Kỳ vọng trái ngược về ngành du lịch Nhật Bản

05:30' - 16/12/2023
BNEWS Đã đến lúc ngành du lịch Nhật Bản phải thừa nhận những thách thức vốn có và chuyển đổi thành một ngành kinh doanh toàn diện hơn, cân bằng giữa lợi ích tài chính và hỗ trợ xã hội.

 

Kyoto – thành phố du lịch cổ kính của Nhật Bản – đã sẵn sàng để đón một lượng lớn khách du lịch đến thăm trong dịp lễ Giáng Sinh và Năm Mới 2024. Bên cạnh việc triển khai chiến dịch “hãy chú ý đến cách cư xử của bạn”, chính quyền Kyoto quyết định ngừng phục vụ loại vé xe buýt dùng trong một ngày (one-day bus pass) nhằm hạn chế khách du lịch sử dụng xe buýt của thành phố.

Nguyên nhân là do thời gian xếp hàng kéo dài và ách tắc giao thông công cộng đã gây ra tình trạng bất tiện cho người dân địa phương của Kyoto, Vào năm 2022, khoảng 80% người dân nơi đây phàn nàn về vấn đề giao thông công cộng đông đúc và đường phố chật kín khách du lịch.

3/4 số người được hỏi ý kiến cho biết họ lo ngại về hành vi của khách du lịch, như xả rác bừa bãi hay vừa ăn vừa đi bộ. Sự gia tăng số lượng du khách quốc tế gây áp lực lên hạ tầng giao thông cơ sở của địa phương và các cư xử lộn xộn nơi công cộng bị gọi là “ô nhiễm tham quan”.

Mối quan hệ của Kyoto với du khách quốc tế vốn rất phức tạp. Vào năm 2018, thành phố này tiếp đón 52 triệu lượt du khách, đem lại nguồn doanh thu khổng lồ 8,7 tỷ USD, tạo ra gần 1/5 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của thành phố.

Nhưng sự phát triển đó đã gây ra động lực “tiến hóa du lịch”, với việc người dân địa phương bị đẩy ra khỏi thị trường nhà đất. Cho thuê nhà nghỉ ngắn hạn mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho các chủ nhà. Các cửa hàng và nhà hàng bắt đầu ưu tiên phục vụ khách du lịch nhiều hơn là người dân địa phương.

 
Và tháng 2/2020, ông Shoei Myrayama, một thành viên lâu năm trong Hội đồng thành phố Kyoto, đã tiến hành chiến dịch tranh cử vị trí Thị trưởng thành phố với thông điệp rằng “du lịch quá mức” đang tàn phá cố đô của Nhật Bản. Mặc dù không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm đó, nhưng chiến dịch của ông Myrayama đã làm nổi bật cuộc tranh luận về du lịch đại chúng.

Đại dịch COVID-19 về cơ bản đã làm thay đổi hoàn toàn tình hình vốn có của ngành du lịch Nhật Bản nói chung và Kyodo nói riêng. Đất nước này đã đóng cửa biên giới đối với du khách từ tháng 4/2020 đến tháng 10/2022, khiến ngành du lịch bị đình trệ hoàn toàn.

Trong 7 năm trước đó, từ năm 2013, khi Tokyo được lựa chọn là thành phố chủ nhà của Olympic và Paralypic Games 2020, số lượng khách tham quan quốc tế đến với Nhật Bản tăng vọt hơn ba lần, lên mức gần 32 triệu lượt khách trong năm 2019.

“Chiến dịch Du lịch Nhật Bản” năm 2003 của Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản và việc đưa ra luật cơ bản nhằm thúc đẩy du lịch vào năm 2006 đã xác lập du lịch là một trụ cột cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Năm 2008, Cơ quan Du lịch Nhật Bản được thành lập.

Dựa trên các chính sách phát triển nói trên, các động thái chính trị liên quan đến du lịch cũng được Tokyo chú trọng cải tiến. Chẳng hạn như quy định về thị thực dành cho các khách du lịch cá nhân giàu có của Trung Quốc được nới lỏng từ năm 2009, hay các chuyến đi đến khu vực Tohoky đã được quảng bá rộng rãi bên ngoài Nhật Bản nhằm góp phần phục hồi kinh tế cho khu vực này sau trận động đất lớn ở Đông Bắc Nhật Bản vào năm 2011.

Năm 2019, ngành du lịch trong nước của Nhật Bản tạo ra doanh thu 4.800 tỷ yen (32,1 tỷ USD), vượt quá con số 4.000 tỷ yen (26,8 tỷ USD) từ xuất khẩu chất bán dẫn. Việc Nhật Bản đóng cửa biên giới trong suốt thời kỳ đại dịch đã chuyển ngành du lịch từ một mũi nhọn kinh tế sang một thực thể yếu ớt, cần sự hỗ trợ tài chính của chính phủ để hồi phục. Nổi bật nhất trong năm nay là chiến dịch “Go To Travel” (Đi Du lịch), do nhà nước tài trợ, được thiết kế để tăng cường du lịch nội địa và giảm thiểu tình trạng phá sản của các khách sạn.

Nhưng các điểm nóng du lịch của Nhật Bản hiện vẫn phải chịu cảnh vắng bóng khách du lịch quốc tế. Hơn một nửa cư dân Kyoto cho rằng tình hình kinh tế thành phố xấu đi đáng kể trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và kỳ vọng du lịch sẽ sớm phục hồi trở lại mức trước đại dịch.

Trong tháng 9/2023, số lượng khách du lịch đến với Nhật Bản đạt 2,2 triệu người, tương đương 96% mức trước đại dịch. Sự mất giá của đồng yen Nhật Bản so với đồng USD, đồn euro và các loại tiền tệ khác phần nào hỗ trợ cho sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch nước này.

Tổng chi tiêu của du khách tham quan Nhật Bản đạt 1.230 tỷ yen (8,2 tỷ USD) vào quý II/2023, gần bằng mức chi tiêu cùng kỳ năm 2019. Chi tiêu cho du lịch của mỗi du khách ở mức trung bình 200.000 yen (1.338 USD), hoàn thành mục tiêu chính sách đề ra cho ngành du lịch năm 2025.

Mục tiêu này được xây dựng trong bản sửa đổi mới nhất của luật cơ bản nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển, đã được Nội các Nhật Bản thông qua vào tháng 3/2023. Luật tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ nhắm mục tiêu tăng số lượng khách du lịch giàu có để nâng cao mức tiêu dùng chung của khách du lịch.

Du khách đến từ Vương quốc Anh, Trung Quốc và Australia là những người chi tiêu nhiều nhất. Năm 2023, khách du lịch Trung Quốc hầu như vắng bóng tại Nhật Bản trong kỳ nghỉ lễ Vàng của Trung Quốc vào tháng 10, mặc dù, chính phủ nước này đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm du lịch theo nhóm ra nước ngoài, kể từ tháng 8/2023.

Tại tỉnh Okinawa, nơi có lượng du khách ngang với Hawaii tính đến năm 2017, sự vắng bóng của khách du lịch Trung Quốc được quan sát thấy rõ rệt nhất. Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào tháng 7/2023, Thống đốc tỉnh này, ông Denny Tamaki, đã vận động thành công kế hoạch nối lại các chuyến bay thẳng trực tiếp từ Bắc Kinh và Thượng Hải đến Naha. Tuy nhiên, du khách đến với Okinawa tăng chậm. chỉ đạt 50% so với mức trước đại dịch vào tháng 9/2023.

Nhưng trái với sự thất vọng của giới chính quyền và ngành công nghiệp, nhiều người dân Okinawa không muốn hoạt động du lịch sôi nổi trở lại như trước. Họ phàn nàn về việc khách du lịch giẫm đạp lên các khu thờ cúng - các thánh địa của họ. Vì những sự cố như vậy đang xảy ra ngày một nhiều hơn ở đảo Kudaka nên ông Keiichiro Nakamura, chủ sở hữu một công ty du lịch địa phương, đã thiết kế một trang mạng (web) giáo dục khách du lịch về cách ứng xử phù hợp khi tham quan trên đảo.

Trả lời phỏng vấn với báo chí đại phương, ông Nakamura giải thích rằng hạnh phúc của người dân địa phương là điều kiện tiên quyết quan trọng cho bất kỳ sự phát triển thành công nào của ngành du lịch.

Nhật Bản có thể vẫn là một điểm đến du lịch nổi tiếng. Các khu vực đô thị như Tokyo, Osaka và Kyoto thu hút tới 2/3 tổng lượng khách du lịch quốc tế của cả nước, tạo ra một khoảng cách đáng kể giữa ngành du lịch khu vực thành thị và nông thôn.

Thay vì nói một cách chung chung là “du lịch quá mức”, Nhật Bản đang trải qua tình trạng tập trung quá mức lượng khách du lịch ở một số khu vực nhất định. Khách du lịch vi phạm các quy tắc lịch sự văn hóa và cách cư xử bừa bãi của họ sẽ gây ra phản ứng dữ dội trong xã hội địa phương. Đã đến lúc ngành du lịch Nhật Bản phải thừa nhận những thách thức này và chuyển đổi thành một ngành kinh doanh toàn diện hơn, cân bằng giữa lợi ích tài chính và hỗ trợ xã hội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục