Tuần hoàn kép - chiến lược mới của Trung Quốc trong cuộc đọ sức kinh tế với Mỹ

05:30' - 12/09/2020
BNEWS Theo báo Asia Times, với việc phương Tây và các nhà sản xuất hàng đầu tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Bắc Kinh đã thay đổi hướng đi và đang hướng đến sản xuất giá trị cao.

 

Tại Trung Quốc cũng bắt đầu các cuộc tranh luận xung quanh việc rút lui khỏi toàn cầu hóa, nhưng nước này đang nhắm đến việc tìm kiếm lợi thế của mình bằng một chiến lược kinh tế mới. Nếu thành công, tác động quả đối với phần còn lại của thế giới có thể rất sâu rộng.

Các cuộc tấn công liên tục, nhiều hướng của Chính quyền Mỹ đã xóa tan mọi nghi ngờ mà Bắc Kinh có thể có về quyết tâm "tách rời" kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump.

Washington đã nỗ lực cắt đứt hoạt động kinh doanh của nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei cùng với đe dọa hủy bỏ niêm yết của các công ty Trung Quốc tại các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Thông điệp đã được phát đi.

Đáp lại, các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu nói về việc theo đuổi "Chiến lược tuần hoàn kép". Cụm từ này dường như có nghĩa là Trung Quốc sẽ nỗ lực gấp đôi để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước và việc "tự cung tự cấp" về mặt công nghệ, trong khi vẫn tiếp tục hưởng lợi tốt nhất có thể từ quá trình toàn cầu hóa.

Chuyên gia Bách Trang thuộc công ty tư vấn kinh tế TS Lombard ở Bắc Kinh cho biết, về cơ bản, chiến lược tuần hoàn kép nhằm mục đích xây dựng sức mạnh kinh tế trong nước thông qua tái cân bằng khi Trung Quốc đối mặt với những rủi ro gia tăng bên ngoài.

Trong khi đó, nước này vẫn duy trì sự tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chiến lược tuần hoàn kép không phải là một sự chuyển hướng triệt để.

Trung Quốc đã cố gắng trong nhiều năm để chuyển đổi động lực tăng trưởng từ đầu tư và xuất khẩu sang chi tiêu hộ gia đình. Kết quả là tổng giá trị xuất khẩu trên tỷ trọng GDP đã giảm một nửa kể từ năm 2007, và tiêu dùng nội địa đóng góp gần 60% trong tăng trưởng GDP năm 2019.

Tuy nhiên, tiêu dùng tư nhân trong năm 2019 vẫn ở mức thấp đáng kinh ngạc, chỉ chiếm 39% GDP, mặc dù tăng so với mức 35% GDP của năm 2010 nhưng chỉ bằng một phần nhỏ so với mức 69% GDP của Mỹ.

Bên cạnh đó, chiến lược tuần hoàn kép nhấn mạnh đến việc tăng cường tự lực kinh tế, đó là việc mở rộng các chiến lược trước đó, bao gồm kế hoạch "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025", kế hoạch đạt được khả năng làm chủ một loạt công nghệ tiên tiến và chương trình nghị sự "cải cách cơ cấu bên cung" ra mắt vào năm 2015.

* Bối cảnh quốc tế có gì mới?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết luận rằng với việc thái độ thù địch với Trung Quốc ngày càng gia tăng, nhu cầu cấp thiết là phải làm cho nền kinh tế ít bị tổn thương hơn trước những rủi ro bên ngoài như thuế quan của Mỹ và chiến dịch cắt giảm khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ tiên tiến.

Vào lúc này, đại dịch COVID-19 đang khiến phần còn lại của thế giới phụ thuộc ít hơn vào Trung Quốc. Bằng cách phơi bày những nguy cơ của việc phụ thuộc quá mức vào một số nhà cung cấp, trong trường hợp này là thiết bị y tế, đại dịch đang thúc đẩy sự đánh giá rộng hơn về vai trò chủ chốt của Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng.

Chẳng hạn như Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sự lo lắng về việc khối này phụ thuộc quá nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên liệu thô quan trọng của Trung Quốc được sử dụng để sản xuất pin và thiết bị năng lượng tái tạo.

Những quan ngại như vậy có thể đẩy nhanh xu hướng "hồi hương" các công ty nước ngoài đối với một số hoạt động sản xuất của họ ở Trung Quốc. Sự thay đổi này ban đầu có thể gây hại cho nền kinh tế Trung Quốc.

Foxconn, nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng khổng lồ có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), sử dụng hơn 1 triệu người ở Trung Quốc, đặc biệt là lắp ráp điện thoại thông minh iPhone cho Apple.

Tuy nhiên, hãng tin Reuters đưa tin công ty này đang có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để mở rộng một nhà máy sản xuất điện thoại ở Ấn Độ và là một trong số các công ty Đài Loan đang nhắm đến việc mở rộng ở Mexico.

Chủ tịch Foxconn Liu Young-way cho biết, cuộc đối đầu Mỹ-Trung đã chia cắt thế giới thành "G2" và Foxconn đang làm việc để "cung cấp hai chuỗi cung ứng phục vụ hai thị trường". Ông nhấn mạnh, "công xưởng của thế giới không còn tồn tại nữa".

Mức lương đang gia tăng ở Trung Quốc chắc chắn đang thúc đẩy các nhà sản xuất hàng hóa cơ bản như dệt may và giày dép chuyển sang các nước có chi phí thấp hơn như Việt Nam và Campuchia.

Theo Ian Goldin, Giáo sư về toàn cầu hóa và phát triển tại trường Đại học Oxford, việc nâng cao chuỗi giá trị, nhu cầu tùy chỉnh cá nhân và giao hàng nhanh chóng đang khuyến khích các nhà sản xuất ở các nước tiên tiến trở về nước.

* Chiến lược mới có thể làm tổn thương phương Tây

Với chiến lược tuần hoàn kép, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là Trung Quốc đang quay lưng lại với hội nhập kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, hai chuyên gia Jude Blanchette và Andrew Polk thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington cho rằng, việc Trung Quốc chuyển hướng tập trung khỏi các hoạt động xuất khẩu theo chủ nghĩa trọng thương về cơ bản có thể định hình lại các dòng chảy đầu tư và thương mại toàn cầu.

Hơn nữa, nếu chiến lược mới đòi hỏi sự tập trung sâu hơn vào sản xuất giá trị cao, Trung Quốc có thể tìm cách tái tạo mô hình sản xuất của Đức. Nếu nước này thành công, điều đó sẽ là một thách thức lớn đối với các nền kinh tế công nghiệp hóa.

Quy mô sản xuất của Trung Quốc có thể bắt đầu phá vỡ một loạt phân khúc thị trường mới - như đã từng xảy ra với pin năng lượng Mặt Trời và pin lithium trong quá khứ, hai chuyên gia Blanchette và Polk lập luận.

Khi đó, những nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc của phương Tây có thể phản tác dụng và đe dọa sự thống trị mà Mỹ và các đồng minh bao gồm Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc được hưởng trong các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục