Chính phủ Thái Lan nắm quyền kiểm soát hoạt động sản xuất khẩu trang

16:38' - 04/03/2020
BNEWS Chính phủ Thái Lan đã quyết định nắm quyền kiểm soát việc sản xuất khẩu trang nhằm đối phó với tình trạng tích trữ và thiếu hụt mặt hàng thiết yếu để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Khẩu trang là một vật dụng thiết yếu của người dân Thái Lan khi ra đường để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Ngọc Quang - PV TTXVN tại Thái Lan

Thư ký thường trực Bộ Thương mại Thái Lan Boonyarit Kalayanamit ngày 3/3 cho biết Cục Nội thương (DIT) sẽ kiểm soát 100% việc sản xuất 36 triệu khẩu trang mỗi tháng.

DIT trước đây đã yêu cầu các nhà máy cung cấp 45% sản lượng cho trung tâm quản lý phân phối khẩu trang của DIT và cho phép các nhà máy bán ra phần còn lại.

Tuy vậy, dường như một phần lớn lượng khẩu trang đang được bán trên mạng với giá cao, trong khi các cửa hàng lại không có để bán.

Bộ Thương mại Thái Lan cho biết nhu cầu về khẩu trang đã tăng từ 30 triệu chiếc/tháng lên 40-50 triệu chiếc/tháng sau khi bùng phát dịch COVID-19.

Truyền thông sở tại ngày 4/3 dẫn lời ông Boonyarit nói rằng DIT sẽ ấn định hạn mức bán khẩu trang cho các cá nhân, những người bán trực tuyến và cửa hàng bán lẻ, trừ những cơ sở y tế.

Những hạn mức này sẽ được trình lên Ủy ban giá hàng hóa và dịch vụ do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit để sớm thông qua.

Những ai không khai báo lượng khẩu trang hiện có cho DIT sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 7 năm tù giam và mức phạt tối đa 140.000 baht (4.461 USD) theo Luật giá hàng hóa và dịch vụ.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Jurin cho biết việc sản xuất khẩu trang đang được tăng cường nhằm đáp ứng nhu cầu. Hiện Thái Lan có 11 nhà máy sản xuất khẩu trang trên toàn quốc.

Những nhà máy này đang tăng sản lượng từ 36 triệu chiếc một tháng (1,2 triệu chiếc/ngày) lên 38 triệu chiếc mỗi tháng (khoảng 1,3-1,4 triệu chiếc/ngày).

Khoảng 30% lượng khẩu trang sản xuất mỗi tháng (10 triệu chiếc) sẽ được dành cho Bộ Y tế để phân bổ tới các bệnh viện, tuyến đầu của cuộc chiến chống sự lây lan của COVID-19.

Cùng với Bộ Thương mại Thái Lan, Bộ Công nghiệp Thái Lan cũng đã yêu cầu các nhà máy sản xuất khẩu trang và nước rửa tay có cồn gia tăng khả năng sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Thư ký thương trực Bộ Công nghiệp Thái Lan Kobchai Sungsitthisawad cho biết cơ quan này đang giám sát chặt chẽ tình hình và phối hợp với các nhà máy để cập nhật khả năng sản xuất. Bộ Công nghiệp Thái Lan tăng cường giám sát để ngăn chặn khả năng các nhà máy tái chế khẩu trang cũ.

Trong ngày 3/3, Nội các Thái Lan đã thông qua lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang nhằm đảm bảo có đủ nguồn cung ở trong nước.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Rachada Dhnadirek nói rằng lệnh cấm này, do Bộ Thương mại Thái Lan đề xuất, không áp dụng đối với các loại khẩu trang chuyên dụng trong các nhà máy công nghiệp và những loại khẩu trang sản xuất theo đăng ký bản quyền thương mại.

Thời gian qua, Chính phủ Thái Lan đã cố gắng đảm bảo với người dân rằng nước này có đủ khẩu trang và mặt hàng này sẽ được phân phối công bằng trên toàn quốc. Thái Lan đã đưa khẩu trang và nước rửa tay có cồn vào danh sách kiểm soát giá nhằm đối phó với COVID-19.

Nhà chức trách Thái Lan cho rằng việc đưa hai loại sản phẩm nói trên vào danh sách kiểm soát giá là cần thiết vì nhu cầu đối với khẩu trang đã tăng gấp 5 lần so với bình thường. Hiện nay, mỗi cá nhân khi ra khỏi Thái Lan chỉ được phép mang theo 30 khẩu trang hoặc tối đa 50 chiếc nếu có giấy chứng nhận y tế, thay vì 500 chiếc theo quy định cũ.

Trong thời gian từ 7-21/2, Bộ Thương mại Thái Lan đã nhận được các đơn xin xuất khẩu tổng cộng 32 triệu khẩu trang, nhưng chưa phê duyệt cho bất cứ trường hợp nào. Thái Lan xuất khẩu 226 triệu khẩu trang trong năm 2019, tăng 218% so với mức 71 triệu chiếc năm 2018.

Theo người phát ngôn Rachada, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu Bộ Tài chính Thái Lan và Ủy ban Đầu tư nghiên cứu những ưu đãi mới dành cho các công ty sản xuất khẩu trang nhằm đẩy mạnh sản xuất. Hiện nay, Thái Lan đang thiếu hụt các màng lọc để sản xuất khẩu trang vì một số công ty ở Indonesia muốn tăng giá, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chưa được nối lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục