Ngân hàng tuần qua: 8.865 tỷ đồng giảm lãi cho khách vay khó khăn, lãi suất tiếp tục đi ngang

08:40' - 03/10/2021
BNEWS 16 ngân hàng giảm lãi 8.865 tỷ đồng cho khách hàng khó khăn do COVID-19; Lãi suất huy động tiếp tục đi ngang; NHNN dự thảo thông tư đề cập việc miễn, giảm lãi, phí vay qua thẻ tín dụng...

* 16 ngân hàng giảm lãi 8.865 tỷ đồng cho khách hàng khó khăn do COVID-19

Ngân hàng Nhà nước đã công bố kết quả giảm lãi suất cho vay theo cam kết của 16 ngân hàng thương mại. Theo đó, từ 15/7 - 31/8 các ngân hàng gồm VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, LienVietPostBank, TPBank, VIB, ACB, SeABank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank và Sacombank (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã giảm lãi cho khách hàng tổng cộng 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.

Trong đó, các ngân hàng lớn "Big4" giảm lãi nhiều nhất. Cụ thể, Agribank giảm tới 4.726 tỷ đồng, BIDV giảm cho khách hàng 1.032 tỷ, VietinBank giảm 857 tỷ, Vietcombank giảm 943 tỷ đồng.

* Lãi suất huy động ngân hàng đi ngang

Mặt bằng lãi suất huy động tháng 10/2021 tiếp tục ở mức thấp và có chiều hướng giảm tại một số ngân hàng.

Theo đó, tại các ngân hàng lớn, lãi suất huy động với các kỳ hạn chủ chốt của Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank vẫn được duy trì như cùng kỳ tháng 9/2021.

Xu hướng tương tự được ghi nhận tại các ngân hàng thương mại khác. Riêng với Sacombank, lãi suất điều chỉnh giảm nhẹ so với đầu tháng 9/2021, giảm từ 0,1-0,2%/năm với tiền gửi các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 24 tháng; còn Techcombank điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động ở kỳ hạn 6 tháng với mức giảm 0,2%/năm...

>>> Xem thêm lãi suất tiết kiệm các ngân hàng khác tại đây

* Dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước đề cập đến việc miễn, giảm lãi và phí vay qua thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

Trong đó, đáng chú ý, Dự thảo Thông tư quy định tổ chức phát hành thẻ quyết định thực hiện miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động phát hành thẻ tín dụng mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán tại các vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng do Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố bằng văn bản cho các khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định trên nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị giảm thu nhập do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, gồm cả dịch Covid-19 hoặc các sự kiện bất khả kháng.

*NAPAS tiếp tục miễn giảm nhiều loại phí dịch vụ ngân hàng

Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết tiếp tục triển khai Chương trình miễn, giảm phí dịch vụ các giao dịch nhằm chia sẻ những khó khăn của các ngân hàng và doanh nghiệp trước làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua.

Trong chương trình lần này, các ngân hàng thành viên, trung gian thanh toán và các đơn vị bán hàng trực tuyến có kết nối Cổng thanh toán điện tử của NAPAS sẽ được miễn, giảm các mức phí tương ứng khi triển khai các dịch vụ do NAPAS cung cấp cho những giao dịch:

Miễn phí xử lý giao dịch của dịch vụ Chuyển mạch tài chính (CMTC) và bù trừ điện tử (BTĐT) cho các giao dịch trên ATM, POS (nội địa); các giao dịch chuyển nhanh Napas247 có giá trị từ 2 triệu đồng trở xuống; giao dịch thanh toán trực tuyến; Miễn phí xử lý giao dịch, đồng thời giảm 50% phí thanh toán của dịch vụ Cổng thanh toán điện tử; Giảm 80% phí xử lý giao dịch của dịch vụ chuyển nhanh Napas247 cho các giao dịch từ 2 triệu đồng đến 300 triệu đồng.

Chương trình miễn, giảm phí dịch vụ các giao dịch của NAPAS áp dụng từ nay đến 31/12/2021.

* ACB tung gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, lãi suất từ 5%/năm

Nguồn vốn vay này được tập trung cho vay sản xuất kinh doanh dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp là từ 5%/năm và hộ kinh doanh là từ 6%.

Đặc biệt trong 15 ngày đầu tháng 10/2021, Hộ kinh doanh giải ngân sẽ được giảm thêm 0,2%/năm. Các gói cho vay được thiết kế phương thức và chu kỳ trả nợ phù hợp để giúp khách hàng có thể thích ứng tốt nhất với tình hình kinh doanh hiện nay.

* SeABank chính thức tăng vốn điều lệ lên gần 13.425 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản chấp thuận thay đổi vốn điều lệ của SeABank trên Giấy phép hoạt động của Ngân hàng từ 12.088 tỷ đồng lên gần 13.425 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên SeABank năm 2021.

Việc tăng vốn điều lệ nằm trong kế hoạch và định hướng phát triển của ngân hàng, giúp có thêm tiềm lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, nâng cao chất lượng hoạt động; đồng thời đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của khách hàng.

Dự kiến thời gian tới SeABank sẽ phát hành 136 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 10,13% để tiếp tục tăng vốn điều lệ theo phương án đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên SeABank năm 2021.

* TPBank công bố hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III và IFRS 9

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công bố hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III và IFRS 9 và sẽ triển khai toàn diện cả hai chuẩn mực quốc tế quan trọng này ngay từ quý IV năm nay.

Basel III là chuẩn mực quản trị rủi ro đang được nhiều ngân hàng Việt Nam hướng tới, giúp các ngân hàng nâng cao năng lực vốn, kiểm tra sức chịu đựng của ngân hàng trong những tình huống xấu nhất và quản lý rủi ro thanh khoản.

Trong khi đó, IFRS 9 là chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế quan trọng đối với ngân hàng. IFRS 9 mang lại những lợi ích lớn cho các tổ chức tài chính như tăng cường tính minh bạch, tăng khả năng so sánh, gia tăng chất lượng thông tin công bố, từ đó mở rộng cánh cửa hội nhập vào thị trường vốn quốc tế.

Bằng việc đáp ứng toàn bộ yêu cầu của cả Basel III và IFRS 9, TPBank sẽ trở thành ngân hàng Việt Nam tiên phong trong thời điểm này áp dụng đồng thời hai chuẩn mực quản trị rủi ro và báo cáo tài chính khắt khe trong lĩnh vực ngân hàng trên toàn thế giới.

* MB ủng hộ 5 tỷ đồng cho Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa trao tặng 5 tỷ đồng hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại đầu năm 2020 đến nay, MB Group gồm MB và các công ty thành viên trong hệ sinh thái của mình đã dành khoảng 258 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch COVID-19; trong đó ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Chính Phủ, trao tặng trang thiết bị, vật tư y tế cho Bộ Y tế; chung tay cùng Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, các bệnh viện Quân y 175, bệnh viện K cơ sở Tân Triều, bệnh viện Phổi Hà Nội… và 18 tỉnh thành trên cả nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, MB còn chủ động hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng gặp khó khăn do tác động của COVID-19 bằng cách giảm phí, giảm lãi suất. Từ tháng 7 đến hết năm 2021, MB dự toán giảm 1.000 tỷ đồng lãi suất nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng./.

>>>Nhiều ngân hàng ưu đãi lãi vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục