Xây dựng Khu Công nghệ cao Tp. HCM thành Trung tâm quốc gia về công nghệ

15:55' - 29/10/2022
BNEWS Ngày 29/10, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập (24/10/2002-24/10/2022).

Ngày 29/10, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập (24/10/2002-24/10/2022) qua đó khẳng định sự sáng tạo, liên kết, đột phá để từng bước phát triển thành khu kinh tế - kỹ thuật trên cơ sở công nghệ cao, có tính chất đặc biệt, tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, huy động các nguồn lực trong nước về khoa học và công nghệ cao.

 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá cao hoạt động của Khu Công nghệ cao thành phố trong 20 năm qua; khẳng định thành quả khu công nghệ cao có sự quan tâm, ủng hộ và đầu tư rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự chia sẻ, góp sức của người dân thành phố Thủ Đức.

Đó còn là sự kiên trì, bản lĩnh của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo thành phố; sự phấn đấu nỗ lực không ngửng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên chức, người lao động; là sự hợp tác, chia sẻ, gắn bó của các đối tác; sự liên kết giữa các viên nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước.

“Tất cả đã góp phần xây dựng nên Khu Công nghệ cao thành phố trở thành Trung tâm quốc gia về công nghệ và là hạt nhân động lực thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ của Thành phố và cả nước”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi khẳng định.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi, Nghị quyết đại hội XIII của Đảng và các cấp về công nghiệp hóa, hiện đại hóa khẳng định nhiệm vụ đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng Đông Nam bộ và Tp. Hồ Chí Minh theo hướng hiện đại hóa. Trong đó, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm; phát huy vai trò quan trọng của khu công nghệ cao, trong khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông thành phố.

"Sự hình thành và phát triển khu công nghệ cao đã góp phần quan trọng cùng Thành phố thực hiện có hiệu quả Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố về chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng theo mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá; kết quả thu hút về công nghệ cao đạt cả về số lượng, chất lượng, sản phẩm chủ lực luôn bám sát tiêu chí sản phẩm công nghệ cao và có tính cạnh tranh toàn cầu", Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, khu công nghệ cao thành phố cần phải nổ lực nhiều hơn để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển vườn ươm công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cao của đất nước; hấp thụ và chuyển giao công nghệ, công nghệ cao; lan tỏa và đóng góp vào mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…

Qua đó, hướng đến hình thành trung tâm kinh tế tri thức, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm đổi mới, sáng tạo, không chỉ tạo ra sản phẩm hàn lượng công nghệ cao mà phải là nơi sáng tạo cung cấp công nghệ trên nền kinh tế.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi, trước mắt, Thành phố sẽ khẩn trương hoàn thiện và triển khai chiến lượt phát triển khu công nghệ cao giai đoạn mới; ban hành kế hoạch và có lộ trình tái cơ cấu, đầu tư hiện hữu; cập nhật thu hút đầu tư mới theo hướng có chọn lọc, có trọng tâm.

Thành phố tập trung huy động nguồn lực để pháp triển năng lực khoa công nghệ nội sinh, tạo hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ chuyển đổi số cho các lĩnh vực kinh tế xã hội. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với các khu chế xuất, khu công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lan tỏa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hiện đại, đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, vật liệu. Qua đó, tăng tỷ lệ nội địa hóa… tạo tiền đề cho sự phát triển vững chắc của khu công nghệ cao trong giai đoạn mới.

Biểu dương những cố gắng, nỗ lực, đổi mới sáng tạo của các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức người lao động trong quá trình xây dựng, phát triển Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định thành quả trên đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội; tăng năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho địa phương cùng cả nước.

Khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, là nên tảng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, từ những năm đầu 1990, Đảng và nhà nước đã tập trung thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ; quyết tâm và đẩy nhanh phát triển công nghệ cao, trong đó có các khu Công nghệ cao quốc gia.

“Những thành tựu mà các khu công nghệ cao quốc gia đạt được trong 20 năm qua khẳng định sự đúng đắn của Đảng, nhà nước; sự ra đời của Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh đã góp phần làm thay đổi sâu sắc, toàn diện vùng đất lịch sử anh hùng, thiêng liêng vùng bừng 6 xã”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Để tiếp tục duy trì tăng trưởng và phát huy những thành tựu đang có cũng như xây dựng chiến lượt phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tiếp theo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt yêu cầu Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố mạnh dạn đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù giúp củng cố, nâng cao chất lượng và phát triển bền vững nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động công nghệ cao.

Đồng thời, xác định sứ mệnh của khu công nghệ cao thành phố là phải kiến tạo ra các ngành công nghiệp mới cho quốc gia; xác định về vai trò đầu tàu trong nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo công nghệ cao, đổi mới sáng tạo...

“Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đồng hành các khu công nghệ cao quốc gia, Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh trong việc tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách để mô hình Khu Công nghệ cao quốc gia có thêm điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý để phát triển hơn nữa”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cam kết.

Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh hay Trung tâm công nghệ cao quốc gia là  nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ; là nơi cung cấp và nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo, thu hút vốn, công nghệ, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước, thích nghi với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đó cũng chí là một trong những tiêu chí quan trọng mà nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước chọn lựa và đầu tư tại khu công nghệ cao.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn FPT, sự lựa chọn của tập đoàn khổng lồ Intel cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Việc xuất hiện của Intel tại khu công nghệ cao không chỉ thúc đẩy phát triển vườn ươm doanh nghiệp, sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học kỹ thuật mà cụ thể là công nghệ cao.

“Trên nền tảng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển trí tuệ nhân tạo AI, Tp. Hồ Chí Minh có rất nhiều cơ hội phát triển trở thành trung tâm khoa học công nghệ của cả nước và trong khu vực. Do vậy, tôi mong các doanh nghiệp trong và ngoài nước tập trung về đây để đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, phát triển các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất chip vi mạch…”, ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Theo Ban Quản lý, Khu Công nghệ cao hiện có 160 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương hơn 12 tỷ USD; trong đó, có 51 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 10,106 tỷ USD và 111 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 1,969 tỷ USD). Cùng đó, giải quyết việc làm thường xuyên cho 51.910 người lao động trong và ngoài nước.

Giá trị sản xuất lũy kế toàn khu công nghệ cao đạt 120 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD (chiếm 51,86% kim ngạch xuất khẩu của cả thành phố) và dự kiến năm 2022 ước đạt 23 tỷ USD. Điều này, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng công nghiệp công nghệ cao.

Cũng tại lễ kỷ niệm, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đã trao tặng cờ thi đua và nhiều bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng, phát triển Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục