Giá than nhiệt của Australia tăng lên mức cao nhất trong một thập niên

07:59' - 09/06/2021
BNEWS Sau một thời gian sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp mới COVID-19, giá than nhiệt của Australia đã tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ.

Than Newcastle chất lượng cao, dùng cho các nhà máy điện, đạt mức giá 123,75 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 10/2011 và tăng 150% chỉ trong 9 tháng qua, sau khi giảm xuống mức thấp 48 USD/tấn vào tháng Chín năm ngoái.

Theo ông Peter O’Connor, chuyên gia phân tích khai khoáng của công ty Shaw and Partners, nhu cầu cao của các khách hàng ở châu Á, nơi than nhiệt vẫn là nguồn cung cấp điện chính, đã đẩy giá nguyên liệu hóa thạch này tăng cao trong những tuần gần đây trong bối cảnh nguồn cung có hạn, và mùa mưa ở Trung Quốc đến sớm hơn dự kiến, gây trở ngại trong việc vận chuyển than đến người tiêu dùng.

Tập đoàn Goldman Sachs nhận định giá than nhiệt có thể hạ “nhiệt” trong một thời gian trước khi tăng trở lại trong vài tháng tới.

Theo chuyên gia phân tích Paul Young của Goldman Sachs, nhu cầu nhiệt năng sẽ tiếp tục cao ít nhất là cho đến tháng Tám dựa trên số lương đơn đặt hàng và nhu cầu tương lai. Giá than 6000kcal/kg ở Newcastle sẽ duy trì trên 90 USD/tấn trong hầu hết năm 2021.

Trong khi đó, nhu cầu về than nhiệt cao cấp hơn (trên 6000kcal/kg) từ các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang rất cao và loại than này đang được bán cho Nhật Bản và Đài Loan với mức giá trên 100 USD/tấn.

Ông Young nhận định, trong dài hạn, nhu cầu về than nhiệt vẫn rất cao khi trên thế giới, các nhà máy điện than mới với tổng công suất 200 gigawatt đang trong giai đoạn lập kế hoạch và chuẩn bị đưa vào hoạt động.

Ngoài than nhiệt, giá than luyện kim của Australia cũng đã tăng lên 161 USD/tấn, từ mức 110 USD/tấn một tháng trước đây, trong khi giá quặng sắt đã tăng trở lại mức trên 200 USD/tấn do nhu cầu tăng.

Theo ngân hàng CBA, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đưa ra một bản dự thảo kế hoạch giảm bớt sản lượng thép bị cắt giảm tại trung tâm sản xuất thép Đường Sơn, nơi cung cấp 14% sản lượng thép thô của Trung Quốc.

Chuyên gia phân tích Vivek Dhar của ngân hàng này dự báo, sự can thiệp chính sách của Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy biến động giá trên các thị trường quặng sắt và hàng hóa khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục