Anh đưa ra kế hoạch nhằm giảm bớt đầu tư của Trung Quốc

05:30' - 29/05/2020
BNEWS Các nghị sĩ đảng Bảo thủ đang kêu gọi Thủ tướng Johnson đẩy nhanh tiến trình thông qua luật nhằm hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài thuộc sở hữu nhà nước như Trung Quốc thâu tóm các công ty của Anh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Động thái trên xuất hiện trong bối cảnh quan chức chính phủ Anh xác nhận Thủ tướng Boris Johnson đang xem xét các kế hoạch nhằm đưa tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc ra khỏi hệ thống mạng 5G của Anh trong vòng 3 năm tới, sự thay đổi trong chính sách này là biểu hiện mới nhất cho thấy mối quan hệ "lạnh nhạt" giữa London và Bắc Kinh.  
Chính phủ Anh cả thập kỷ qua đã tìm cách thu hút dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Anh. Nhưng với quan ngại gia tăng cho rằng Bắc Kinh đã không công khai thông tin ban đầu về tình trạng bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này, một bộ trưởng nội các của Anh cho biết "các nghị sĩ và công chúng muốn chính phủ đưa ra hành động với Trung Quốc".
Cách đây 3 năm, cựu Thủ tướng Theresa May đã từng có kế hoạch nhằm giám sát chặt chẽ hơn việc các công ty nước ngoài mua lại công ty của Anh. Chính phủ Anh yêu cầu các công ty cảnh báo bất cứ giao dịch nào có khả năng liên quan đến vấn đề an ninh cho cơ quan quản lý thị trường và cạnh tranh của Anh.

Thủ tướng Anh trong bài phát biểu tháng 12/2019 đã hứa sẽ thực thi các đề xuất này thông qua dự luật Đầu tư An ninh Quốc gia.

Tuần trước ông Johnson cho hay hành động cần phải được đưa ra "trong vài tuần tới" để xử lý việc mua cổ phần trong lĩnh vực công nghệ của Anh hiện nay được tiến hành bởi một số nước mà có thể có những "động cơ đằng sau đó". Tuy nhiên, hiện nay Thủ tướng đang chịu sức ép yêu cầu tăng cường hơn nữa các biện pháp đề xuất và đưa ra thời điểm cụ thể ông sẽ trình dự thảo ra trước Hạ viện.
Nghị sĩ Bảo thủ Tom Tugendhat cho rằng sự khác nhau giữa công ty nhà nước với một công ty tư nhân mua cổ phần là rất tương phản. Ông nhận định rằng nếu Anh không cẩn trọng, nhiều trong số tài sản sở hữu trí tuệ mà nước này cần cho sáng tạo và thịnh vượng dài lâu sẽ bị biến mất và rơi vào tay Thượng Hải hay Thẩm Quyến.
Nghị sĩ Bảo thủ Neil O’Brien cũng chỉ ra rằng một số nước như Nhật Bản, Italy và Mỹ đã tăng cường giám sát việc chính phủ nước ngoài mua lại các công ty của họ, ông nói "chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng giữa việc có một nền kinh tế mở với những trao đổi mua bán với nhà nước Trung Quốc".

Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Anh tuần trước đã mở cuộc điều tra sau khi tập đoàn công nghệ Imagination Technologies của Anh chứng kiến sự giành giật quyền kiểm soát ban lãnh đạo của một nhà đầu tư được Bắc Kinh hậu thuẫn.
Ba nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của Anh là EE, Vodafone và Three sử dụng thiết bị của Huawei trong hệ thống mạng 5G đang đổi sang nhà cung cấp đối thủ của Huawei như Ericsson hay Nokia. Việc này sẽ làm chậm quá trình triển khai mạng 5G của các hãng và tăng chi phí.

Mặc dù Anh đã có bản đánh giá 18 tháng và đưa ra hạn chế đối với thiết bị của Huawei, vấn đề về Huawei vẫn còn là chủ để tranh luận của các chính trị gia Anh. Có ý kiến cho rằng kế hoạch đến năm 2023 sẽ loại bỏ sự tham gia của Huawei ra khỏi mạng 5G của Anh là quá tham vọng. Trong khi đó, Huawei từ chối đưa ra bình luận.
Nghị sĩ Bảo thủ Bob Seely cho rằng sự nhất quán trong quan điểm của Anh đối với Trung Quốc; đó là muốn hoạt động thương mại với Trung Quốc, nhưng không được ảo tưởng khi nói "chúng ta có thể muốn hợp tác thương mại, nhưng đó là thương mại công bằng, không ăn cắp sở hữu trí tuệ và gián điệp"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục