Căng thẳng trên Biển Đỏ: Giao thương toàn cầu chậm nhịp

14:52' - 22/03/2024
BNEWS Trong những tháng qua, tình hình Biển Đỏ đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận quốc tế khi tuyến vận tải qua khu vực này được xem là huyết mạch của thương mại toàn cầu bị gián đoạn.

Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen vào các tàu thương mại chở hàng trên Biển Đỏ đã khiến nhiều hãng vận tải phải chuyển sang lộ trình dài hơn để đảm bảo an toàn cho các tàu, kéo theo chi phí và phí bảo hiểm tăng cao.

Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng không nhỏ và các doanh nghiệp phải tìm kiếm các hình thức vận tải mới để giảm thiểu tình trạng gián đoạn.

Bên cạnh đó, do tuyến vận tải qua Biển Đỏ rất quan trọng đối với ngành năng lượng, thị trường dầu khí cũng nóng lên sau những đợt tấn công. Không những thế, thị trường dầu mỏ trở nên ngày càng cục bộ, khi khách hàng mua dầu đang hình thành xu hướng tìm kiếm nguồn cung gần hơn.

Trong bối cảnh chung của toàn cầu, Việt Nam không phải ngoại lệ, khi hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng chịu những tác động. Thời gian vận chuyển kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến khả năng đáp ứng đơn hàng của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu, trong khi giá cước vận tải tăng mạnh.

Vấn đề được đặt ra là những gián đoạn hiện nay có gây ra những tác động kéo dài hay không và nếu những căng thẳng tiếp diễn, hoạt động vận tải biển sẽ được định hình lại ra sao?

Để có thêm góc nhìn về những tác động nhiều chiều từ căng thẳng trên Biển Đỏ đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, BNEWS/TTXVN trân trọng giới thiệu chùm bài gồm 5 bài với tựa đề “Ứng phó với những cơn gió ngược từ Biển Đỏ”.

Bài 1: Giao thương toàn cầu chậm nhịp

Các cuộc tấn công vào các tàu chở hàng qua Biển Đỏ, tuyến vận tải biển huyết mạch của toàn cầu, kể từ tháng 11/2023, vẫn đang tiếp diễn. Các chi phí gia tăng do việc các tàu phải thay đổi lộ trình đã gây lo ngại làm gia tăng áp lực lạm phát, bên cạnh những tác động đến hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Những khó khăn được cho là còn kéo dài, ngay cả khi những gián đoạn hiện nay được đẩy lùi.

*Gián đoạn trên tuyến vận tải biển huyết mạch

Tuyến vận tải biển qua Biển Đỏ, kết nối châu Á tới châu Âu qua kênh đào Suez và Địa Trung Hải, được xem là huyết mạch của thương mại quốc tế và vận chuyển khoảng 1.000 tỷ USD giá trị hàng hóa toàn cầu. Khoảng 15% lưu lượng vận tải biển của thế giới đi qua kênh đào này và các tàu đi từ châu Á tiếp cận kênh đào này qua eo biển Bab-el-Mandeb rộng 30 km. Một tàu buôn đi từ Ấn Độ Dương, qua vịnh Aden để vào Biển Đỏ chỉ cần vượt kênh đào Suez sẽ đến Địa Trung Hải, rồi dễ dàng cập cảng châu Âu với thời gian từ 40-60 ngày.

Đây là tuyến vận chuyển hàng hóa đóng góp 10-15% thương mại toàn cầu và 30% khối lượng vận tải biển bằng container của cả thế giới. 70% số hàng hóa có giá trị cao được trao đổi giữa các nước châu Âu với các nước châu Á là thông qua tuyến vận tải Biển Đỏ bởi đây là tuyến vận tải biển ngắn nhất kết nối hai châu lục.

Lực lượng Houthi ở Yemen đã tăng cường tấn công vào các tàu thương mại ở eo biển Bab-el-Mandeb, kể từ cuối tháng 11/2023. Khi Houthi kiểm soát phần đất liền ngay khu vực eo biển Bab el-Mandeb - cửa ngõ độc đạo ra vào phía Nam Biển Đỏ, hầu như không tàu bè nào qua đây an toàn trước nguy cơ bị nhóm này tấn công.

Nhiều công ty vận tải biển phải tránh tuyến đường này. Các tàu đã được định tuyến lại đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, lộ trình dài hơn khoảng 3.000-3.500 hải lý (5.142-6.000 km), khiến các hành trình từ châu Á đến châu Âu kéo dài hơn.

Tàu chở hàng hóa của hãng vận tải Maersk. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bộ phận dự báo, tư vấn và phân tích rủi ro EIU thuộc Tập đoàn The Economist, việc vận chuyển hàng hóa từ châu Âu sang Malaysia và Singapore hiện mất 56 ngày. Trước khi lực lượng Houthi bắt đầu tấn công tàu chở hàng, con số này chỉ là 32 ngày. Trong khi đó, thời gian vận chuyển đến Trung Quốc tăng từ 42 ngày lên 55 ngày.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, hoạt động thương mại trên kênh đào Suez đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào tàu hàng trên Biển Đỏ làm giảm lưu lượng tàu thuyền di chuyển qua kênh đào này.

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala nhận định thương mại toàn cầu năm 2024 kém lạc quan hơn do tác động của căng thẳng tại Biển Đỏ. Trước khi xung đột Hamas-Israel nổ ra vào tháng 10/2023, WTO dự báo thương mại toàn cầu tăng trưởng 3,3% trong năm 2024. Tuy nhiên, trong phát biểu mới, bà Okonjo-Iweala cảnh báo tốc độ tăng trưởng của năm 2024 có thể sẽ thấp hơn.

 

*Gia tăng gánh nặng chi phí

Chi phí vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ đã tăng mạnh kể từ khi xảy ra căng thẳng hồi tháng 11/2023 và sự gián đoạn kéo dài trong hoạt động vận chuyển có thể đẩy lạm phát gia tăng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu và bảo hiểm cũng tăng cao, đặt ra những thách thức chưa từng có đối với ngành hàng hải nói chung và hoạt động vận chuyển qua kênh đào Suez nói riêng.

Ngày 3/3, Chủ tịch Cơ quan Quản lý kênh đào Suez của Ai Cập, ông Osama Rabie, cho biết căng thẳng ở Biển Đỏ đã khiến giá cước vận chuyển tăng mạnh. Theo ông, giá cước vận chuyển đến các cảng ở Biển Đỏ đã tăng lên 6.800 USD/container, từ mức 750 USD/container ghi nhận trước thời điểm xảy ra căng thẳng.

Ông Rahul Sharan, Giám đốc cấp cao phụ trách nghiên cứu tại Công ty nghiên cứu và tư vấn hàng hải Drewry (London, Anh), nói rằng việc thay đổi lộ trình không chỉ làm tăng thời gian di chuyển của các tàu mà còn làm tăng thêm chi phí nhiên liệu. Theo ông, một số công ty vận tải biển đã áp dụng các khoản phụ phí để bù vào các chi phí bổ sung.

Còn chuyên gia Christian Roeloffs, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của Container xChange có trụ sở tại Hamburg (Đức), cho hay tình hình đã trở nên khó khăn khi các chi phí phụ cũng như phí bảo hiểm tăng lên. Căng thẳng ở Biển Đỏ đã khiến phí bảo hiểm của các con tàu container chở hàng tăng vọt lên ngưỡng cao chưa từng thấy. Bà Claire Hamonic, Tổng Giám đốc Ascoma International, ước tính phí bảo hiểm rủi ro do xung đột đã tăng từ 5-10 lần đối với tàu và hàng hóa đi qua khu vực Biển Đỏ, ở mức tương đương 0,6%-1% giá trị tàu. Điều này làm trầm trọng thêm vấn đề “đội chi phí” do giá cước vận tải tăng và tuyến thương mại hàng hải thay thế dài hơn.

Việc chuyển hướng tuyến vận tải cũng gây ra tình trạng thiếu tàu. Một hành trình trên tuyến giữa châu Á và Bắc Âu qua mũi Hảo Vọng và quay trở lại mất tới 102 ngày, đồng nghĩa một hãng vận tải sẽ cần triển khai 16 tàu cho dịch vụ hằng tuần, thay vì 12 tàu như trước đây. Những hành trình dài hơn sẽ cần nhiều nhiên liệu hơn, từ đó làm gia tăng chi phí vận tải. Các tuyến đường dài hơn đồng nghĩa với năng lực tàu sẵn có ít hơn (do số lượng tàu có hạn), từ đó có thể làm tăng giá vận chuyển.

Giới phân tích cho rằng nếu không được kiểm soát, tình hình an ninh ngày càng xấu đi sẽ tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Các chuyến hàng sẽ bị chậm trễ do thời gian vận chuyển kéo dài, trong khi chi phí đối với hoạt động vận chuyển năng lượng và hàng hóa phi năng lượng giữa châu Âu, Trung Đông và châu Á sẽ tăng cao. Điều này có nguy cơ dẫn đến tình trạng thiếu hàng hóa, khiến giá cả tăng vọt.

*Khó khăn hiện tại có thể kéo dài

Ông Philip Damas, Giám đốc quản lý Drewry, tin rằng các nhà xuất khẩu sẽ dễ dàng trong việc quản lý và tổ chức, đồng thời cước phí giao ngay sẽ giảm đáng kể. Các doanh nghiệp xuất khẩu và công ty vận tải đang dần thích ứng với thời gian vận chuyển dài hơn nên đã lập kế hoạch và có sự chuẩn bị phù hợp.

Giáo sư kinh tế hàng hải Takuma Matsuda tại Đại học Takushoku ở Tokyo, Nhật Bản, nhận định tình trạng thiếu container đang phần nào dịu đi và cước vận tải từ châu Á đến châu Âu có thể đã đạt đỉnh.

Tuy nhiên, khi những căng thẳng ở Biển Đỏ tiếp diễn, các hãng vận tải container đang chật vật đối phó với tình trạng thiếu tàu và ùn tắc tại các cảng. Áp lực đảm bảo đúng lịch trình khiến các hãng tàu tranh chấp về neo đậu tại một số cảng, gây tình trạng ùn tắc. Ngoài ra, các cảng trung tâm lớn cũng chịu thêm áp lực, với lượng hàng vào các cảng trung tâm ở châu Á và Địa Trung Hải tăng cao, đặc biệt là ở Singapore, Dubai và các cảng xung quanh eo biển Gibraltar.

Giới phân tích châu Âu cho rằng việc thiết lập lại an ninh tại Biển Đỏ có thể mất nhiều tháng. Tình trạng khó khăn hiện tại còn kéo dài ngay cả khi các cuộc tấn công dừng lại, cho phép phần lớn tàu thuyền di chuyển qua Biển Đỏ.

Chi phí vận tải tăng đẩy giá cả với người tiêu dùng lên cao. Việc gián đoạn càng kéo dài, hiệu ứng tăng trưởng chậm kèm suy thoái sẽ tác động lên kinh tế toàn cầu càng mạnh. Nếu lực lượng Houthi chuyển hướng tấn công sang các tàu dầu và tàu chở nguyên liệu thiết yếu như ngũ cốc, quặng sắt, gỗ, hậu quả với kinh tế toàn cầu sẽ càng nghiêm trọng.

>>> Ứng phó với những cơn gió ngược từ Biển Đỏ - Bài 2: Chuỗi cung ứng bấp bênh

>>> Ứng phó với những cơn gió ngược từ Biển Đỏ - Bài 3: Mối nguy cho an ninh năng lượng toàn cầu

>>> Ứng phó với những cơn gió ngược từ Biển Đỏ - Bài 4: Gián đoạn dòng chảy thương mại của Việt Nam

>>> Ứng phó với những cơn gió ngược từ Biển Đỏ - Bài cuối: Triển vọng thương mại và vận tải biển toàn cầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục