Huy động mọi nguồn lực để phát triển du lịch bền vững

12:12' - 15/03/2023
BNEWS Sáng nay 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”.

Sáng nay, 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”.

Hội nghị được tổ chức nhằm nhìn lại việc phát triển ngành du lịch thời gian qua, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để vượt qua những khó khăn, biến nguy thành cơ, tận dụng những kinh nghiệm, thời cơ đã có, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và của ngành du lịch so các nước trong khu vực và thế giới để phát triển nhanh và bền vững.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các tình hình ngành du lịch, các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề ra các giải pháp để ngành du lịch "cất cánh". 

Ngày 15/3/2022 là dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam, nỗ lực trở lại sau thời gian dài "ngủ đông" do dịch COVID-19. Đến tháng 3/2023, một năm sau dấu mốc này, du lịch Việt Nam đã gặt hái được thành công nhất định, nhất là "bùng nổ" du lịch nội địa.

Mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3/2022, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở trên thế giới. Toàn ngành đã có cơ hội lớn để thúc đẩy du lịch phục hồi sau COVID-19.

Tại hội  nghị,  Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - Nguyễn Văn Hùng thông tin, năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, tổng số khách du lịch nội địa ước đạt trên 101,3 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng.

Riêng trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước, đồng thời phục vụ 20 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85.600 tỷ đồng.

Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực song ngành du lịch vẫn còn phục hồi chưa được như kỳ vọng; trong đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 mới chỉ bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra (5 triệu lượt). Con số này cũng ít hơn nhiều so với 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch COVID-19.

Du lịch Việt Nam cũng đang chịu sức ép không nhỏ trong cuộc đua cạnh tranh hút khách quốc tế với một số thị trường như Thái Lan, Singapore, Indonesia... để đạt mục tiêu đón 8 triệu lượt năm nay.

Nguyên nhân khiến Việt Nam còn hạn chế trong việc hấp dẫn khách quốc tế được chỉ ra liên quan tới visa còn hạn chế, số lượng miễn thị thực còn ít (hiện mới có 25/200 nước được miễn thị thực), thời gian lưu trú ngắn... Các doanh nghiệp du lịch cũng cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi mở cửa lại thị trường như thiếu vốn, thiếu lao động sau mấy năm gián đoạn vì dịch COVID-19.

Ngoài ra, tình hình chính trị trên thế giới với nhiều diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến hoạt động của hàng không và lữ hành; chi phí, giá cả tăng cao, sản phẩm du lịch còn hạn chế cũng ảnh hưởng đến quyết định của du khách.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ-Phạm Minh Chính nêu rõ, ngày 15/3/2022 khi dịch COVID-19 đang ở đỉnh cao nhưng Việt Nam vẫn quyết định mở cửa ngành du lịch, kinh tế, giáo dục đến nay quyết định này mang tính đúng đắn vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Việt Nam đã mở cửa sớm để đón khách nhưng kết quả chưa được như mong muốn, vì vậy cần đánh giá rút kinh nghiệm từ đó đưa ra  nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những khó khăn để ngành du lịch phát triển nhanh và bền vững thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thủ tướng  nhấn mạnh, chúng ta cần triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung suy nghĩ, nghiên cứu, đánh giá việc phát triển ngành du lịch đi đúng hướng chưa, đã tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng, cả nước chưa.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, những khó khăn mà cả thế giới phải đối mặt, thì đâu là nguyên nhân chủ quan khi mà du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"?

Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?.

Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp đột phá trong thời gian tới, nhất là vấn đề hạ tầng, xúc tiến và quảng bá như thế nào? Cùng với đó là vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, chính sách visa…

Thủ tướng khẳng định cần phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí, du lịch không thể phát triển một mình, du lịch không thể phát triển nếu hạ tầng, văn hóa không phát triển, du lịch không thể phát triển mạnh nếu công nghiệp văn hóa không phát triển mạnh, bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân phải chung tay phát triển ngành du lịch, tìm ra hướng đi phù hợp trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của đất nước, linh hoạt, không máy móc. Thủ tướng gợi ý nên chăng có phong trào chung tay xây dựng đất nước xanh, sạch, đẹp để phát triển kinh tế-xã hội và du lịch nhanh, bền vững.  

Thủ tướng cho biết, sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến ban hành một Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, tương tự như các nghị quyết sau các hội nghị của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế… Chính phủ sẽ triển khai các công việc thuộc thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

“Thời gian tới ngành du lịch nên có những giải pháp huy động nguồn lực công tư, chính sách visa, quảng bá xúc tiến, nâng cấp cơ sở hạ tầng… để phát triển du lịch. Du lịch không thể phát triển bền vững nếu như cơ sở hạ tầng, xúc tiến, quảng bá không phát triển, muốn làm được điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần vào cuộc” - Thủ tướng nêu rõ. Để ngành du lịch phát triển, Thủ tướng gợi ý: “Thời gian tới các cấp các ngành nên phát triển phong trào xây dựng môi trường xanh sạch đẹp qua đó phát triển kinh tế và ngành du lịch bền vững”./.

>>>Website vietnam.travel quảng bá du lịch Việt Nam tiếp tục nằm ở tốp đầu khu vực

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục