tàu ngầm cùng loại tới Thái Lan. 

Trung Quốc cũng đã bán xe tăng cho Myanmar và các tên lửa chống hạm cho Indonesia, xuất khẩu các thiết bị bay không người lái có vũ khí tới Iraq, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, Nigeria và Ai Cập.

Đồng thời, Trung Quốc cũng đang bắt đầu giảm lượng vũ khí nhập khẩu trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng trong nước tiếp tục được cải thiện và phát triển, chế tạo ra nhiều hệ thống vũ khí quân sự có sức cạnh tranh trên toàn cầu. 

Thực tế đây là tin xấu trong cuộc đua dài hơi đối với Nga, vốn đang lý giải cho tất cả các vụ mua sắm vũ khí Trung Quốc. Tất nhiên, các thương vụ vũ khí sắp tới vẫn còn là vấn đề của tương lai chứ không phải quá khứ. Tuy nhiên, đối với thị trường vũ khí tại châu Á, quãng thời gian 5 năm tới nhiều khả năng vẫn sẽ diễn ra tương tự như 5 năm qua. 

Những căng thẳng trong khu vực, trong tiểu lục địa Ấn Độ, trên Biển Đông, ở eo biển Đài Loan, và nhất là trên và xung quanh bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục định hướng, định hình việc gia tăng chi tiêu quốc phòng, gây tác động tới các thương vụ vũ khí trong khu vực.

Do vậy, châu Á sẽ tiếp tục nỗ lực để có thể được sở hữu những vũ khí, khí tài mới và hiện đại nhất của các nước. Đó là các loại máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không và tàu hải quân. Ngoài ra, các nước cũng sẽ xuất hiện xu hướng tăng cường mua bán các hệ thống vũ khí mà trước đây hiếm khi được nhìn thấy tại châu Á như các tàu ngầm hiện đại hoặc các hệ thống pháo tên lửa phòng không vô cùng chính xác. 

Những xu hướng nói trên phần nào cho thấy châu Á tiếp tục là một “thị trường phải có” đối với các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Điều này cũng đòi hỏi các hãng chế tạo vũ khí hàng đầu thế giới - rất nhiều trong số này phụ thuộc lớn vào doanh số bán hàng nước ngoài để tồn tại - phải tiếp tục cải tiến sản phẩm, đáp ứng được các nhu cầu càng cao của khách hàng châu Á./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục