LHQ: Các nước đang phát triển cần tăng đầu tư vào khí hậu

09:09' - 30/11/2023
BNEWS Các nước đang phát triển phát thải ít khí nhà kính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, tuy nhiên lại nằm trong số những quốc gia phải hứng chịu nhiều nhất những tác động.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, một nhóm chuyên gia kinh tế của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 29/11 cho biết đầu tư không đủ ở các nước đang phát triển đang gây nguy hiểm cho những nỗ lực giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu, đồng thời kêu gọi Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) thúc đẩy “sự thay đổi cơ bản”.

 

Vào năm ngoái, nhóm chuyên gia cấp cao của LHQ về tài chính khí hậu tuyên bố rằng các quốc gia đang phát triển (trừ Trung Quốc) cần chi khoảng 2.400 tỷ USD mỗi năm cho năng lượng sạch và khả năng phục hồi khí hậu vào năm 2030, gấp 4 lần mức hiện tại.

Trong một báo cáo cập nhật được công bố ngay trước thời điểm bắt đầu các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), các chuyên gia cảnh báo rằng đầu tư vào khí hậu ở các nền kinh tế mới nổi “đã bị đình trệ” và hành động ngắn hạn là rất quan trọng.

Đồng tác giả báo cáo Nicholas Stern lập luận rằng thế giới đang đi chệch hướng về lượng khí thải vì “chúng ta chưa đầu tư đủ vào những gì phải làm để giảm lượng khí thải”.   Trọng tâm của các cuộc đàm phán COP28 diễn ra từ ngày 30/11 đến 12/12 sẽ tập trung đánh giá những tiến bộ còn hạn chế của thế giới trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Báo cáo cảnh báo việc không cung cấp đủ kinh phí sẽ “làm thất bại” thỏa thuận Paris mang tính bước ngoặt đạt được vào năm 2015, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời hướng tới một mục tiêu giới hạn 1,5 độ C. Theo ông Stern, “hậu quả sẽ rất tàn khốc, đặc biệt đối với những người nghèo nhất”.

Các nước đang phát triển phát thải ít khí nhà kính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, tuy nhiên lại nằm trong số những quốc gia phải hứng chịu nhiều nhất những tác động tốn kém và tàn phá của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và nước biển dâng.

Theo các chuyên gia, các nước đang phát triển là những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Các quốc gia này sẵn sàng chuyển hướng sang sử dụng năng lượng sạch với điều kiện họ có thể được giảm bớt gánh nặng nợ nần và tiếp cận nguồn tài chính.

Nhà kinh tế Vera Songwe - đồng tác giả khác của báo cáo, phát biểu với các phóng viên rằng “chúng ta càng chờ đợi thì chi phí càng trở nên đắt đỏ hơn”, đồng thời cảnh báo rằng nhu cầu đầu tư ước tính có thể sẽ cần được điều chỉnh tăng lên vào năm 2025 nếu hành động chậm lại.

Tài chính từ lâu đã là trọng tâm của các cuộc đàm phán khí hậu quốc tế, tuy nhiên các cuộc thương lượng về khí hậu trong những năm gần đây đã bị ảnh hưởng do các nước giàu không thực hiện đầy đủ lời hứa được đưa ra vào năm 2009 là cung cấp 100 tỷ USD tài chính khí hậu mỗi năm cho khả năng phục hồi và năng lượng sạch.

Các chuyên gia cũng đề xuất áp dụng nhiều loại thuế đối với các lĩnh vực phát thải cao để huy động nguồn lực tài chính, đặc biệt là ngành vận tải biển và hàng không, cũng như các động thái nhằm chuyển hướng trợ cấp khỏi các hoạt động gây ô nhiễm và hướng tới quá trình chuyển đổi xanh.

Nhà kinh tế Songwe đánh giá cao UAE - chủ nhà COP28, đã cam kết tài trợ 4,5 tỷ USD vào tháng 9 năm nay để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch của châu Phi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục