Lựa chọn nào cho ngành hàng không thế giới? (Phần 2)

06:00' - 04/09/2020
BNEWS Nhu cầu đi lại sẽ dần phục hồi và các chuyến bay sẽ tiếp tục cất cánh, nhưng cho đến khi lĩnh vực này thực sự phục hồi, có thể ngành hàng không đã thay đổi rất khác so với những gì ta đã từng biết.

Vắc-xin chống COVID-19

Việc phát minh ra vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ cho ngành hàng không. Vắc-xin tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể, đồng thời giảm nguy cơ nhiễm và lây bệnh. Điều này giảm bớt nhu cầu của việc hạn chế nhập cảnh, vùng đi lại nội bộ và xét nghiệm.

Tuy nhiên, tìm ra vắc-xin không hề dễ dàng. Thuốc chữa trị cho một số căn bệnh đe dọa tính mạng như HIV và sốt rét cho đến nay vẫn chưa được tìm ra mặc dù đã trải qua nhiều thập kỷ nghiên cứu. Do đó, việc tìm ra vắc-xin là một quá trình kéo dài đeo đẳng.

Phải mất gần một thập kỷ mới người ta mới phát triển được vắc-xin cho bệnh sởi, và mất 50 năm để đưa nó ra thị trường kể từ khi các cơ sở y tế của Mỹ bắt đầu giám sát căn bệnh này.

Ngay cả khi vắc-xin cho COVID-19 được tìm thấy, loại thuốc này sẽ phải được sản xuất và phân phối hàng loạt trên toàn thế giới, và điều này sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa. Đối với du khách, điều này có nghĩa là trải nghiệm bay như trước COVID-19 có thể sẽ không sớm trở lại.

Tối giản dịch vụ

Trong bối cảnh đó, hành khách có thể mong đợi gì trong thời gian này?

Những hành khách đi máy bay trước COVID-19 - đặc biệt những ai ngồi khoang cao cấp - được dành cho tất cả các quyền lợi; bộ dụng cụ tiện nghi, tai nghe chống ồn và đồ ngủ. Một số hãng còn đi xa hơn nữa, họ mang đến cho hành khách những bữa ăn ngon do các đầu bếp chuyên nghiệp chế biến trên máy bay.

Giờ đây, những điều này sẽ phải thay đổi. Thay vào đó, hành khách có thể dự đoán các dịch vụ bị cắt bớt với chỉ một ít hoặc không có lựa chọn xa xỉ nào hết. Các hãng hàng không đang cắt bớt tạp chí trên máy bay, gối và trong một số trường hợp, thậm chí cả bữa ăn.

Singapore Airlines - vốn lâu nay được ngưỡng mộ về dịch vụ khách hàng - đã cho ngưng dịch vụ bữa ăn bằng xe đẩy trên các chuyến bay ở châu Á. Thay vào đó, hành khách sẽ được phát một túi đồ ăn nhẹ với nước và đồ ăn vặt khi lên máy bay.

Lý do không phải là chi phí quá nhiều (mặc dù các hãng hàng không, vốn đã chảy máu tiền mặt, rất muốn tiết kiệm). Thay vào đó, cắt giảm dịch vụ là để hạn chế cái gọi là “điểm tiếp xúc”, cơ hội để COVID-19 lan truyền thông qua sự gần gũi giữa hành khách và phi hành đoàn.

Việc phục vụ hành khách trong không gian đông đúc đòi hỏi sự tương tác đáng kể giữa người với người. Các hãng hàng không muốn hạn chế những tương tác này để ngăn virus lây lan.

Một số hãng hàng không đang thực hiện các nỗ lực ngăn chặn virus thêm một bước nữa bằng cách yêu cầu hành khách đeo khẩu trang và tấm chắn trên máy bay.

Một trong những hãng hàng không như vậy là Qatar Airways. Giám đốc hãng, ông Akbar Al Baker đã nói rằng những biện pháp này là cần thiết để “đảm bảo sức khỏe và sự bình an tiếp diễn của hành khách và phi hành đoàn”.

Tăng giá vé?

Theo suy luận thông thường thì khi nhu cầu giảm, giá vé sẽ giảm theo. Do đó, với lượng hành khách mức thấp kỷ lục (tính đến tháng 4, lượng hành khách của sân bay Heathrow đã giảm 97%), việc kiếm vé giá rẻ sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Nhưng mọi chuyện không phải như vậy. Giá vé bay cũng bị tác động bởi số chỗ ngồi có trên thị trường toàn cầu. Với việc các máy bay chở khách trên thế giới phần lớn đã bị ngừng bay (một ước tính cho biết gần 30% trong số 26.000 máy bay thương mại trên thế giới nay đã bị cho “nằm nghỉ” trên các phi đạo trên toàn thế giới), số lượng chỗ ngồi sẽ ít hơn rất nhiều. Điều này giúp các hãng hàng không chứ không phải hành khách có lợi thế trong việc định giá vé.

Theo Giáo sư Trường Kinh doanh Haas thuộc Đại học Berkeley ở California Severin Borenstein thì không có khả năng giá vé tăng trong ngắn hạn. Giáo sư Trường Kinh doanh Haas cho rằng giá vé “nhiều khả năng vẫn ở mức vừa phải, vì chi phí nhiên liệu thấp và các hãng hàng không đang chạy công suất nhiều hơn mức cầu”.

Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng việc chưa có vắc-xin COVID-19 có thể khiến giá vé cuối cùng sẽ tăng “trong nhiều năm”. Ngoài ra, giá vé cũng có khả năng tăng nếu một số hãng hàng không phá sản. Phá sản làm giảm số lượng đối thủ cạnh tranh trên thị trường, điều này luôn dẫn đến xu hướng tăng giá.

Viễn cảnh một hãng hàng không lớn ngừng hoạt động là điều mà hãng sản xuất máy bay Boeing mới đây đã cảnh báo. Quan điểm tương tự cũng được lãnh đạo hãng Emirates là ông Tim Clark bày tỏ. Và vận hành một hãng hàng không rất là tốn kém.

Ngay cả những chiếc máy bay cỡ nhỏ, như Boeing 737 một lối đi, có thể có giá từ 102 triệu USD trở lên mỗi chiếc. Thêm vào đó là nhiên liệu, bảo hiểm và thuế thì tiền bạc cả là một vấn đề.

Ngoài ra, với chi phí hàng năm lên đến hàng tỷ USD, các hãng hàng không cần tiền mặt để tồn tại - rất nhiều tiền. Trong bối cảnh đó, vận chuyển hàng hóa là một cách để kiếm tiền. Một cách nữa là liên kết với ngân hàng để phát hành thẻ tín dụng mang thương hiệu hãng. Tuy nhiên, cách tốt nhất để có tiền là lấp đầy các khoang hành khách.

Việc tối đa hóa cái gọi là hệ số chuyên chở là điều đặc biệt quan trọng đối với các hãng hàng không giá rẻ, dù phải chịu chi phí tương đương như các hãng đối thủ khác nhưng họ vẫn có thể bán vé với mức giá thấp hơn đáng kể.

Không chở nhiều khách

Thông thường, các hãng hàng không giá rẻ bù đắp giá vé thấp bằng cách “nhồi” thật nhiều hành khách lên khoang. Ryanair chở 189 hành khách trong máy bay của họ, nhiều hơn 10% so với các hãng hàng không quốc gia sử dụng cùng loại máy bay.

Tuy nhiên, mặc dù việc xếp chỗ ngồi dày đặc có thể tiết kiệm cho hành khách, điều này đi ngược lại giãn cách xã hội. Khi nói đến chống dịch COVID-19, Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ gọi giãn cách xã hội là ‘một trong những công cụ tốt nhất chúng ta có để tránh tiếp xúc với virus này và làm chậm sự lây lan tại chỗ, trên cả nước và trên thế giới’.

Ý kiến này được một số nhà lập pháp đồng tình, và họ đã ra yêu cầu bắt buộc rằng các hãng hàng không không được chở nhiều hơn 2/3 công suất.

Giáo sư Borenstein nói việc hạn chế sử dụng hết công suất máy bay chở khách có thể phá vỡ mô hình hàng không giá rẻ, “bởi vì họ dựa vào mật độ hành khách cao trên máy bay và bởi vì những hãng hàng không này thường có vốn hóa ít hơn, và do đó tình hình tài chính của họ chịu tác động nhiều hơn trước nhu cầu giảm”. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi các hãng hàng không giá rẻ chỉ trích động thái này.

Nhận định về triển vọng ngành “chim sắt”, Giám đốc điều hành Airbus Guillaume Faury đã gọi đại dịch COVID-19 là “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà ngành hàng không từng đối mặt”. Đồng quan điểm này, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

Hiệp hội này - vốn đại diện cho gần 300 hãng hàng không - cho biết, ngành hàng không “mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình phục hồi lâu dài và khó khăn” và vẫn còn đó “sự bất định to lớn về việc bùng phát các ca lây nhiễm COVID-19 mới ở các thị trường trọng điểm sẽ có tác động như thế nào”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục