Hướng đi mới trong chính sách với Trung Quốc của Malaysia

06:30' - 09/09/2018
BNEWS Giới quan sát nhận định những diễn biến và các phát biểu gần đây của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad dường như đang thể hiện hướng đi khác trong chính sách đối với Trung Quốc.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 20/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Tờ New Straits Times dẫn lời Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ngày 1/9 cho biết ông lo ngại rằng người Malaysia nói chung và người Mã Lai bản địa nói riêng sẽ không thể cạnh tranh được nếu Malaysia chào đón quá nhiều thương nhân và doanh nghiệp Trung Quốc.
Ông Mahathir đã nhấn mạnh rằng các thương nhân và doanh nghiệp đến từ Trung Quốc đại lục không giống như những người Malaysia gốc Hoa. Những người Malaysia gốc Hoa đã sinh sống tại Malaysia qua nhiều thế hệ và khởi đầu là những người lao động. Hiện tại, con cháu của những người này đang làm ăn thành đạt. Nhiều người trở thành triệu phú, sở hữu nhiều tài sản giá trị.
Ông Mahathir cũng đặt câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu như Malaysia tiếp nhận thêm 3 triệu người từ Trung Quốc, khi mà những người này đều có năng lực, kiến thức về kinh doanh. Họ không phải là người lao động mà là các doanh nhân thành đạt. Ông e ngại rằng với sự xuất hiện của quá nhiều các thương nhân và doanh nghiệp Trung Quốc tại Malaysia, người Mã Lai bản địa và người Malaysia nói chung sẽ mất đi chỗ đứng của mình.
Những người Trung Quốc giàu có sẽ mua đất đai và dần dần đẩy người Malaysia từ thành phố vào sinh sống ở khu vực gần rừng. Theo ông Mahathir, đây là điều đã từng xảy ra với Singapore. Malaysia hiện có dân số gần 32 triệu người, trong đó 60% là người Mã Lai bản địa, gần 30% là người gốc Hoa. Số còn lại là người gốc Ấn Độ và người thiểu số khác.
Trước đó, ngày 27/8, Thủ tướng Mahathir xác định rằng chính quyền của ông sẽ không cho phép người nước ngoài mua các căn hộ dân cư trong dự án Forest City của Trung Quốc, trị giá 100 tỷ USD ở bang Johor. Đây là quyết định mới nhất của tân chính phủ Malaysia nhằm đưa đất nước thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của Bắc Kinh. Động thái này đã nối tiếp theo quyết định hủy bỏ một số dự án lớn của Trung Quốc tại Malaysia, bị đánh giá là quá tốn kém nhưng không mang lại ích lợi cho đất nước.
Trong một bài phân tích, nhật báo Mỹ The New York Times đã nêu bật quyết tâm của tân Thủ tướng Malaysia trong việc tránh không để nước ông rơi vào bẫy nợ mà Trung Quốc đang giăng ra. Malaysia, theo tờ báo Mỹ, là một ví dụ về một đất nước từng mời gọi đầu tư Trung Quốc, song giờ đây lo ngại mang nợ quá tải do những đề án to lớn vừa không sinh lợi, vừa không cần thiết - ngoại trừ đối với Trung Quốc.
Theo New York Times, trước đây, kịch bản dùng tiền để tăng cường ảnh hưởng mà Trung Quốc thường áp dụng đã từng phát sinh hiệu quả tại Malaysia. Giờ đây tình thế đã khác. Bắc Kinh đã thành công khi xây dựng hợp tác với chính phủ của cựu thủ tướng Najib Razak với những khoản tín dụng dễ dãi và những đề án to lớn, qua đó ký kết được những thỏa thuận có tính chất chiến lược, phục vụ cho những tham vọng của Trung Quốc.
Đến cuộc bầu cử vào tháng 5 vừa qua, ông Mahathir, 93 tuổi, đắc cử và được bầu vào chiếc ghế thủ tướng, với nhiệm vụ bao gồm việc đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nợ nần chồng chất, bị bóp nghẹt dưới khoản nợ kếch xù 250 tỷ USD, mà một phần không nhỏ là nợ các công ty Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn gần đây của báo The New York Times, ông Mahathir đã nói rõ những gì ông nghĩ về chiến lược của Trung Quốc: “Trung Quốc biết rất rõ là chính họ đã phải chấp nhận những thỏa thuận bất bình đẳng mà các cường quốc phương Tây đã áp đặt đối với Trung Hoa trong quá khứ”.

Ông Mahathir ám chỉ các nhượng bộ của Trung Quốc sau thất bại trong cuộc chiến tranh nha phiến. “Do vậy, Trung Quốc nên thông cảm với chúng tôi. Họ biết là chúng tôi không gánh vác nổi các món nợ”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục