Ngoại trưởng Mỹ: Tình trạng cuối cùng của Jerusalem sẽ do Israel và Palestine đàm phán

08:05' - 09/12/2017
BNEWS Ngày 8/12, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố rằng tình trạng cuối cùng của thành phố Jerusalem sẽ được quyết định bởi các nhà đàm phán Israel và Palestine.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu tại cuộc họp báo ngày 8/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 8/12, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố rằng tình trạng cuối cùng của thành phố Jerusalem sẽ được quyết định bởi các nhà đàm phán Israel và Palestine, dù cho Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công nhận thành phố này là thủ đô của Israel.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian ở Paris, Ngoại trưởng Tillerson nêu rõ: "Tổng thống Trump không chỉ ra bất cứ tình trạng cuối cùng nào của Jerusalem. Tôi nghĩ rằng ông ấy rất rõ ràng về tình trạng này, trong đó có biên giới, điều sẽ do các bên đàm phán và quyết định".

Hôm 6/12, ông Trump đã phá vỡ chính sách kéo dài hàng thập kỷ của Washington khi tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Ông Trump cũng quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố linh thiêng này, vốn là một vấn đề nhạy cảm trong các cuộc đàm phán hòa bình, và là vấn đề chính trong sự bất đồng giữa các nhà đàm phán Palestine và Israel trong hàng thập kỷ qua.

Ngày 8/12, trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Al Jazeera, Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), Trưởng đoàn đàm phán của Palestine Saeb Erekat khẳng định nước này sẽ không đàm phán với Mỹ cho đến khi nào Tổng thống Trump đảo ngược quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Kênh truyền hình Al Jazeera cho biết, ông Erekat cũng nêu rõ giới lãnh đạo Palestine đang xem xét tất cả các lựa chọn để phản ứng lại tuyên bố của ông Trump, song không đưa ra thông tin chi tiết.

Dư luận nhìn chung xem động thái của Tổng thống Trump là một "bước đi nguy hiểm", không chỉ đe dọa tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông, mà còn có nguy cơ làm bùng phát làn sóng bạo lực nghiêm trọng giữa người Palestine và Israel, giữa cộng đồng Do Thái và Arab.

Lâu nay, quy chế chính thức của Jerusalem là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel-Palestine.

Israel coi Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn và không thể chia cắt" của mình, trong khi người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.

Đông Jerusalem đã bị Israel chiếm đóng trái phép trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ nước mình trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.

>>>Mỹ bị cô lập tại cuộc họp khẩn của HĐBA LHQ về Jerusalem

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục