Dư luận xung quanh siêu dự án Land Bridge của Thái Lan

08:30' - 08/02/2024
BNEWS Các chuyên gia cho rằng Land Bridge cần được phát triển bền vững, thúc đẩy các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, hỗ trợ du lịch sức khỏe và gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp.
Quang cảnh thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo báo Bangkok Post (Thái Lan), trong cuộc họp nội các lưu động ở Ranong vào tuần trước, dự án Cầu Đất liền (Land Bridge) một lần nữa trở thành chủ đề gây tranh cãi khi người dân địa phương trong khu vực được đề xuất gặp Thủ tướng Srettha Thavisin và bày tỏ lo ngại về tác động có thể xảy ra đối với cuộc sống của họ và thiệt hại về môi trường.

Với triển vọng kinh tế năm 2024 không có nhiều dấu hiệu khả quan, các nhà kinh tế cho rằng Thái Lan cần mời gọi các luồng đầu tư nước ngoài quy mô lớn để vượt lên và chính phủ coi Land Bridge là “cứu cánh” vì nó nhằm mục đích đảm bảo nguồn vốn từ khu vực tư nhân dưới hình thức Đối tác Công - Tư (PPP).

Báo Bangkok Post nhận định việc xây dựng lối tắt hậu cần thông qua một siêu dự án, bao gồm cơ sở hạ tầng như cảng nước sâu, đường sắt hoặc khu kinh tế không phải là đề xuất mới đối với Đông Nam Á. Tuy nhiên, để thành công các siêu dự án này phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư tư nhân. Trong bối cảnh của Land Bridge, nhiều khả năng các nhà thầu ở Thái Lan phải đối mặt với các vấn đề tài chính, sự không chắc chắn này ảnh hưởng đến nguồn vốn từ các đối tác nước ngoài khác.

* Những rủi ro

Ông Chaichan Chareonsuk, Chủ tịch Hội đồng Chủ hàng Quốc gia Thái Lan, cho biết dự án Land Bridge có thể giống với dự án Dawei của Myanmar, hiện đã bị đình chỉ, ở chỗ nó phụ thuộc vào nguồn cung. Ông cho biết, cả hai dự án đều có cùng rủi ro: Những thay đổi liên tục trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong suốt thời gian thực hiện dự án, bao gồm các khía cạnh kinh tế, chính trị, xã hội, pháp lý, môi trường, công nghệ và đổi mới.

Ông Chareonsuk nói: “Từ góc độ logistics, tương lai của vận tải hàng hải vẫn chưa chắc chắn. Nhiều tuyến vận chuyển có thể thay đổi, có thể chuyển sang dựa vào sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) ưu tiên sử dụng vận tải đường sắt. Ngoài ra, việc sử dụng nhiên liệu cho vận tải có thể giảm, chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế như xe điện”.

Cũng theo ông Chaichan, về mặt thị trường xuất khẩu, điều khó lường là các thị trường chính của Thái Lan có thể thay đổi. Trong tương lai, thị trường trọng điểm của nước này có thể không phải là Trung Quốc. Mọi thứ đều có thể thay đổi nhanh chóng và khó lường và không ai biết điều gì chắc chắn.

Ông cho biết, nếu Chính phủ giảm quy mô dự án bằng cách xem xét nhu cầu toàn cầu và xây dựng định hướng phát triển toàn diện cho Hành lang kinh tế phía Nam trước khi xây dựng cơ sở hạ tầng thì sẽ giảm đáng kể yêu cầu đầu tư, tăng cơ hội thành công cho dự án.

Quan trọng nhất, ông cho rằng dự án cần được phát triển bền vững, thúc đẩy các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, hỗ trợ du lịch sức khỏe và gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp trong khu vực dự án.

* Tuyến đường thay thế

Dự án Land Bridge được coi là kế hoạch lớn nhất của Chính phủ Thái Lan nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Dự án đề xuất kết nối Biển Andaman với Vịnh Thái Lan thông qua các tỉnh Ranong và Chumphon làm trung tâm trung chuyển. Theo đó, nó bao gồm việc xây dựng hai cảng biển nước sâu và 90 km đường bộ và đường sắt để tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa giữa Chumphon trên bờ biển phía Đông dọc theo Vịnh Thái Lan đến Ranong trên bờ biển phía Tây dọc theo Biển Andaman.

Dự án được trông đợi sẽ trở thành một trung tâm hậu cần và vận tải mới cũng như một tuyến đường vận chuyển mới, đóng vai trò thay thế cho tuyến đường hiện có giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Ưu điểm chính của dự án là nó sẽ cắt giảm thời gian di chuyển từ 9 ngày xuống còn 5 ngày, do đó giảm chi phí vận chuyển.

Ý tưởng ban đầu liên quan đến việc xây dựng tuyến vận chuyển hàng hóa từ Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) tại cảng Laem Chabang đến Bờ biển Andaman với khối lượng khoảng 8 triệu tấn mỗi năm. Dự án cũng sẽ là mô hình phát triển cho Hành lang kinh tế phía Nam.

Các nhà kinh tế dự đoán Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án này. Phần lớn lưu lượng hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu đi qua eo biển Malacca đông đúc giữa Malaysia, Indonesia và Singapore.

Một số chiến lược gia đã đề xuất phương án thứ hai là tuyến đường sắt chở hàng nối từ châu Á đến châu Âu. Ước tính đầu tư cho dự án là 1.000 tỷ baht, dự kiến thông qua hình thức PPP trong đó khu vực tư nhân là nhà đầu tư cho toàn bộ dự án. Cam kết khổng lồ này sẽ được thực hiện theo 4 giai đoạn, với giai đoạn đầu tiên ước tính là 610 tỷ baht (17,27 tỷ USD), giai đoạn thứ hai là 165 tỷ baht, giai đoạn thứ ba là 229 tỷ baht và giai đoạn thứ tư là 85,1 tỷ baht.

* Tăng tính cạnh tranh

Somjai Phagaphasvivat, một nhà phân tích kinh tế và chính trị độc lập, cho biết xét về tính hợp lý về mặt kinh tế, dự án Land Bridge trị giá 1.000 tỷ baht được đề xuất được coi là khả thi về mặt kinh tế và sẽ giúp cải thiện khả năng cạnh tranh của đất nước.

Ông Somjai nói dự án sẽ cho phép các nước khác sử dụng Thái Lan làm trung tâm vận tải. Thái Lan đã mất khả năng cạnh tranh trong hai thập kỷ qua khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này chỉ tăng trung bình 2,6%, so với 4,3% của Đông Nam Á. Do đó, chính phủ cần đảm bảo đầu tư cụ thể để ngăn chặn nợ công tăng đột biến.

Cũng theo ông Somjai, việc tăng thu nhập cho đất nước thông qua thúc đẩy du lịch và quyền lực mềm, kích thích xuất khẩu hoặc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giúp tăng cường sự ổn định tài chính của chính phủ. Tuy nhiên, tác động tiềm ẩn của dự án đối với sự ổn định tài chính, xã hội và môi trường phải được cân nhắc trước khi thực hiện.

Tỷ lệ nợ công trên GDP của Thái Lan hiện nay là 62% và chi đầu tư chỉ chiếm 20% ngân sách chi tiêu hàng năm. Ông Somjai cho rằng nếu dự án không thành công, nó sẽ ảnh hưởng đến gánh nặng tài chính của chính phủ.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng đề cập đến một số yếu tố bên ngoài không thể kiểm soát được có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, chẳng hạn như một đại dịch tiềm ẩn khác hoặc leo thang căng thẳng địa chính trị.

Ngoài ra, ông cho biết dự án Land Bridge có tiềm năng trở thành một “điểm nóng địa chính trị” khi các cường quốc tranh tranh giành ảnh hưởng trong khu vực, mặc dù Thủ tướng Srettha tỏ ra muốn tránh những căng thẳng như vậy bằng cách chào đón tất cả các nhà đầu tư.

* Các nhân tố thành công

Bà Kevalin Wangpichayasuk, Phó giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Kasikorn, cho biết dự án Land Bridge được đề xuất có điểm giống với dự án Dawei không còn tồn tại ở chỗ cả 2 đều có quy mô đầu tư lớn và chính phủ sở tại đang cố gắng lôi kéo nguồn tài chính nước ngoài.

Bà Kevalin nói với tờ Bangkok Post: “Tôi nghĩ Chính phủ Thái Lan có khả năng lớn hơn Myanmar trong việc giải ngân ngân sách và huy động vốn để hỗ trợ dự án này, song điều đó phụ thuộc vào việc tìm được nhà đầu tư phù hợp và họ nhìn thấy tiềm năng như thế nào trong dự án này”.

Bà Wangpichayasuk khuyến nghị, với chi phí ước tính là 1.000 tỷ baht, chính phủ Thái Lan nên đánh giá những thay đổi gần đây về địa chính trị để đảm bảo có đủ nhu cầu vận chuyển qua khu vực này để phù hợp với Land Bridge.

Theo bà Kevalin, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa Nga và châu Âu đang dẫn đến những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các công ty toàn cầu và nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang các điểm đến như Ấn Độ, Mexico và Đông Âu. Kết quả là nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua các khu vực mà Land Bridge hướng tới phục vụ có thể sẽ ít hơn.

“Với mức đầu tư này, chúng tôi cần đảm bảo dự án có giá trị”, bà Kevalin nói. Ngoài ra, bà Kevalin cho biết, ý kiến của người dân trong khu vực dự án cũng cần được xem xét, bao gồm các tỉnh Ranong, Chumphon, Surat Thani và Nakhon Si Thammarat. Người dân địa phương nên được tham khảo ý kiến khi soạn thảo dự án và các sản phẩm, dịch vụ trong khu vực nên được quảng bá.

Nữ chuyên gia nhìn nhận Land Bridge nên được bắt đầu như một đặc khu kinh tế, tương tự như dự án Bờ Đông trước khi mở rộng thành EEC. Bà cũng cho rằng hiện cả Singapore và Malaysia đều có cảng và các dự án tương tự đang được phát triển và Thái Lan không nên coi các dự án lân cận là đối thủ cạnh tranh mà là sự bổ sung, mang lại lợi ích cho khu vực Đông Nam Á.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục