Chuyên gia hàng đầu Trung Quốc nói về mốc thời gian tiêm tăng cường vaccine COVID-19

07:30' - 11/08/2021
BNEWS Một chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho biết, những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 không cần phải tiêm mũi tiêm tăng cường trong vòng một năm.

Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh công chúng lo ngại đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại kể từ giữa tháng 7, đặc biệt là mối đe dọa do biến thể Delta rất dễ lây lan.

Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn truyền thông sở tại cho biết Trung Quốc đại lục ngày 9/8 đã thông báo 94 trường hợp COVID-19 lây nhiễm trong nước và tính đến ngày 8/8 vẫn còn 15 khu vực rủi ro cao, 201 khu vực rủi ro trung bình.

Trả lời phỏng vấn với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ông Thiều Nhất Minh, bác sĩ hàng đầu và là chuyên gia miễn dịch học của CDC Trung Quốc, cho biết nồng độ kháng thể trong cơ thể người giảm dần theo thời gian sau khi được tiêm vaccnie phòng bệnh.

Tuy nhiên, kháng thể vẫn có thể kích thích phản ứng trí nhớ mạnh mẽ để nâng cao mức độ kháng thể trong một khoảng thời gian ngắn.

Theo chuyên gia Thiều Nhất Minh, các nhà khoa học trên khắp thế giới đang nghiên cứu cách tăng cường miễn dịch. Không có đủ bằng chứng cho thấy rằng nên tiêm liều vaccine thứ ba cho toàn bộ mọi người.

Dựa trên quan sát ban đầu, hầu hết những người đã được tiêm hai liều trong vòng một năm không cần phải tiêm mũi tăng cường.      

Tuy nhiên, ông Thiều Nhất Minh cũng cho biết Trung Quốc đang nghiên cứu xem có cần thiết phải thực hiện tiêm nhắc lại cho người già có hệ miễn dịch kém và bệnh nhân mắc các bệnh nền đã hoàn thành tiêm chủng hơn 6-12 tháng cũng như những người làm việc trong khu vực rủi ro cao hay không.

Thời gian chính xác để tiến hành tiêm mũi tăng cường cũng đang được nghiên cứu.      

Các chuyên gia Trung Quốc cũng khẳng định rằng những vaccine ngừa COVID-19 do nước này sản xuất vẫn có hiệu quả chống lại biến thể Lambda, trong bối cảnh Trung Quốc đang chống lại các đợt bùng phát lẻ tẻ mới nhất do biến thể Delta nhập khẩu gây ra.          

Biến thể Lambda được xác định đầu tiên ở Peru vào cuối năm ngoái và đã lan rộng ở khu vực Nam Mỹ.

So với chủng thông thường, biến thể này có thể lây nhiễm mạnh hơn và có khả năng kháng vaccine mạnh hơn, nhưng vẫn chưa rõ những chi tiết về nó.

Sự lây lan của biến thể Lambda được cho là có khả năng lây nhiễm mạnh và việc ghi nhận trường hợp bệnh nhân nhiễm biến thể này ở Nhật Bản đã khiến người dân Trung Quốc lo ngại.

Người dân Trung Quốc lo lắng rằng biến thể Lambda sẽ làm mất tác dụng của các loại vaccine hiện có và  có thể nhanh chóng kéo nước này vào những đợt bùng phát bất tận khiến họ không thể quay trở lại cuộc sống bình thường được nữa.

Giữa những lo ngại trên,tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời một chuyên gia tại Bắc Kinh cho rằng trong ngắn hạn, biến thể Lambda sẽ không thống trị Nhật Bản hoặc Bắc bán cầu vì Bắc bán cầu hiện đang vào mùa Hè, khi nhiệt độ không thích hợp cho sự lan truyền của biến thể Lambda, được phát hiện ở Nam bán cầu.

Tuy nhiên, không chắc liệu nó có thay thế Delta trở thành biến thể thống trị trong mùa Đông tới hay không. Chuyên gia này cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách để ngăn ngừa virus SARS-CoV-2.          

Trong khi đó, ông Trang Thời Lợi Hòa, một chuyên gia khác tại Quảng Châu – thủ phủ tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, đã tiến một bước xa hơn khi cố gắng xoa dịu những lo ngại của dư luận.

Ông nói rằng biến thể Lambda hiện chỉ có ở Nam Mỹ và chỉ giới hạn ở các khu vực khác trên thế giới. Ngay cả ở Nam Mỹ, tỷ lệ các ca bệnh mới do biến thể Lambda gây ra cũng đang giảm.          

Theo sáng kiến chia sẻ dữ liệu độc lập GISAID, tỷ lệ các ca bệnh mới do biến thể Lambda ở Nam Mỹ hằng tuần đã giảm từ 7,52% vào ngày 21/6 xuống còn 4,9% vào ngày 8/8.

Ông Trang Thời Lợi Hoa nhấn mạnh rằng nghiên cứu mới nhất ở các nước Nam Mỹ như Peru và Chile đã chỉ ra rằng những vaccine phòng COVID-19 do các nhà sản xuất Trung Quốc phát triển vẫn có hiệu quả đối với biến thể mới này.           

Một số chuyên gia cho biết mặc dù các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêm chủng vẫn là phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa dịch COVID-19, nhưng những người đã hoàn thành việc tiêm chủng vẫn nên thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân hằng ngày, để bù đắp cho việc vaccine có thể bị giảm hiệu quả./.          

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục