Ba Lan khởi xướng dự án tăng cường kết nối hạ tầng Trung-Đông Âu

05:30' - 07/06/2018
BNEWS Chuyên gia Dan Peleschuk nhận định Ba Lan đã và đang đi đầu trong việc triển khai sáng kiến mới ở Trung và Đông Âu nhằm gia tăng vị thế, ảnh hưởng, trở thành thủ lĩnh khu vực.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ảnh: PAP/TTXVN

Theo ông Peleschuk, khi các nước hậu Xô Viết như Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech gia nhập Liên minh châu Âu (EU) cách đây 13 năm, các nước này đã xóa bỏ “di sản” của chế độ cũ, dựa vào chính sách mở cửa của EU để đem lại sự thịnh vượng và phát triển cho đất nước.

Mặc dù vậy, do từng chịu ảnh hưởng của nền kinh tế kế hoạch, mệnh lệnh trong quá khứ, các nước này - những thành viên có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu châu Âu hiện nay - vẫn tụt hậu về kinh tế so với các nước thành viên Tây Âu.

Ba Lan - nền kinh tế lớn nhất ở Trung và Đông Âu - đang đi đầu các nước khu vực trong việc khắc phục những yếu kém, hạn chế trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng - thách thức chính hạn chế sự phát triển kinh tế. “Sáng kiến ba biển” (TSI) do Ba Lan khởi xướng nhằm mục đích tăng cường hợp tác khu vực trong việc xây dựng mạng lưới đường cao tốc, đường sắt và các trung tâm trung chuyển khí đốt ở Trung và Đông Âu.

Những người ủng hộ sáng kiến này cho rằng sự tăng cường kết nối về hạ tầng này sẽ gia tăng sự hội nhập của các nước khu vực Trung và Đông Âu với các nước còn lại của EU.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến lo ngại đối với nguy cơ sáng kiến của Ba Lan sẽ thách thức quyền lực của EU trong tương lai và làm trỗi dậy tham vọng “lịch sử” của Ba Lan trở thành cường quốc khu vực Trung và Đông Âu.

Kinh tế là động lực chính của sáng kiến này. Trong khi các nước Trung và Đông Âu chiếm tới 22% dân số của EU theo thống kê của hãng PricewaterhouseCoopers, khu vực này lại chỉ đóng góp khoảng 10% trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của liên minh.

Với TSI, các nước thành viên như Ba Lan, Croatia, Áo, Bulgaria, Cộng hòa Czech, Hungary, Latvia, Litva, Estonia, Romania, Slovakia và Slovenia hy vọng sẽ giảm sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng kết nối Đông-Tây từ thời Chiến tranh Lạnh thông qua việc phát triển các hành lang Bắc-Nam.

Ngoài ra, trong bối cảnh Nga tìm cách khôi phục ảnh hưởng ở Trung và Đông Âu, TSI bên cạnh mục tiêu bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế của các nước Tây Âu cũng thể hiện nỗ lực của giới lãnh đạo chính trị khu vực trong việc tăng cường an ninh quốc gia.

Ông David Koranyi - chuyên gia năng lượng làm việc tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhóm chuyên gia đầu tiên đề xuất ý tưởng về TSI đối với các nhà hoạch định chính sách của châu Âu - khẳng định: “Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại hay các nguy dễ bị tổn thương của các nước trong khu vực mà còn là vấn đề cạnh tranh”. 

Tại Trung và Đông Âu cũng đang tồn tại các liên minh khu vực, chẳng hạn như nhóm Visegrad, gồm 4 nước thành viên Trung Âu là Cộng hòa Czech, Slovakia, Ba Lan và Hungary với mục tiêu tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng và quốc phòng.

Tuy nhiên, TSI có quy mô, phạm vi lớn hơn nhiều, bao gồm 11 nước hậu Xô Viết và Cộng hòa Áo với các dự án hạ tầng kết nối các quốc gia từ khu vực biển Baltic tới Adriatic và biển Đen. Trong số các dự án hạ tầng có tuyến đường cao tốc Via Carpatia. Khi hoàn thành, tuyến đường này trải dài từ Klaipeda (Litva) đến Thessaloniki (Hy Lạp), kết nối các thành phố lớn ở khu vực Trung và Đông Âu.

Một dự án khác trong khuôn khổ TSI là đường ống kết nối trung tâm trung chuyển khí hóa lỏng (LNG) của Ba Lan với Cộng hòa Áo.

LNG đã và đang được đánh giá là một trong những giải pháp chính trong việc giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung khí đốt từ Nga - nhân tố quan trọng đối với ảnh hưởng địa chính trị của Moskva đối với châu Âu nói chung, khu vực Trung và Đông Âu nói riêng.

Chuyên gia Lukasz Janulewicz làm việc tại Trung tâm nghiên cứu của Đại học Trung Âu tại Budapest (Hungary) nhận định TSI sẽ giúp khắc phục các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực hạ tầng ở khu vực Trung và Đông Âu từ đường bộ, đường sắt tới các đường ống năng lượng.

Đây là các thách thức không thể giải quyết được trong khuôn khổ nhóm Visegrad. Ngoài ra, TSI còn mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng khi đây là sáng kiến của chính các nước Trung và Đông Âu.

Mặc dù vậy, vẫn tồn tại một số vấn đề liên quan đến sáng kiến này. Những người chỉ trích TSI cho rằng dự án này tương tự như một số động thái của Ba Lan đầu thế kỷ XX, là nỗ lực của Warsaw trong việc xác lập vị thế cường quốc khu vực.

Tại thời điểm đó, nhà lãnh đạo Ba Lan Jozef Pilsudski theo đuổi chiến lược xây dựng một liên bang của các nước Trung và Đông Âu với trung tâm là Warsaw nhằm cân bằng với sức mạnh, ảnh hưởng của Đức và Nga. Đây cũng là quyết tâm của Ba Lan trong việc khẳng định vị thế khu vực - xu hướng mà có lẽ ban lãnh đạo châu Âu hiện nay không mong muốn.

Chuyên gia Daniel Bartha thuộc Trung tâm Dân chủ và Hội nhập Âu-Mỹ cho rằng các nước thành viên chính của TSI vẫn giữ nguyên như trong chiến lược trước đó của Ba Lan cho thấy thực tế không có nhiều thay đổi. TSI chỉ là sự tái khởi động chiến lược trước đó nhằm thu hút thêm các nước thành viên khác tham gia.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda khẳng định TSI chủ yếu nhằm mục tiêu an ninh kinh tế. Mặc dù vậy, các luận điệu mang tính dân tộc chủ nghĩa của chính phủ cầm quyền cánh hữu ở Ba Lan hiện nay khiến dư luận nghi ngờ về động cơ thực sự của Vácsava, nhất là trong bối cảnh các lực lượng theo quan điểm dân túy, hoài nghi châu Âu đang gia tăng ảnh hưởng khắp châu Âu.

Một số chuyên gia khác cho rằng TSI sẽ không thể đạt được các mục tiêu đã đề ra nếu không có sự ủng hộ về chính trị và tài chính của EU. Thách thức thực sự đối với Ba Lan là việc lôi kéo và đảm bảo sự cam kết thực sự của chính phủ và các cơ quan chức năng của các nước đối tác, xây dựng được nguồn kinh phí trong việc triển khai các dự án trong khuôn khổ sáng kiến.

Chuyên gia Peleschuk kết luận rằng hiện còn quá sớm để đánh giá liệu TSI có phát huy được hiệu quả, thúc đẩy hợp tác chính trị ở khu vực Trung và Đông Âu hay sẽ dần lụi tàn giống như nhiều dự án tương tự trong lịch sử. Mặc dù vậy, rõ ràng bối cảnh địa chính trị Trung và Đông Âu sẽ thay đổi và Ba Lan một lần nữa lại là nước dẫn đầu khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục