Khi đà tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi có dấu hiệu "hụt hơi"

06:30' - 20/09/2021
BNEWS Theo bài viết đăng trên Báo Le Monde (Pháp), đại dịch COVID-19 đã cản trở bước tiến của các quốc gia mới nổi, khi những quốc gia này đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Ngày 9/9, nhà sản xuất ô tô Mỹ Ford thông báo sẽ rút khỏi Ấn Độ sau khi ghi nhận khoản thua lỗ lên đến hơn 2 tỷ USD trong 10 năm qua. Đây quả là một kết cục bất ngờ đối với một tập đoàn mà chỉ vài năm trước còn xem đất nước châu Á 1,3 tỷ dân này là một trong những thị trường ô tô hứa hẹn nhất hành tinh.

Năm 2020, Harley-Davidson cũng đã phải "rời bỏ" Ấn Độ, và trước đó là General Motors vào năm 2017. Trước thực tế này, chuyên gia nghiên cứu Rebecca Ray của Trung tâm chính sách phát triển tại toàn cầu thuộc Đại học Boston (Mỹ), đưa ra nhận định: “Việc các công ty lớn có vốn đầu tư dài hạn như Ford phải rút khỏi một quốc gia mới nổi như Ấn Độ là điều đáng lo ngại. Cho dù sự suy thoái của nước này đã bắt đầu từ chục năm trước, nhưng rõ ràng khủng hoảng COVID-19 đang làm trầm trọng thêm xu hướng đó”.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã phá vỡ khái niệm “mới nổi” phổ biến vào những năm 2000, khi các ngân hàng đầu tư và công ty tư vấn sử dụng khái niệm này để chỉ các nước đang phát triển có tốc độ tăng trưởng nhanh và hội nhập hoàn toàn vào kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, kể từ năm 2020, tất cả các nước ngoại trừ Trung Quốc đều lao dốc từ đỉnh cao. Quá trình này đôi khi diễn ra rất nhanh, như trường hợp của Ấn Độ và Mexico, với tốc độ suy thoái lần lượt là 8,7% và 9,1% vào năm 2020.

* Khoảng cách được nới rộng

Đánh giá theo tốc độ tăng trưởng, các quốc gia mới nổi không còn tạo thành một nhóm đồng nhất do khoảng cách ngày càng bị nới rộng tính đến thời điểm năm 2020. Suy thoái kinh tế được kiềm chế ở châu Á, song lại được thể hiện rất rõ ở Nam Mỹ.

Mặc dù tăng trưởng ở châu Phi nhìn chung cao hơn so với phần còn lại của thế giới trong giai đoạn trước đại dịch (3,6% so với 2,7% vào năm 2019), nhưng thành quả này đã rơi về dưới mức trung bình toàn cầu kể từ khi đại dịch bắt đầu. 

Federico Bonaglia, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đã nêu lên một thực tế khác: “Thời gian khủng hoảng, trong khi việc sử dụng các dịch vụ y tế từ xa bùng nổ ở Trung Quốc và Indonesia, thì cả Lào và Campuchia lại rơi vào tình trạng thiếu điện”.

Trong khi đó tầng lớp trung lưu, một chỉ số khác chỉ sự phát triển ở các nước mới nổi, cũng bị thu hẹp với cuộc sống của hàng triệu gia đình đang rơi xuống dưới mức nghèo khổ. Trong một báo cáo được công bố vào năm 2020, Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng các quốc gia có thu nhập trung bình sẽ chiếm đến 80% trong số 100-150 triệu người rơi vào cảnh cùng cực của thế giới do hậu quả của khủng hoảng COVID-19.

Khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đông Nam Á, tiếp theo là khu vực châu Phi phía Nam sa mạc Sahara. Những tầng lớp nghèo mới này chủ yếu làm việc trong khu vực phi chính thức, trong lĩnh vực sản xuất hoặc xây dựng và sống ở các đô thị.

* “Xóa sổ” vĩnh viễn một số vị trí việc làm

Nếu các nước mới nổi chống chọi với khủng hoảng yếu kém hơn các nền kinh tế phát triển thì đó là do các nước giàu đã có nhiều dư địa tài chính, còn ngân hàng trung ương có thể làm mọi cách để bảo vệ nền kinh tế của họ. 

Khủng hoảng y tế không ảnh hưởng nhiều đến châu Phi và Đông Nam Á trong năm 2020, nhưng đã giáng những đòn nặng nề vào các khu vực này trong những tháng gần đây, chủ yếu do việc tiếp cận vaccine khó khăn hơn.

Cuộc khủng hoảng có thể gây ra những hậu quả lâu dài. Tháng 4/2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng nhiều việc làm bị mất đi trong khủng hoảng COVID-19 có thể sẽ bị “xóa sổ” vĩnh viễn, do “các lực lượng chuyển đổi số hóa và tự động hóa dây chuyền sản xuất” đã tăng tốc rất nhanh trong 18 tháng qua. 

Trong thời kỳ khủng hoảng, những robot phục vụ bàn đầu tiên đã xuất hiện trong các nhà hàng và thực tế, công nghệ kỹ thuật số đã “xâm chiếm” mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Các công việc có kỹ năng thấp, hoặc lương thấp, tập trung ở các nước có thu nhập trung bình và thấp, là những công việc bị đe dọa nhiều nhất.

Ví dụ, trong một báo cáo công bố tháng 5/2021, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ước tính từ nay đến năm 2022, ở Ấn Độ sẽ có khoảng 3,16 triệu việc làm trong ngành công nghệ thông tin biến mất vì tự động hóa. Các quốc gia mới nổi sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc tự động hóa các công việc hoặc robot hóa nhân công, với 85% việc làm bị đe dọa trong 20 năm tới, so với 45% ở Mỹ.

* Phục hồi chậm hơn và muộn hơn

Cuộc khủng hoảng cũng làm tăng gánh nợ của các quốc gia mới nổi vào ở đúng thời điểm các nước cần phục hồi kinh tế hơn bao giờ hết. Theo số liệu mới nhất từ Viện tài chính quốc tế (IIF), một hiệp hội các tổ chức tài chính trên khắp thế giới, nợ của các quốc gia mới nổi (trừ Trung Quốc) đã đạt kỷ lục mới là 36.000 tỷ USD trong quý II/2021. Nợ công tăng vọt từ 52% lên 62% GDP trong khoảng thời gian từ quý IV/2019 đến quý II/2021, trong khi tỷ trọng của khoản hoàn trả đang tăng lên cao hơn.

Báo cáo công bố ngày 15/9 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển cho biết, trong năm 2020, các thị trường mới nổi đã chứng kiến đồng tiền của họ giảm giá hơn 20% so với đồng USD, khiến giá trị các khoản nợ bằng ngoại tệ tăng lên. Quyết định tăng lãi suất ở Mỹ, dù nhỏ nhất, cũng có thể dẫn đến tình trạng dòng vốn chảy ra từ các nước mới nổi, làm suy yếu đồng tiền bản địa và tăng chi phí nợ, trong khi quá trình phục hồi kinh tế của họ đang diễn ra chậm và muộn hơn nhiều.

Bên cạnh đó, còn có một quan ngại khác, đó là việc khu vực hóa chuỗi giá trị có thể gạt nhiều quốc gia nghèo và mới nổi khỏi guồng quay tăng trưởng toàn cầu. Cuối năm 2019, WB công bố báo cáo cho thấy sự tham gia của một quốc gia đang phát triển vào một trong các công đoạn như thiết kế, sản xuất hay phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ có thể làm tăng thu nhập cho người dân thêm 1%. 

Tuy nhiên, dòng chảy rộng khắp toàn cầu đã cho thấy sự mong manh và không chắc chắn, bằng chứng là việc đóng cửa các nhà máy ở Đông Nam Á vào mùa Hè năm ngoái đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chất bán dẫn và buộc các nhà sản xuất ô tô ở miền Bắc nước Pháp phải dừng dây chuyền lắp ráp. 

Thực trạng này dẫn đến ý tưởng xây dựng các vòng cung ứng mạnh hơn, nhanh hơn bằng cách đa dạng hóa các trung tâm sản xuất và đưa chúng đến gần thị trường hơn nhằm tránh các điểm tắc nghẽn trong dòng chảy hàng hóa.
“Thậm chí còn hơn cả khủng hoảng, đại dịch là một cú sốc khiến các nước mới nổi phải điều chỉnh lại chiến lược phát triển và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu”, bà Trần Thị Anh Đào, chuyên viên thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại, nhận định. 

Báo Financial Times ngày 13/9 dẫn lời Chủ tịch công ty vận tải UPS International Scott Price khẳng định các công ty sản xuất và phân phối lớn đang “thúc đẩy” tiến trình khu vực hóa chuỗi cung ứng của họ và điều này sẽ được thấy rõ trong thời gian 5-10 năm nữa. 

Trong khi đó, Federico Bonaglia, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển của OECD, lưu ý rằng “khu vực hóa chuỗi giá trị có thể giúp tái cân bằng sự phát triển của các quốc gia mới nổi nhằm hướng tới các châu lục khác ngoài châu Á, chẳng hạn như Bắc Phi”.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế nghi ngờ rằng các công ty có thể phải "hy sinh" khả năng cạnh tranh của họ bằng cách di chuyển một phần hoạt động. Chuyên gia Rebecca Ray khẳng định: “Nếu các ngành công nghiệp thực sự tính đến rủi ro dài hạn, thì vấn đề biến đổi khí hậu đã được tính đến tốt hơn”.

Rất lâu trước khi xảy ra khủng hoảng COVID-19, tăng trưởng ở một số quốc gia đã có dấu hiệu chậm lại, dự báo kết thúc một chu kỳ. Từ năm 2014-2019, GDP hàng năm của khu vực Caribe và Mỹ Latinh chỉ tăng trưởng trung bình 0,3%. 

Sébastien Jean, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển vọng và thông tin quốc tế (Pháp), nhận xét: “Nhiều quốc gia đã sa lầy vào việc chuyên môn hóa ngành nghề của họ, cho dù đó là chế biến nông sản ở Brazil hay khai thác nguyên liệu thô ở Nga, mà không tính đến việc đa dạng hóa nền kinh tế. Lợi ích từ quá trình hiện đại hóa trước hết thu được rất nhanh chóng bởi lực lượng lao động chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp có năng suất cao hơn nhiều, việc đô thị hóa dẫn đến đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng, nhưng tăng trưởng này sau đó phải tìm được một động lực tiếp sức mới”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục