Du lịch châu Á "đứng ngồi không yên" vì COVID-19

07:27' - 24/02/2020
BNEWS Đông Nam Á - khu vực có nền kinh tế trông chờ nhiều vào du lịch - đang gặp nhiều khó khăn vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (COVID-19) bùng phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.
Tàu du lịch "Diamond Princess" bị cách ly sau khi phát hiện các ca nhiễm virus corona chủng mới, tại cảng Yokohama ngày 7/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

* Du lịch tàu biển đình trệ

Nhà báo Fiona Carruthers của tờ Thời báo Kinh tế Australia viết: "Trong khi ngành công nghiệp du lịch tàu biển thế giới tiếp tục cảm thấy sợ hãi trước các cú sốc của dịch bệnh viêm phổi do COVID-19 gây ra, thì tại Australia, hãng du lịch cao cấp Mary Rossi Travel đã khéo léo điều chỉnh các điểm đến được quảng bá trong những bản tin gửi tới khách hàng của mình vào tuần trước".

Người đứng đầu công ty Claudia Rossi Hudson cho biết, người dân Australia vẫn đang tích cực đi du lịch. Họ có mặt ở khắp nơi tại châu Á, đặt chân tới các địa điểm ở châu Âu và lựa chọn New Zealand để nghỉ dưỡng. Bà Hudson xác nhận số lượng đặt tour du lịch trên biển đã bị giảm từ 5-10% trong vòng hơn gần một tháng nay.

Tuy nhiên theo bà, sự suy giảm này không phải đến từ tác động của COVID-19, mà vì ngành du lịch hiện tại có rất nhiều lựa chọn và mọi khách hàng đều có thể dễ dàng tìm kiếm những tour trải nghiệm phong phú theo sở thích riêng.

Mặc dù vậy, rõ ràng đã có một sự chuyển dịch tiêu cực có thể quan sát thấy xảy ra tại các công ty du lịch trên toàn thế giới, khi virus Corona tiếp tục làm gián đoạn mọi hoạt động kinh doanh thông thường. Tờ New York Times đưa tin số lượng đặt tour du lịch bằng đường biển đã giảm tới 15% trên toàn cầu.

Ảnh hưởng của COVID-19 được minh chứng rõ rệt nhất thông qua câu chuyện của chiếc du thuyền sang trọng bậc nhất thế giới Diamond Princess, nơi hiện có hàng trăm du khách, trong tổng số 3.700 người trên tàu, cho các kết quả xét nghiệm dương tính đối với COVID-19.

Sự thất vọng và nỗi sợ hãi vẫn tiếp tục gia tăng trên con tàu hiện đang neo đậu bên ngoài bờ biển của Nhật Bản. Các nhà chức trách y tế Nhật Bản đang lên kế hoạch cho những du khách tự nguyện lên bờ trong vài ngày tới.

Cuối tuần trước, các nhà chức trách Campuchia đã chấp thuận mở cửa chào đón 1.455 hành khách và 802 thủy thủ đoàn của tàu MS Westerdam được phép cập cảng ở Sihanoukville, vùng biển phía Tây Nam của Campuchia, trên Vịnh Thái Lan, sau khi hơn 20 mẫu xét nghiệm của các khách du lịch trên con tàu này đều được xác nhận là âm tính với virus Corona.

MS Westerdam do một hãng tàu Mỹ-Hà Lan điều hành, đang bị "mắc kẹt" trên Biển Đông trong nhiều ngày qua, do một số quốc gia, bao gồm Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc, từ chối cho phép cập cảng.

Công ty Tổ chức Lễ hội Anh-Mỹ, một nhà khai thác du lịch giải trí lớn nhất thế giới - chủ của cả hai con tàu nói trên, đã công bố sẽ đảm bảo cho tất cả du khách tham gia tour du lịch trên tàu Diamond Princess và MS Westerdam được nhận lại toàn bộ chi phí chuyến đi.

Một hệ lụy khác cũng đã xảy ra do virus Corona, đó là những con tàu du lịch bắt đầu thay đổi hành trình của mình. Tuần trước, tàu Queen Mary 2 xác nhận chuyển hướng từ hành trình ban đầu đi qua châu Á để vào cảng Fremantle ở Tây Australia, chuẩn bị cho một hành trình thay thế, bắt đầu từ Australia.

Thời gian sẽ cho biết còn bao nhiêu du thuyền nữa có thể bị ảnh hưởng. Cơ quan đại diện quốc tế của ngành công nghiệp vận tải du lịch biển, Hiệp hội du thuyền quốc tế (CLIA), đã ban hành lệnh cấm bất cứ cá nhân nào đã tới Trung Quốc (bao gồm cả Khu hành chính đặc biệt Hong Kong và Macau), được phép lên các con thuyền thuộc thành viên của hiệp hội, trên tất cả các tuyến vận tải lớn.

Hãng tàu Royal Caribbean và Hãng du thuyền Na Uy tuyên bố không nhận các thủy thủ và nhân viên có quốc tịch Trung Quốc làm việc trong tháng Hai. Thông báo của Royal Caribbean viết: "Bất cứ khách nào sở hữu hộ chiếu Trung Quốc, Hong Kong và Macau, không loại trừ lần cuối cùng họ ở đâu, đều không được phép lên boong các con tàu của hãng".

Hành khách đeo khẩu trang đề phòng lây nhiễm virus corona. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhận định về vấn đề trên, cùng quyết định gia hạn lệnh cấm khách du lịch người Trung Quốc nhập cảnh vào Australia, bà Hudson nói rằng nếu virus không được kiểm soát trong vài tháng tới, thì đó có thể là một vấn đề thực sự nghiêm trọng đối với ngành du lịch vận tải biển, đặc biệt là thời điểm mùa du lịch khu vực Nam Bán Cầu sẽ bắt đầu vào tháng Chín tới.

Trong bối cảnh những lo ngại về tình hình dịch bệnh tăng cao sẽ gây ảnh hưởng tới ngành du lịch Australia, vốn đang bị "nhấn chìm" bởi cuộc khủng hoảng cháy rừng vừa diễn ra từ cuối năm ngoái, Hội đồng Công nghiệp Du lịch Australia (ATIC) đã yêu cầu chính phủ "mở hầu bao" tiếp tục cứu trợ một gói tài chính trị giá 76 triệu AUD (tương đương 50,9 triệu USD) khác, ngoài quỹ cứu trợ cháy rừng hiện có.

Giám đốc điều hành ATIC Simon Westaway chia sẻ, năm 2019, Australia đón nhận con số kỷ lục 9,3 triệu lượt du khách, trong đó Trung Quốc là thị trường cung cấp lớn nhất, với hơn 1,4 triệu khách.

Theo ông Westaway, cháy rừng và dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch Australia, đòi hỏi Chính phủ khẩn trương hỗ trợ để giúp ngành công nghiệp không khói này nhanh chóng lấy lại vị thế vốn có và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của kinh tế quốc gia.

* Cả châu Á "lao đao"

Ở một góc độ vĩ mô, theo phân tích của báo The Straits Times ngày 17/2, dù không bất ngờ, nhưng sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 đã có những tác động nặng nề đến ngành du lịch của châu Á nói chung.

Trong bối cảnh du lịch khu vực rộng lớn hơn, các nước châu Á đang phải chịu tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng xảy ra ở Trung Quốc. Indonesia phải gia tăng chi tiêu công và đưa ra các chính sách khuyến khích ngành du lịch nhằm hỗ trợ tiêu dùng trong nước và chống đỡ nền kinh tế.

Các nhà hoạt động du lịch Ấn Độ ước tính rằng họ có thể mất tới 500 triệu USD do sự giảm sút lượng khách du lịch từ Trung Quốc và các nước khác. Phí tổn này có thể tăng gấp 4 lần nếu dịch bệnh này kéo dài đến hết năm 2020.

Ngành du lịch Singapore cũng đang phải đối mặt với những thời điểm khó khăn ở phía trước. Cục Du lịch Singapore (STB) dự kiến lượng khách du lịch trong năm nay sẽ giảm từ 25% đến 30%. Tác động này được cho là mạnh mẽ hơn so với mức suy giảm 19% của năm 2003, khi Singapore cũng phải chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS).

Theo ước tính của STB, mỗi ngày Singapore mất trung bình 18.000-20.000 lượt khách quốc tế. STB cũng chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho sự phục hồi chậm hơn so với dịch SARS. Sau dịch SARS, ngành du lịch Singapore đã mất gần một năm mới phục hồi.

Trong khi đó, lĩnh vực MICE (bao gồm hội nghị, hội thảo, triển lãm) cũng đang cảm nhận được tác động mạnh mẽ với hàng trăm sự kiện đã bị hoãn hoặc hủy. Theo ước tính, về cả mức độ và thời gian kéo dài, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 có thể lớn hơn rất nhiều so với dịch bệnh SARS.

Các nhà chức trách Singapore đang rất quan tâm đến việc thành lập một "lực lượng đặc nhiệm", bao gồm các nhà lãnh đạo ngành du lịch thuộc cả lĩnh vực công và tư, để đề ra các chiến lược nhằm tìm giải pháp cho sự phục hồi và tăng trưởng trong tương lai.

Mặc dù thời gian là rất ngắn, nhưng lực lượng đặc nhiệm này phải tham vấn các bên tham gia càng sâu rộng càng tốt để xác định những cơ hội đưa Singapore vượt qua được cuộc khủng hoảng này, trong đó có việc thực hiện các biện pháp để lấy lại lòng tin đối với các cơ sở du lịch.

Trong khi đó, hãng tin AFP cũng ghi nhận một bầu không khí ảm đạm bên trong khu bãi biển Pattaya, một trong những địa chỉ được du khách Trung Quốc ưa chọn nhất ở Thái Lan: Phía trước mặt biển, trước kia vốn là nơi nhộn nhịp, giờ vãn sạch khách, những con tàu chở khách du lịch nằm im lìm trên bến và các lều quán của khu chợ nổi thật ảm đạm.

Tại khu trại voi Chang Siam Park, một điểm hút khách du lịch chủ đạo của thành phố, Ma Mya - người bán đồ lưu niệm - cho biết thu nhập của bà bị giảm một nửa. "Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, tôi sẽ phải trở về quê", người phụ nữ dân tộc Kayan cho biết.

Công viên này trước đây vẫn đón từ 1.500 đến 2.000 lượt khách mỗi ngày, "giờ chỉ còn không quá 200 khách. Tôi đã bị lỗ mất 2 triệu bath (trên 65.000 USD)", Nantakorn Phatnamrob, ông chủ của khu trại voi nói với AFP. Thậm chí, nếu tình trạng này tiếp diễn, ông chủ Phatnamrob cho rằng ông sẽ phải đi vay tiền của ngân hàng để tiếp tục tồn tại.

Tại Campuchia, khu đền nổi tiếng Angkor Wat cũng không còn thu nhập như trước. Tiền thu về từ vé tham quan đã bị sụt giảm 30 đến 40%, theo số liệu của Bộ Du lịch Campuchia.

Với những bài học đã rút ra từ đợt dịch SARS năm 2002-2003, Chính quyền Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt nhất nhằm chống lại bệnh dịch đến giờ đã làm trên 1.700 người chết và hơn 70.000 người bị nhiễm bệnh. Cuối tháng Một vừa qua, Bắc Kinh đã cô lập 56 triệu dân ổ dịch trong tỉnh Hồ Bắc, đồng thời cấm toàn bộ việc tổ chức các tour du lịch ra nước ngoài.

Hệ quả của quyết định hạn chế người Trung Quốc đi lại đã được cảm nhận ngay tại Thái Lan, nơi đã đón hơn 10 triệu khách Trung Quốc (chiếm 27% du khách nước ngoài) trong năm 2019.

Từ đầu tháng Hai, lượng du khách Trung Quốc đến Thái Lan đã giảm 86%, theo Bộ trưởng Du Lịch Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn. Tại Việt Nam, du khách Trung Quốc giảm từ 90% đến 100% tùy theo từng khu vực.

* Đông Nam Á: Thiệt hại lớn vì lệ thuộc vào du lịch

Các chuyên gia nhận định, cho dù dịch COVID-19 chủ yếu hoành hành tại Trung Quốc và số người nhiễm virus ở Đông Nam Á còn thấp, song hậu quả kinh tế sẽ rất nặng nề vì tăng trưởng của các nước này lệ thuộc nhiều vào du lịch.

Tại Thái Lan, nơi du lịch chiếm tỷ trọng 20% GDP, tổn thất kinh tế liên quan đến đợt dịch năm nay sẽ phải lên tới gần 250 tỷ baht (tương đương 8 tỷ USD), theo tính toán của Don Nakornthab, quan chức cao cấp Ngân hàng Trung ương Thái Lan.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia phần lớn đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu hệ lụy kinh tế còn kéo dài sang năm 2021, như lo ngại của một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch?

Ý thức được nguy cơ, Thái Lan và Campuchia không từ chối khách Trung Quốc mà chỉ chủ trương tăng cường kiểm soát ở sân bay và các cửa khẩu biên giới. Thái Lan thậm chí còn miễn visa cho du khách Trung Quốc.

Trong khi đó, thận trọng hơn, Lào đã đóng cửa biên giới đường bộ với Trung Quốc và cũng đã hủy một số chuyến bay hàng ngày qua lại Trung Quốc. Nhiều văn phòng du lịch và khách sạn trong vùng đã hạ giá, cho phép khách thay đổi miễn phí thời gian lưu trú nhằm giảm tình trạng hủy đặt chuyến hoặc phòng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục