Động lực tăng trưởng kinh tế của Canada “gặp khó”

11:31' - 18/10/2023
BNEWS Sự thịnh vượng của khu vực doanh nghiệp nhỏ ở Canada là một vấn đề lớn, đây là nhận định của bà Isabelle Hudon, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Ngân hàng phát triển kinh doanh Canada (BDC).

Theo trang mạng theglobeandmail.com, sự thịnh vượng của khu vực doanh nghiệp nhỏ ở Canada là một vấn đề lớn, đây là nhận định của bà Isabelle Hudon, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Ngân hàng phát triển kinh doanh Canada (BDC). Tập đoàn BDC cung cấp các dịch vụ tài chính và tư vấn cho khoảng 100.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

 

Các SME đóng góp hơn 80% việc làm của Canada và hơn một nửa sản lượng kinh tế của nước này. Tuy nhiên, động cơ của tăng trưởng được cho là đang cạn dần nhiên liệu. Chủ nghĩa kinh doanh đang bị thu hẹp ở nước này và lĩnh vực này không đáp ứng được cam kết là một động lực quan trọng cho sự đổi mới. Điều này đã trở thành một phần quan trọng trong vấn đề năng suất của đất nước chứ không phải là một giải pháp.

Phát biểu với báo giới, bà Hudon cho biết: “Chúng tôi không thể không giữ cho lĩnh vực đó tồn tại và năng động hơn. Chúng ta cần hỗ trợ các SME tốt hơn và giúp đỡ nhiều SME hơn”.

Khi bà Hudon bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm với tư cách là người đứng đầu BDC vào tháng 8/2021, sau thời gian làm Đại sứ Canada tại Pháp, bà đã quyết tâm mở rộng cơ sở khách hàng của ngân hàng này. Vào thời điểm đó, ngân hàng chỉ phục vụ khoảng 5% SME của đất nước - và chưa đến 20% doanh nghiệp mà theo khảo sát của chính ngân hàng cho biết họ không có sự hỗ trợ cần thiết.

Sau hơn hai năm, những con số đã kể nên một câu chuyện thành công. Số lượng khách hàng của ngân hàng đã tăng hơn 50%. Tổng vốn cam kết của BDC dành cho SME đã tăng khoảng 25%, lên hơn 50 tỷ CAD. BDC đã mở rộng các cam kết đầu tư mạo hiểm lên 40%. Ngân hàng đã đặc biệt chú trọng vào việc phát triển ở những phân khúc mà trước đây chưa được các nhà tài chính quan tâm, chẳng hạn như doanh nhân nữ, người da đen và người bản địa.

Nhưng trong khi hoạt động kinh doanh của BDC bùng nổ thì mọi chuyện lại không suôn sẻ ở phân khúc doanh nhân của Canada. Gần 2/3 số doanh nghiệp vừa và nhỏ được điều hành bởi các ông chủ trên 50 tuổi. Chưa hết, như một báo cáo của BDC lưu ý, ngày càng có ít người Canada trẻ tuổi bước vào để lấp đầy khoảng trống này. Thống kê việc làm cho thấy Canada có ít hơn khoảng 100.000 doanh nhân so với hai thập kỷ trước.

Bà Hudon cũng lưu ý tỷ trọng vốn ngân hàng thương mại đổ vào SME đang giảm dần trong nhiều năm qua. Số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy trong năm 2011, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 17% dư nợ cho vay kinh doanh của Canada; ngày nay, thị phần của họ là khoảng 11%, thấp nhất trong 38 quốc gia OECD.

Việc này không tạo ra một công thức tốt cho sự phát triển trong tương lai của ngành. BDC, công ty thường cho vay đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đảm bảo khoản vay từ các ngân hàng khu vực tư nhân, cần phải đóng vai trò lớn hơn để giải quyết khoảng cách này.

Trong khi đó, dữ liệu về SME cho thấy nếu Canada muốn cải thiện hiệu suất ảm đạm của mình, nước này sẽ phải tìm cách kích thích SME, để khu vực này phát triển và đổi mới.

Một bài nghiên cứu mới của tập đoàn tài chính Desjardins (Canada), dự kiến công bố vào tuần này, lưu ý rằng SME của Canada không chỉ tụt hậu về năng suất và sự đổi mới so với các công ty lớn hơn của Canada, mà trong lịch sử SME đã không theo kịp tốc độ tăng năng suất của các công ty cùng ngành quốc tế.

Nghiên cứu cho thấy các lĩnh vực của Canada có năng suất yếu nhất cũng là những lĩnh vực có tỷ lệ việc làm cao nhất trong SME.  Đồng thời. nghiên cứu lưu ý rằng SME của Canada là những người áp dụng công nghệ chậm và các doanh nhân phát triển những đổi mới của riêng họ thường bán chúng cho các công ty nước ngoài hơn là tự thương mại hóa những sản phẩm đó.

Ví dụ, hơn một nửa số bằng sáng chế về phát minh trí tuệ nhân tạo của Canada thuộc sở hữu nước ngoài. Theo nghiên cứu này, các rào cản đối với sự đổi mới của SME không phải là không thể vượt qua, và nhiều rào cản có thể vượt qua được bằng chính sách công có mục tiêu và được tài trợ tốt. Tuy nhiên, rõ ràng cần làm việc hơn nữa để đảm bảo rằng những chính sách này được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của các doanh nhân Canada và được truyền đạt tốt đến các chủ doanh nghiệp.

Bà Hudon thừa nhận rằng “sự đầu tư không đúng mức” của SME vào công nghệ kỹ thuật số nói riêng là một yếu tố “rất lớn” dẫn đến tình trạng khó khăn về năng suất của đất nước. Chính sách công cần phải làm tốt hơn trong việc kích thích khoản đầu tư này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục