Luật Đất đai 2024: Đẩy sớm thời gian hiệu lực, vướng mắc được gỡ nhanh

15:58' - 04/04/2024
BNEWS Cả chuyên gia, doanh nghiệp đều đồng tình và mong muốn thực hiện sớm Luật Đất đai 2024 từ ngày 1/7 nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục trở lại; góp phần phục hồi, phát triển kinh tế...

Để Luật Đất đai có thể có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 - sớm hơn nửa năm so với kế hoạch, các bộ ngành liên quan đang khẩn trương xây dựng Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật; xây dựng và ban hành theo thẩm quyền một số Thông tư. Đây là cơ sở để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép luật có hiệu lực từ ngày 1/7.

Đón nhận thông tin này, cả chuyên gia cũng như doanh nghiệp đều đồng tình và mong muốn thực hiện sớm Luật Đất đai 2024 từ ngày 1/7 nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục trở lại; góp phần phục hồi, phát triển kinh tế...

Tại hội nghị đầu tháng 3/2024, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết cũng kỳ vọng hoàn thành sớm các Nghị định hướng dẫn để đề xuất Luật Đất đai có hiệu lực ngay tháng 7/2024. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo của 6 Nghị định, 5 Thông tư; Bộ Tài chính có 2 Nghị định; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng 1 Nghị định và Bộ Nội vụ 1 Thông tư…

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận xét, Luật Đất đai có hiệu lực sớm sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới của thị trường bất động sản. Nguồn cung trên thị trường sẽ dần được cải thiện; trong đó, các phân khúc chung cư, nhà ở nhiều hơn có thể sẽ giúp giảm giá nhà, tạo điều kiện an cư cho người thu nhập thấp.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch Tập đoàn G6 chia sẻ: "Tôi rất mong Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm bởi doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều vướng mắc trong vấn đề thủ tục đầu tư do các quy định từ bộ luật cũ vừa chồng chéo, vừa mâu thuẫn".

Theo ông Quê, không chỉ "vướng" ở luật Đất đai cũ mà ngay cả hướng dẫn từ Thông tư cũng chưa được chi tiết, cụ thể dẫn đến việc nhiều tỉnh, thành phố lúng túng, khó khăn trong việc phê duyệt thủ tục đầu tư.

Do đó, doanh nghiệp này kỳ vọng, Luật Đất đai 2024 được áp dụng sớm sẽ giúp nhiều thủ tục đầu tư được phê duyệt sớm hơn, giúp cho doanh nghiệp bán hàng sớm, thu dòng tiền về; đồng thời, giúp thị trường bất động sản gia tăng nguồn cung nhà ở. Đặc biệt, tại các thành phố lớn, giá nhà ở sẽ hạ nhiệt.

Đồng quan điểm, nhiều doanh nghiệp khác cũng cho rằng, áp dụng Luật Đất đai sớm sẽ gỡ khó cho cả doanh nghiệp và thị trường. Bởi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua ngày 18/1/2024 và đến 1/7/2024 là khoảng thời gian đủ để người dân cũng như doanh nghiệp nắm được nội dung cơ bản của luật. Thời gian này cũng đủ để các bộ, ban ngành soạn thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn luật.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm, việc khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản rất cấp bách. Do đó, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm cùng với việc đẩy Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 cũng sớm có hiệu lực là điều cần thiết. Lúc đó, cả doanh nghiệp và thị trường sẽ được tháo gỡ những rào cản thủ tục.

Hiện nay còn gần 3 tháng để chuẩn bị cho việc Luật Đất đai 2024 có thể được triển khai sớm,. Thời điểm này, các bộ ngành cũng đang gấp rút triển khai sớm, đẩy nhanh việc soạn thảo các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật.

Các doanh nghiệp mong muốn Ban soạn thảo văn bản nhanh chóng kịp thời ra văn bản hướng dẫn để khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thì những văn bản hướng dẫn này cũng có hiệu lực luôn. Đặc biệt, cần thận trọng trong việc soạn thảo văn bản hướng dẫn, tránh trường hợp, Nghị định và Thông tư không "cùng chiều" với luật, thiếu rõ ràng, hướng dẫn chưa đầy đủ... gây vướng mắc cho hoạt động, thủ tục đầu tư của doanh nghiệp, người dân.

Luật sư Phạm Thanh Tuấn - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Chuyên gia pháp lý bất động sản thì cho rằng, nếu chỉ đưa riêng Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm hơn vào ngày 1/7/2024 là chưa đủ mà cần phải đồng bộ cả 3 luật liên quan; trong đó có cả Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

Bởi cả 3 bộ luật này được ví như "kiềng ba chân" có vai trò đặc biệt quan trọng đối với thị trường bất động sản. Do đó, nếu chỉ riêng Luật Đất đai được thi hành sớm thì mới chỉ có một chân chắc, còn hai chân kia vẫn "hụt". Khi đó, rất nhiều trình tự thủ tục đầu tư dự án không được tháo gỡ đồng loạt mà vẫn lại phải tiếp tục đợi chờ vì liên quan đến nhau chứ không chỉ riêng gì vấn đề đất đai.

Đơn cử như liên quan đến phát triển nhà ở xã hội có rất nhiều quy định mới do Luật Nhà ở quy định, trong khi Luật Đất đai không có nhiều quy định đến phân khúc này. Nhất là quy định tốt cho thị trường như tránh đầu cơ, phân lô bán nền… được quy định trong Luật Nhà ở chứ không phải Luật Đất đai... - Luật sư Phạm Thanh Tuấn dẫn chứng.

Chính vì vậy, quan điểm của chuyên gia này cũng nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp, chuyên gia với mong muốn để pháp lý cho thị trường bất động sản đồng bộ thì vẫn cần phải có sự đồng bộ về hiệu lực thi hành cho cả 3 luật chứ không riêng Luật Đất đai 2024.

Liên quan đến Luật kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đối với Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng được giao xây dựng 3 Nghị định, 1 Thông tư và 1 Quyết định gồm: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ.

Còn đối với Luật kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng được phân công xây dựng 2 Nghị định và 1 Thông tư gồm: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản; Nghị định về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; Thông tư ban hành Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, riêng nhóm các nhiệm vụ liên quan đến Bộ Xây dựng về việc xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn 2 dự án luật, Bộ đã khẩn trương thành lập Ban soạn thảo xây dựng các dự thảo của các Nghị định. Hiện các nội dung dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi.

Đến thời điểm này, Bộ Xây dựng đã nhận được rất nhiều ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, bộ, ngành… để thực hiện ghi nhận, tổng hợp và tiếp thu. Dự kiến, Bộ Xây dựng sẽ gửi Bộ Tư pháp vào ngày 20/4 tới đây cho ý kiến thẩm định. Sau đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu hoàn chỉnh, dự kiến đầu tháng 5 báo cáo Chính phủ xem xét thông qua các Nghị định liên quan đến 2 dự án luật này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục