Giảm 70 đội quản lý thị trường trong năm 2020

20:10' - 02/06/2020
BNEWS Tổng cục Quản lý thị trường cho biết sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự và sẽ giảm 70 đội năm 2020 để còn 376 đội quản lý thị trường (giảm 16%) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tại buổi làm việc về kết quả 5 tháng đầu năm nay của lực lượng quản lý thị trường chiều ngày 2/6, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, dịch COVID-19 đã làm xáo trộn rất nhiều tới chuyên môn của toàn lực lượng.

Do đó, Tổng cục đã khẩn trương, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra việc niêm yết giá, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Đáng lưu ý, lực lượng quản lý thị trường cũng thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày tình hình kiểm tra, kiểm soát của lực lượng và cập nhật kết quả kiểm tra, xử lý thường xuyên lên trang thông tin điện tử của Tổng cục.
Ngoài ra, lãnh đạo quản lý thị trường đã trực tiếp đôn đốc, giám sát tại một số địa bàn các tỉnh như Nghệ An, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La... để đánh giá tình hình, nghe báo cáo và trực tiếp chỉ đạo Cục Quản lý thị trường địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ của Bộ trưởng, Tổng cục trưởng giao về phòng chống dịch.

Không chỉ tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, từ đầu tháng 3/2020, người dân có tâm lý tích trữ hàng hóa chủ yếu là mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu nên tại nhiều siêu thị lớn trên cả nước lượng khách mua sắm tăng cao, đặc biệt là trong hai ngày 7-8/3/2020.
Tuy nhiên, với sự ra quân quyết liệt của lực lượng chức năng; trong đó có quản lý thị trường, cơ bản hàng hóa tại các siêu thị vẫn rất dồi dào phong phú, cung cấp đủ nhu cầu của người dân nên không có hiện tượng khan hiếm hàng với giá cả ổn định do đã có sự chuẩn bị từ rất sớm.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các địa phương nhanh chóng đảm bảo đường dây nóng thông suốt từ lãnh đạo Cục tới các đội và các lực lượng phối hợp.
Cùng với đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ công tác trên từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố sẵn sàng tập trung làm nhiệm vụ khi có sự việc xảy ra.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trên các địa bàn, tăng cường bảo đảm an ninh trật tự; sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai nhiệm vụ chống buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm, vi phạm an toàn thực phẩm; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mặt hàng pháo các loại, đồ chơi trẻ em bạo lực...
Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường các địa phương chủ động phối hợp với các cấp, các ngành và các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn trong kiểm tra, kiểm soát thị trường như sở y tế, sở nông nghiệp phát triển nông thôn và uỷ ban nhân dân các huyện, thành, thị trong việc kiểm tra, kiểm soát.
Ông Trần Hữu Linh chia sẻ thêm, thời gian qua, lực lượng bắt đầu kiểm tra mạnh nhiều ổ nhóm, tụ điểm hàng giả tại Tp. Hồ Chí Minh.

Cụ thể kiểm tra 3 lần tại chợ Bến Thành, trung tâm thương mại Sài Gòn Square, tấn công 2 hệ thống mỹ phẩm Ansan Cosmetics chuyên bán hàng lậu, thậm chí hàng giả; kiểm tra các cửa hàng kinh doanh ở khu phố cổ tại Hà Nội.
Đáng chú ý, nhiều vụ việc điển hình vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa phương như Lạng Sơn, An Giang, Bình Dương, Thanh Hóa… đã được lực lượng phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thống kê cho thấy, từ ngày 1/1-27/5, lực lượng đã phát hiện, xử lý trên 23.935 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước trên 125 tỷ đồng; riêng về mặt hàng trang thiết bị y tế dùng để phòng, chống dịch COVID-19 lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 9.271 cơ sở; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 4,9 tỷ đồng.

Về nhân sự, ông Trần Hữu Linh cho biết Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự.

Vì vậy Tổng cục, sẽ tiếp tục giảm 70 đội vào năm 2020 để còn 376 đội quản lý thị trường (giảm 16%) theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Linh trong quá trình hoạt động, lực lượng quản lý thị trường vẫn gặp khó khăn, vướng mắc trong đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoặc tham mưu đề xuất xử lý các vấn đề, vụ việc nổi cộm, phức tạp ở một số địa bàn.
Trong khi năng lực và trình độ chuyên môn của công chức quản lý thị trường ở một số đơn vị chưa đồng đều. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong trao đổi, cung cấp thông tin chưa thường xuyên, có nơi chưa chặt chẽ, chưa có sự phối hợp tổng thể của các địa phương để triệt phá các điểm tập kết, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả.
Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường còn mỏng, phải tổ chức quản lý, kiểm tra số lượng lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đồng thời phải tham gia nhiều nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao như phòng chống dịch bệnh, giải tỏa chợ, tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành… trong khi nguồn lực về cơ sở vật chất, con người còn hạn chế.
Dự báo, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn diễn biến phức tạp, khó lường, thời gian tới, bên cạnh việc tập trung tổ chức thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Tổng cục sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo ...).
Hơn nữa, chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi nhằm kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào hoạt động chính thức các hệ thống phần mềm phân biệt hàng thật, hàng giả, chứng từ điện tử, xử lý vi phạm hành chính…
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh: Muốn lực lượng quản lý thị trường chính quy, chuyên nghiệp thì công tác đào tạo, tái đào tạo cần thực hiện triệt để hơn nữa. Do vậy, với công tác tổ chức cán bộ cần đúng quy định, không nương nhẹ các vi phạm. Hệ thống văn bản quản lý nội bộ tăng cường phân cấp, nhưng phải chặt chẽ.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, riêng với vấn đề truyền thông, cần tích cực thông tin thêm về trách nhiệm, chức năng của các ngành liên quan, không chỉ riêng với quản lý thị trường. Do vậy, Bộ Công Thương sẽ họp với Ban chỉ đạo 389 bổ sung nội dung phù hợp cho Tổng cục Quản lý thị trường. Tuy nhiên, Tổng cục cần nỗ lực hơn trong việc vừa xây dựng đề án liên tỉnh, vừa giảm đội.
Việc đào tạo tập huấn, tái đào tạo, quản lý thị trường cần tăng cường phân cấp, chặt chẽ, từ bổ nhiệm cán bộ đến phân cấp ngành.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng: "quản lý thị trường không phải thực hiện theo chiến dịch, bởi cuộc chiến chưa bao giờ có điểm kết thúc do đây là nhiệm vụ rất đặc thù, cần phải làm bền bỉ, quyết liệt, không làm theo kiểu chiến dịch xong là dừng"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục