Ngành công nghiệp- xây dựng Vĩnh phúc tăng trưởng hơn 15% trong đại dịch

18:12' - 08/10/2021
BNEWS Dù trong đại dịch COVID-19, nhưng trong 9 tháng năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc ước tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, ngành công nghiệp- xây dựng tăng 15,17%.

Việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời có các cơ chế, chính sách trợ lực cho các doanh nghiệp đã giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc duy trì đà tăng trưởng, góp phần tích cực vào quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chín tháng năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc ước tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, ngành công nghiệp- xây dựng tăng 15,17%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,79%; ngành dịch vụ tăng 2,81% so với cùng kỳ 2020. Tổng thu ngân sách đạt gần 25 nghìn tỷ đồng, đạt 80% dự toán và bằng 123% so với cùng kỳ; thu hút được 48 dự án mới; 883 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 9,6 nghìn tỷ đồng.

Hoạt động thu hút đầu tư cũng đạt được kết quả tích cực, từ đó góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc. Trong 9 tháng năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 48 dự án đầu tư mới và tăng vốn cho 35 lượt dự án; trong đó, có 29 dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 992,48 triệu USD, bằng 248,12% kế hoạch năm và tăng 218,6% so với cùng kỳ năm 2020; vốn DDI đạt 16,3 nghìn tỷ đồng, bằng 291,14% kế hoạch năm và tăng 128% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phải hoạt động cầm chừng hoặc suy giảm sản xuất do khó khăn về nguyên liệu, về thị trường tiêu thụ, về lao động; về vốn và  khó khăn về điều kiện làm việc. Đã có trên 14 nghìn lao động làm việc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Để vừa duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo phòng chống dịch, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giảm đến mức thấp nhất những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cùng đó, tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết kịp thời việc nhập cảnh cho nhà quản lý, chuyên gia, lao động tay nghề cao của các doanh nghiệp trên địa bàn, giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vĩnh Phúc ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp FDI trong và ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các chuyên gia nước ngoài, lãnh đạo quản lý doanh nghiệp… Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn duy trì đà tăng trưởng khá.

Với phương châm vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo các hoạt động sản xuất, Công ty TNHH Kohsei Multipack Việt Nam khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc luôn bám sát diễn biến của dịch bệnh và các chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh để thực hiện các giải pháp phù hợp và kịp thời. Dù những tháng đầu năm 2021 gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng sự chuẩn bị chu đáo về kế hoạch sản xuất, chiến lược thị trường đã giúp công ty nhanh chóng ổn định hoạt động.

Ông Fumiteru Kanno, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kohsei Multipack Việt Nam chia sẻ, công ty rất quan tâm đến việc phòng chống dịch trong nhà máy để đảm bảo sản xuất an toàn. Để động viên khuyến khích người lao động ở ngoại tỉnh ở  lại Vĩnh Phúc làm việc, công ty đã hỗ trợ chi phí sinh hoạt, ăn, ở cho công nhân ngoại tỉnh, đồng thời hỗ trợ các chi phí xét nghiệm sàng lọc cho công nhân. Cùng đó, công ty xây dựng phương án 3 tại chỗ để đối ứng khi phát sinh ca nhiễm COVID-19.

Song song với phòng, chống dịch bệnh, duy trì sản xuất, Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1, khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên đang tiến hành đầu tư nhà máy sản xuất mới tại khu công nghiệp Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên có diện tích nhà xưởng khoảng 50.000m2.

Để quyết tâm giữ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành mục tiêu doanh thu tăng trưởng khoảng 30% so với năm 2020, công ty đã chủ động đầu tư thêm trang thiết bị máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ.

Ngoài lắp ráp dây chuyền công nghệ dập nóng, cắt laser, dây chuyền dập lớn 1.200 tấn; sử dụng máy CNC - máy công cụ điều khiển bằng chương trình số cho sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, xe giải trí, gia công khuôn mẫu, hiện một số công đoạn dập, hàn linh kiện có kích cỡ lớn đã được rô bốt thực hiện với chất lượng đáp ứng tiêu quốc tế.

Để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh, trong thời gian tới, Vĩnh Phúc chỉ đạo các ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực. Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp để kịp thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.

Cùng đó, Vĩnh Phúc nới lỏng một số quy định, tạo điều kiện cho việc đi lại, di chuyển của các chuyên gia, người lao động. Tỉnh cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động; ưu tiên tiêm vaccine cho lao động trong các khu, cụm cộng nghiệp; duy trì hiệu quả hoạt động của Tổ công tác giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh,  kịp thời tiếp nhận các thông tin phản ánh, tham mưu các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục