Đức tìm kiếm chiến lược chống suy thoái kinh tế

05:30' - 28/02/2024
BNEWS Theo báo cáo kinh tế hàng năm của Chính phủ Đức, lạm phát đã giảm xuống mức trung bình 5,9% trong năm ngoái và dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống 2,8%.
Công nhân làm việc tại nhà máy ở Herten, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 22/2, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã trình bày những số liệu kinh tế không mấy khả quan của nước này trước Quốc hội. Hy vọng về mọi thứ có thể khởi sắc trở lại vào năm 2024 dường như đang “tan thành mây khói”, nhưng người đứng đầu Bộ Kinh tế đang cố gắng không vẽ ra một bức tranh quá ảm đạm về tình hình chung. Trong khi đó, các công ty và người dân đang cảm thấy bất an.

Theo báo cáo kinh tế hàng năm của Chính phủ Đức, lạm phát đã giảm xuống mức trung bình 5,9% trong năm ngoái và dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống 2,8%. Trước Quốc hội, ông Habeck nói: “Chúng ta đã ở thời điểm ai cũng có nhiều tiền hơn trong ví”. Nhà lãnh đạo này bày tỏ hy vọng rằng tiêu dùng khi đó có thể thúc đẩy nền kinh tế.

Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Đức Siegfried Russwurm cho biết nền kinh tế Đức đang hoạt động không tốt, điều này không có gì lạ. Ông nói: “So với hầu hết các nước công nghiệp lớn khác, đất nước chúng ta đang tụt lại phía sau nhiều hơn. Chúng ta không thấy bất kỳ cơ hội phục hồi nhanh chóng nào trong năm 2024”.
 

Nhiều người không nghĩ rằng Chính phủ Đức sẽ hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2024 nhiều đến như vậy - từ 1,3% xuống 0,2%. Chuyên gia Almut Balleer thuộc Viện nghiên cứu kinh tế (RWI) ở Essen cho biết: “Điều đó khá bất ngờ”.

* Tin vui từ thị trường lao động

Không chỉ cảnh báo rằng sự bất ổn quá lớn, chuyên gia Balleer đặc biệt đổ lỗi cho các nhà hoạch định chính sách. Ông nói: “Nhiều người đã hy vọng rằng mọi thứ sẽ khởi sắc hơn nếu một chương trình nghị sự liên quan đến việc giải quyết quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như một số thách thức khác trong tương lai được đưa ra”.

Dù vậy, vẫn có một số diễn biến tích cực. Theo Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, lạm phát đã có thể kiểm soát được. Tiền lương đã tăng lên, vì vậy mọi người có thể tiêu tiền và thúc đẩy tiêu dùng. Chỉ có điều, ông cho rằng người dân sẽ không chi tiêu nhiều như dự đoán mà thay vào đó họ lựa chọn tiết kiệm.
      
Ngoài lạm phát có thể kiểm soát được, thị trường lao động ổn định còn mang đến một tia hy vọng. 46 triệu người đang có việc làm ở Đức và con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong năm nay.
           
* Tiết kiệm hay đi vay?
 
Các đảng trong chính phủ trung tả gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) cho đến nay vẫn chưa thống nhất được một đường lối hành động rõ ràng. Tranh cãi tiếp tục nổi lên, đặc biệt là giữa Bộ trưởng Kinh tế Habeck của đảng Xanh và Bộ trưởng Tài chính Lindner, người đứng đầu FDP.
      
Mặc dù cả hai đều cho rằng khả năng cạnh tranh của Đức để trở thành địa điểm kinh doanh đang gặp rủi ro. Khi công bố báo cáo kinh tế thường niên ở Berlin tuần này, ông Habeck đã nói về một “tình huống cực kỳ khó khăn” và kêu gọi thành lập một quỹ đặc biệt “tài trợ bằng nợ” - là phương pháp huy động vốn bằng cách vay tiền từ các tổ chức tài chính, ngân hàng hoặc các cá nhân khác để sử dụng cho mục đích kinh doanh hoặc đầu tư nhiều hơn. Trong khi đó, ông Lindner từ chối và nhất quyết yêu cầu giảm thuế cho các công ty.
      
* Thay đổi nhân khẩu học
 
Nước Đức đang phải đối mặt với những vấn đề về cơ cấu vốn đã tích tụ trong nhiều năm. Theo ông Habeck, tình trạng thiếu công nhân và lao động có tay nghề là khó khăn số một, và dự báo sẽ còn tồi tệ hơn trong những năm tới, khiến tốc độ tăng trưởng giảm sút. Vì vậy, ông nói: “Chúng ta cần tất cả kiến thức và kỹ năng, tất cả bàn tay và khối óc, tất cả tài năng và khả năng của mình”.
      
Điều cần thiết là giáo dục nhiều hơn, cơ hội tốt hơn cho phụ nữ và khuyến khích để người lớn tuổi tự nguyện làm việc lâu hơn, nhưng cũng cần tăng cường nhập cư nhiều công nhân lành nghề hơn cũng như hội nhập tốt hơn cho người tị nạn vào thị trường lao động. Điều này cũng liên quan đến câu hỏi: “Chúng ta là ai, với tư cách là nước Đức. Và tôi có thể nói với bạn rằng nếu chúng ta không đối xử với tất cả những người này như đối tác, bạn bè và người Đức thì nền kinh tế sẽ sụp đổ”.
      
Dự án cải cách sẽ phải bao gồm mở rộng đáng kể các nguồn năng lượng tái tạo và trợ cấp để giúp các ngành công nghiệp trung hòa khí thải carbon. Giảm bớt tình trạng quan liêu không cần thiết, mở rộng quan hệ thương mại với các nước khác, xây dựng nhà ở giá rẻ hơn và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông. Ngoài khoản đầu tư khoảng 70 tỷ euro (76 tỷ USD) được lên kế hoạch cho năm 2024, còn 49 tỷ euro khác (53 tỷ USD) sẽ đến từ quỹ khí hậu.
      
Các công ty không phải là đối tượng duy nhất sẽ theo dõi chặt chẽ xem liệu chính phủ có thể thực hiện tốt những cam kết của mình hay không. Cho đến nay, chính phủ liên minh gồm SPD, đảng Xanh và FDP chưa thể thực hiện được mục tiêu xây dựng 400.000 ngôi nhà mới mỗi năm. Cam kết giảm quan liêu, ngay khi chính phủ lên nắm quyền, cũng không đạt được tiến bộ nào.
      
Ông Clemens Fuest thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế (Ifo) ở Munich, phát biểu với đài truyền hình công ARD: “Chúng ta có rất nhiều luật thừa mà nếu bãi bỏ chúng thì sẽ không ảnh hưởng gì”. Theo ông Fuest, các chính phủ tiền nhiệm cũng phải chịu trách nhiệm về việc này. Tuy nhiên, chúng ta đang chứng kiến gánh nặng đáng kể, đó là sự bùng nổ của nền kinh tế hoạch định và chủ nghĩa can thiệp đang đè nặng lên nền kinh tế.
      
* Năng lượng giá phải chăng
 
Bộ trưởng Kinh tế Habeck nhìn thấy tia hy vọng cho cuộc khủng hoảng năng lượng, theo đó giá khí đốt và điện rẻ hơn đáng kể. Ông nhận định: “Mặc dù giá năng lượng vẫn chưa ở mức chúng tôi mong muốn nhưng từ vài tuần trước đã giảm nhanh hơn và đáng kể hơn chúng tôi dự báo”.
 
Mặc dù vậy, liệu điều này có đủ để cạnh tranh quốc tế? Chủ tịch Viện DIW, Marcel Fratzscher tỏ ra nghi ngờ: “Trong ngắn hạn, sẽ không có thay đổi nào về giá năng lượng cao hơn đáng kể ở Đức so với các nền kinh tế khác không quá phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ Nga”.
 
Chủ tịch DIW Fratzscher cho rằng hỗ trợ tài chính cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng là cách tiếp cận sai lầm. Ông nói: “Chuyển đổi không có nghĩa là củng cố các cấu trúc hiện có mà phải cho phép thay đổi. Nếu một số công ty sử dụng nhiều năng lượng chuyển sản xuất và việc làm ra nước ngoài thì cũng không phải là quá tiêu cực. Hay nói cách khác, các ngành công nghiệp trong tương lai cần được thúc đẩy”.
 
Theo nhà lãnh đạo này, “hiện tại, Đức cần có định hướng chiến lược liên quan đến kế hoạch, các ưu tiên và trên hết là sự phối hợp chính sách của châu Âu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục