Xu hướng tiêu dùng thay đổi và định hình thị trường hậu đại dịch COVID-19

15:33' - 17/06/2022
BNEWS Đại dịch COVID-19 đã khiến xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có yếu tố sức khỏe trở nên tăng vượt trội.

Sáng 17/6, tại hội thảo "Cần làm gì trước xu hướng tiêu dùng sản phẩm tốt cho sức khỏe hậu đại dịch?" do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, một số chuyên gia cho biết, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng. Đồng thời, xu hướng nào đang tác động đến sự thay đổi và định hình chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo phân tích của bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao NielsenIQ Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã khiến xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có yếu tố sức khỏe trở nên tăng vượt trội. Trong đó, người tiêu dùng ngày càng ý thức hơn những yếu tố tác động đến cuộc sống của họ.

Những yếu tố tác động đến bức tranh toàn cầu về vấn đề sức khỏe có thể kể đến như quy định về nhãn sản phẩm, lượng đường trong sản phẩm, bép phì, dân số già... Điều này dẫn đến một số xu hướng tạo nên tầm quan trọng của sức khỏe như tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, lựa chọn của người tiêu dùng trong đầu tư cho sức khỏe...

Báo cáo của Nielsen cũng cho thấy, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) tiếp tục tăng trưởng trở lại. Tốc độ tăng trưởng về doanh thu của những ngành hàng FMCG tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng tăng đáng kể.

Khảo sát của Nielsen cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng tìm kiếm nhóm sản phẩm lành mạnh hơn để ngăn ngừa những vấn đề về sức khỏe; trong đó, có 39% người tiêu dùng khu vực APAC đã mua sản phẩm có yếu tố lành mạnh trong 2 năm qua, 32% sản phẩm lành mạnh có ghi nhãn, 29% sản phẩm có tính thư giãn; 26% sản phẩm có chế độ dinh dưỡng đặc biệt...

Cùng với đó, người tiêu dùng khu vực APAC cũng sẵn sàng mua và tăng chi tiêu cho sản phẩm có thông tin liên quan đến vệ sinh. Theo đó, có 74% người tiêu dùng khu vực APAC cho rằng sản phẩm về vệ sinh và bảo vệ sức khỏe rất quan trọng và trong đó có 77% sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua những sản phẩm này.

Hiện nay, Việt Nam đang từng bước thay đổi và hướng đế thói quen sống xanh, sạch và lành mạnh hơn. Điển hình, ngành FMCG đẩy mạnh sử dụng nhựa tái chế, nguyên liệu bao bì tái chế, thay đổi hướng đến bền vững...

Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng ngày càng có ý thức trong tiêu dùng như ưu chuộng hàng nội địa và mua sắm trực tuyến (online) nhiều hơn sau đại dịch COVID-19. Lý giải nguyên nhân dẫn đến xu hướng này, doanh nghiệp cho hay, ngày càng nhiều hàng Việt Nam cho phép người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Còn bán hàng online từng bước gắn liền với hành vi tiêu dùng. Đặc biệt, những sàn thương mại điện tử cung cấp sản phẩm chất lượng, giao hàng nhanh... sẽ "chiến thắng" trên cuộc đua đến trái tim người tiêu dùng.

Ở góc độ chuyên gia nghiên cứu thị trường bán lẻ, ông Phạm Đình Huỳnh, Giám đốc khối Dịch vụ Deloitte Private cũng từng chia sẻ, 4 trụ cột của công ty là tầm nhìn và chiến lược; nguồn lực và năng lực; con người và văn hóa doanh nghiệp; quản trị và tài chính. Quản trị và tài chính là hệ quả của 3 trụ cột còn lại nên doanh nghiệp cần đặt tên năng lực của công ty là gì và khai thác nguồn năng lực này.

Liên quan đến xu hướng thực phẩm tốt cho sức khỏe, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, bối cảnh hậu đại dịch COVID-19, người tiêu dùng toàn cầu có những mối âu lo về sức khỏe và miễn dịch, cũng như kinh tế toàn cầu suy giảm. Từ đó, người tiêu dùng toàn cầu có một chế độ ăn uống cân bằng, tốt cho sức khỏe, nhưng đồng thời phải tiện lợi.

Tại châu Âu, hiện nay xuất hiện xu hướng làm việc từ xa, làm việc tại nhà đang ngày càng phổ biến từ kèm theo đó là nhu cầu tác phong mới như ngại ăn uống bên ngoài, ít thời gian chuẩn bị cho ăn uống và tiết kiệm hơn. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến ngày càng sâu, đa dạng và đa chức năng giúp cho người tiêu có nhiều sự lựa chọn hơn.

Còn ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho hay, chuyển dịch định dạng bao bì thân thiện và bảo vệ môi trường ngày càng mạnh mẽ, nhưng đây là bài toán khó đối với nhiều nhãn hàng khi ảnh hưởng trực tiếp với giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, đối với những nhóm ngành hàng xuất khẩu thì ngày càng nhiều thị trường yêu cầu bao bì tự hủy hoặc tái chế; đồng thời có những chính sách ưu tiên cho hàng hóa sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, cũng như công nghệ sản xuất bao bì tự hủy, công nghiệp tái chế...

Cụ thể, bao bì thân thiện môi trường trong ngành thủy hải sản cũng là một trong những yếu tố tác động đến giá thành sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ở khâu bao bì, hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải "chạy" theo khách hàng, đối tác, nhất là xu hướng bao bì thân thiện môi trường.

Tuy nhiên, sử dụng bao bì nào thì phụ thuộc vào thị trường có chấp nhận hay không, đối tác mua  hàng với giá thành như thế nào... Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp không nên dừng lại ở việc bám theo quy định chất lượng bao bì nội địa, mà còn phải khảo sát và tham khảo bao bì ở nhiều thị trường trên toàn cầu để cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như thị hiếu tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục