Câu chuyện trách nhiệm trong các dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ

09:27' - 11/06/2020
BNEWS Nhiều năm gần đây, câu chuyện các công trình giao thông trọng điểm thi công ì ạch, đội vốn, thậm chí giậm chân tại chỗ gây bức xúc dư luận.
Nhiều năm gần đây, câu chuyện các công trình giao thông trọng điểm thi công ì ạch, đội vốn, thậm chí giậm chân tại chỗ gây bức xúc dư luận. Mặc dù căn nguyên đã được chỉ ra nhưng dường như Bộ Giao thông Vận tải và các cấp chính quyền chưa tìm được giải pháp để giải quyết vấn đề này. 

* Điểm mặt các dự án

Ngành giao thông hiện có 48 công trình, dự án trọng điểm; trong đó có các siêu dự án như: cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành… Song theo báo cáo mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải, mới chỉ có 24 công trình đưa vào khai thác, đặc biệt, 6 dự án đang thi công rơi vào tình trạng chậm tiến độ gồm: cao tốc Bến Lức - Long Thành và 5 dự án đường sắt đô thị gồm 3 dự án do Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư là dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương và 2 dự án do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư là tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi.

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8 km, có tổng mức đầu tư hơn 31.300 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, do Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Dù được khởi công từ giữa năm 2014 và kế hoạch hoàn thành năm 2020 nhưng tính đến cuối tháng 5/2020, tiến độ mới đạt khoảng 78,19% (chậm 17,20%).

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, nguyên nhân các gói thầu vốn Ngân hàng châu Á (ADB) chậm do bị dừng giải ngân vốn nước ngoài và vốn đối ứng. Cụ thể, vốn nước ngoài bị dừng do các thủ tục đầu tư như Hiệp định vay và thời gian thực hiện dự án chưa được điều chỉnh do hiện nay chưa xác định được cơ quan chủ quản/cấp quyết định đầu tư…

Đối với dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, dự án này đang được hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý; vận hành thử toàn hệ thống và đánh giá an toàn hệ thống; khắc phục một số tồn tại để đảm bảo yêu cầu so với thiết kế, làm cơ sở để tiến hành nghiệm thu dự án.

Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ đưa vào khai thác của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Vì dịch bệnh này, đến nay các nhân sự của Tổng thầu, Tư vấn giám sát, Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống vẫn chưa thể sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án do khó khăn trong các thủ tục cấp visa, vận chuyển đưa đón nhân sự, cách ly phòng chống dịch bệnh.

Về dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi sau nhiều năm chỉ nằm trên giấy, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm cho chủ trương triển khai dự án giai đoạn I và thực hiện điều chỉnh giai đoạn IIA.

Trong khi đó, 2 tuyến đường sắt đô thị (Metro) của Tp. Hồ Chí Minh cũng đang gặp “nút thắt” về vốn khiến các dự án chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên theo kế hoạch phải hoàn thành trong quý IV/2021 song riêng phần quan trọng nhất là giải ngân vốn thì từ đầu năm 2020 đến nay chỉ vỏn vẹn đạt 4%, tương ứng với khoản tiền 525,3 tỷ đồng (đã bao gồm giải ngân từ nguồn tạm ứng ngân sách).

Tính từ đầu dự án đến nay, tỷ lệ thực hiện mới đạt 57,7% với con số 18.323,2 tỷ đồng. Về khối lượng thi công, tổng khối lượng thực hiện của dự án đạt 72,3%. Dù vậy, khó khăn, vướng mắc của dự án là việc chủ trương vay lại nguồn vốn của Chính phủ vẫn chưa được Thủ tướng thông qua. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chưa triển khai ký kết hợp đồng cho vay lại vốn ODA đối với các hiệp định vay đã ký.

Đây cũng chính là vướng mắc chung của dự án tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương. Dù dự án này có thời hạn hoàn thành tới năm 2026, tuy nhiên, tiến độ giải ngân cũng đang khiến các cơ quan chức năng sốt ruột. Từ đầu dự án đến nay, giá trị giải ngân theo kế hoạch đạt 54,1%. Nhưng năm nay chưa giải ngân được đồng nào, trên kế hoạch 632 tỷ đồng.

Trong khi đó, đại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (nhất là 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP) chưa thể xác định được ngày về đích trên giấy tờ. Lý do là các dự án đang được Chính phủ kiến nghị chuyển sang đầu tư công và tiến độ phụ thuộc vào thời điểm Quốc hội có nghị quyết chuyển đổi hình thức sang đầu tư công.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trường hợp được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này thì dự kiến sẽ phát hành hồ sơ mời thầu trong tháng 6/2020 và phấn đấu hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư khoảng tháng 11/2020.

Tuy nhiên, hiện nay, khâu giải phóng mặt bằng cũng đang có nhiều nút thắt. Do khối lượng di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn nên việc di dời còn chậm, không đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng trong quý II/2020.

Công việc bàn giao mặt bằng mới dự án đạt khoảng 78%, song còn nhiều địa phương đạt rất thấp. Chẳng hạn, tỉnh Thanh Hóa với các dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu mới đạt 65,4% kế hoạch. Tỉnh Đồng Nai với các dự án Phan Thiết - Dầu Giây mới đạt 58,3% kế hoạch. Thậm chí tỉnh Khánh Hòa với dự án Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo mới giải phóng được 16 km, chỉ đạt 29,6% kế hoạch.

Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, dự kiến trong tháng 6/2020, Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt dự án đầu tư. Như vậy, tiến độ thẩm định và trình duyệt dự án đến lúc này đã chậm hơn 3 tháng so với yêu cầu của Chính phủ.

* Đi tìm căn nguyên

Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, khó khăn chung của các dự án chậm tiến độ chủ yếu là do vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp, việc giải phóng mặt bằng hạn chế. Một số dự án lớn hơn 10.000 tỷ đồng khi điều chỉnh tổng mức đầu tư phải báo cáo Quốc hội, ảnh hưởng đến tiến độ chung của nhiều dự án đang và sắp triển khai.

Hầu hết các dự án trọng điểm đều là dự án quy mô lớn, đòi hỏi quy trình quản lý, công nghệ thi công phức tạp. Có những dự án lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam như các dự án đường sắt đô thị trong khi chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện.

Năng lực nhà đầu tư, ban quản lý dự án, tổng thầu, nhà thầu, tư vấn còn hạn chế, chưa thực sự chuyên nghiệp… dẫn đến các khó khăn, vướng mắc không được xử lý triệt để. Nhiều nội dung phải điều chỉnh, dẫn đến thời gian thực hiện bị kéo dài, điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư...

Về cơ bản, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án, trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư. Tuy nhiên, các yếu tố chủ quan khác cũng là nguyên nhân chính gây ra việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư.

Cơ chế thực hiện các dự án (đặc biệt là các dự án ODA) còn bất cập, kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ làm chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu, tình trạng thiếu vốn đối ứng kéo dài dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng...

Là cơ quan chủ quản cũng như cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông, Bộ Giao thông Vận tải nhiều lần trước đó đã thừa nhận việc để dự án đội vốn thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư và tư vấn thực hiện dự án.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải đương nhiên phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính về những vấn đề xảy ra tại các dự án giao thông chậm tiến độ, đội vốn mà dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một điển hình.

“Đây là dự án tiêu biểu nhất về việc chậm tiến độ và đội vốn trong những dự án do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Qua dự án này có thể thấy, Bộ Giao thông Vận tải đã thiếu trách nhiệm trong việc điều hành, quản lý…”

Cũng theo ý kiến của TS. Nguyễn Xuân Thủy, các dự án giao thông bị chậm tiến độ, đội vốn thời gian gần đây đã gây ra những hệ lụy xấu. Nguyên nhân là do bộ máy vận hành của các ban quản lý dự án còn nhiều hạn chế. Ví dụ như, trong đàm phán hợp đồng một số dự án còn nhiều sơ hở, chưa ràng buộc được trách nhiệm các bên. Các chỉ tiêu quan trọng nhất như chất lượng công trình, thời gian hoàn thành, vấn đề tài chính…chưa được quy định cụ thể, rõ ràng.

“Tôi cho rằng, trong thời gian tới, việc quản lý các dự án đầu tư công, dự án ODA cần phải xây dựng chi tiết, cụ thể để khi xảy ra vấn đề đội vốn, chất lượng kém, thời hạn hoàn thành không đúng tiến độ phải quy được trách nhiệm cá nhân, tập thể. Đối với những nhà thầu trong và ngoài nước đã có những dự án chậm tiến độ, đội vốn thì cương quyết xếp vào danh sách những nhà thầu không cho tham gia các dự án tiếp theo của ngành giao thông”, TS. Nguyễn Xuân Thủy đề xuất.

Đi vào vấn đề cụ thể, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vừa qua bị phản ánh đội vốn, chậm tiến độ trước tiên phải xem xét trách nhiệm từ chính mình. Bởi, phải nhận thức rằng, đường sắt đô thị là một ngành mới, thế giới có hàng trăm năm nhưng với Việt Nam là mới. Vì thế, về nhân sự, phải tìm kiếm được những người giỏi có kinh nghiệm, thậm chí là phải có Tổng công trình sư cho các dự án đường sắt đô thị nói chung. Về vấn đề này, Việt Nam chưa chọn được nhân sự đủ trình độ quản lý các công trình trọng điểm quốc gia.

Đề xuất giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án và giảm việc tăng mức đầu tư dự án, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, cần phải thay đổi cơ cấu quản lý dự án đảm bảo việc quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức thực hiện dự án chậm, đội vốn. Những cá nhân, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ phải kỷ luật.

Theo các chuyên gia kinh tế, các dự án giao thông được đầu tư bằng nguồn vốn ODA hay nguồn vốn ngân sách đang đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cần giải quyết để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Vì vậy, các cơ quan hữu quan phải khẩn trương chỉ đạo, gấp rút đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án trọng điểm trên. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc, nếu phát hiện vi phạm khuyết điểm liên quan đến nguyên nhân chậm tiến độ dự án, cần phải truy trách nhiệm tới cùng đối với các cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm.

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế phân tích, việc các dự án chậm tiến độ đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài việc lãng phí tài nguyên đất đai, tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thì tác động tiêu cực tới sự phát triển xã hội là không nhỏ. Nhưng thiệt hại lớn nhất về mặt tinh thần là làm giảm niềm tin của người dân vào tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.

Về phía bộ chủ quản, để đẩy nhanh tiến độ các dự án, khắc phục việc đội vốn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, Bộ sẽ thực hiện đồng thời các giải pháp; trong đó, có việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, quản lý đất đai, môi trường... đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, phù hợp với cơ chế thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế…

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung nâng cao chất lượng khảo sát, thiết kế, chuẩn bị dự án đầu tư; thực hiện chặt chẽ khâu tuyển chọn các đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu để chuẩn bị dự án.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục