Trọng tâm của Indonesia trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023

05:30' - 01/12/2022
BNEWS Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tiếp nhận tượng trưng vai trò Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ Thủ tướng Campuchia Hun Sen và sẽ trở thành Chủ tịch ASEAN năm 2023.

Nghi thức chuyển giao quyền Chủ tịch ASEAN đã diễn ra tại Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40-41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, vào ngày 13/11 vừa qua.

Theo hãng tin chính thức Antara, Năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia có chủ đề “Các vấn đề của ASEAN: Tâm điểm tăng trưởng”. Thông qua chủ đề này, ASEAN mong muốn trở thành một khu vực hòa bình, ổn định - mỏ neo cho ổn định toàn cầu. ASEAN cũng sẽ tôn trọng luật pháp quốc tế, các giá trị nhân đạo và các thực hành dân chủ, và sẽ không đóng vai trò ủy nhiệm cho bất kỳ bên nào.

Ngoài ra, Tổng thống Widodo cũng bày tỏ hy vọng ASEAN sẽ trở thành một khu vực kinh tế phát triển nhanh, bao trùm và bền vững, phù hợp với tinh thần hợp tác chung và thực hiện Hiến chương ASEAN. Do đó, việc xây dựng năng lực của các thể chế ASEAN cũng cần được tăng cường để giúp họ ứng phó với các thách thức quốc tế khác nhau trong 20 năm tới.

Tổng thống Indonesia bày tỏ kỳ vọng rằng đến năm 2045, ASEAN sẽ thích ứng hơn, phản ứng nhanh hơn và cạnh tranh hơn. Tại buổi lễ, ông Widodo cũng mời các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao 2023 tại Indonesia.

* Nổi bật và phù hợp

Theo Ngoại trưởng Retno Marsudi, Indonesia mong muốn ASEAN duy trì vai trò nổi bật và phù hợp trong việc giải quyết các vấn đề khác nhau mà người dân Indonesia cũng như khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới phải đối mặt.

Liên quan đến logo của Năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia được Tổng thống Widodo tiết lộ tại lễ bàn giao, bà Marsudi cho biết logo này thể hiện bầu trời, núi, biển và trái đất, cũng như loài chim Maleo. Theo bà Marsudi, bầu trời tượng trưng cho sự ôm ấp và bảo vệ. Núi và đất phản ánh sự vững chắc và ổn định.

Ngoài ra, ngọn núi còn là biểu tượng cho sự phát triển lạc quan giúp tất cả các thành viên ASEAN tiến bộ hơn. Trong khi đó, biển kết nối và hội tụ tất cả các hòn đảo của các quốc gia trong khu vực. Maleo đại diện cho sự đa dạng sinh học phong phú của Indonesia vì đây là loài chim đặc hữu của đảo Sulawesi. Về tổng thể, logo nhấn mạnh tính năng động, khả năng đáp ứng và thích ứng trong việc giải quyết mọi thách thức toàn cầu và khu vực.

ASEAN có 3 trụ cột hợp tác bao gồm trụ cột chính trị- an ninh, trụ cột kinh tế, và trụ cột văn hóa-xã hội. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Indonesia, các cuộc thảo luận liên quan đến trụ cột chính trị-an ninh sẽ do Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Luật pháp và An ninh Mahfud MD cũng như bà Marsudi chủ trì.

Các cuộc thảo luận về trụ cột kinh tế sẽ được Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Kinh tế Airlangga Hartarto dẫn dắt, trong khi trụ cột văn hóa-xã hội do Bộ trưởng Điều phối Văn hóa và Phát triển Con người Muhadjir Effendy đảm nhiệm. Trong khi đó, công tác điều phối chung với Ban Thư ký ASEAN sẽ do Bộ Ngoại giao thực hiện.

Hoạt động đầu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Indonesia là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 1/2023. Hầu hết các cuộc họp cấp kỹ thuật sẽ được tổ chức tại Ban thư ký ASEAN ở Jakarta.

Tòa nhà mới của Ban thư ký hiện có đầy đủ phòng họp nên phù hợp để tổ chức các hội nghị của ASEAN. Cho đến nay, ước tính sẽ có hơn 50 cuộc họp sẽ được tổ chức tại Ban thư ký ASEAN trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Indonesia vào năm tới. Indonesia cũng sẽ tổ chức một số sự kiện quan trọng trong thời gian đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN, bao gồm Diễn đàn cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và Diễn đàn doanh nghiệp kinh tế sáng tạo ASEAN.

Với thiện chí và sự làm việc chăm chỉ, vai trò Chủ tịch ASEAN của Indonesia hy vọng sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho người dân Indonesia mà còn cho người dân ASEAN và thế giới, bởi ASEAN đóng vai trò là trung tâm tăng trưởng.

* Thử thách đa chiều

Kéo dài từ ngày 1/1 đến ngày 21/12/2023, nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Indonesia diễn ra trong bối cảnh tình hình toàn cầu đầy bất ổn, kéo theo những thách thức đa chiều.

Ngoại trưởng Marsudi lưu ý rằng nhiệm kỳ Chủ tịch của Indonesia diễn ra vào thời điểm tình hình toàn cầu - từ địa chính trị đến kinh tế - không dễ dàng và thuận lợi. Hơn nữa, các cuộc đối đầu địa chính trị hiện nay có thể vẫn sẽ diễn ra gay gắt trong năm tới. ASEAN đã bày tỏ hy vọng rằng sự đối đầu này sẽ không gây ra xung đột khác, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Đông Nam Á.

Trong khi đó, về kinh tế toàn cầu, nếu các nước không sớm tăng cường hợp tác để vượt qua khủng hoảng lương thực và năng lượng, cũng như giải quyết tình trạng khan hiếm phân bón, khả năng tài chính của các nước đang phát triển nói riêng sẽ yếu đi. Mặt khác, theo bà Marsudi, nền kinh tế toàn cầu sẽ còn ảm đạm hơn trong năm tới.

Bà Marsudi lưu ý, giữa những dự báo về sự suy giảm liên tục của nền kinh tế toàn cầu, tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á vẫn cao hơn mức trung bình toàn cầu. Bà Marsudi nhắc lại rằng Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng tài chính trước đó, nhưng khu vực này đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế khá mạnh mẽ kể từ đó. Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia cho hay tăng trưởng kinh tế của ASEAN hầu như luôn cao hơn mức trung bình của thế giới. 

Tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN năm 2012 đạt 6,2%, trong khi tăng trưởng toàn cầu chỉ ở mức 2,7%. Năm 2015 và năm 2018, tăng trưởng của khu vực lần lượt đạt 4,8% và 5,2%, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần lượt là 3,1% và 3,3%. Năm 2019, tăng trưởng kinh tế của ASEAN và tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần lượt ở mức 4,6% và 2,6%.

Trong năm 2022 này, tăng trưởng kinh tế của khu vực được dự báo sẽ đạt 5,1%, cao hơn mức tăng trưởng toàn cầu là 3,2%. Theo bà Marsudi, dự báo này dựa vào tăng trưởng của từng quốc gia ASEAN, vốn khá tốt cho đến nay. Chẳng hạn, Indonesia ghi nhận tăng trưởng kinh tế 5,72% trong quý III/2022, tăng so với mức 5,4% trong quý II.

Cuối cùng, Ngoại trưởng Marsudi nhấn mạnh rằng nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á mong muốn duy trì xu hướng tích cực này để biến ASEAN trở thành tâm điểm tăng trưởng và duy trì ổn định của khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục