Nguồn cung khí đốt không ổn định sẽ khiến châu Á tiêu thụ nhiều than hơn

05:30' - 18/05/2023
BNEWS Nhu cầu năng lượng của châu Á sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2050. Làm thế nào các quốc gia phương Tây đảm bảo các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á chuyển đổi từ sự phụ thuộc nhiều vào than đá?

Khi các quốc gia châu Á tranh luận về cách đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời đáp ứng các mục tiêu về khí hậu, nhiều người đang xem xét loại nhiên liệu chuyển đổi có thể giúp đáp ứng mục tiêu quan trọng về một nguồn năng lượng có thể dễ tiếp cận, giá cả phải chăng và được công chúng chấp nhận.

 

 Trong những năm gần đây, khí tự nhiên đã phát triển một chặng đường dài với vai trò là nguồn nhiên liệu quan trọng khi châu Á chuyển đổi từ than đá và những thách thức về môi trường mà nó đặt ra sang loại nhiên liệu sạch hơn và cuối cùng là năng lượng tái tạo.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2050, trong khi nhu cầu năng lượng của khu vực này sẽ tăng hơn gấp đôi. Khi các nền kinh tế phát triển, họ cần nhiều điện hơn. Do đó, các chính phủ ở châu Á ngày càng gặp nhiều thách thức trong việc cân bằng nhu cầu năng lượng của họ với các ưu tiên về môi trường, bao gồm cả việc đáp ứng các cam kết giảm phát thải theo Hiệp định Paris 2015.

Trên thực tế, an ninh năng lượng có nghĩa là giữ cho đèn luôn sáng với nguồn năng lượng sẵn có và người dân có thể tiếp cận được nguồn năng lượng với giá cả phải chăng. Về mặt khoa học, không quốc gia nào có thể thực hiện giải pháp năng lượng hoàn toàn dựa vào năng lượng tái tạo do các vấn đề như chi phí cao và sản lượng không ổn định.

Sự kết hợp giữa khí tự nhiên và năng lượng tái tạo có thể là sự bổ sung phù hợp với hầu hết các nước châu Á. Với vai trò là nhiên liệu để phát điện, khí tự nhiên có thể giảm tới 60% lượng khí thải carbon dioxide (CO2) so với than đá.

Do đó, điều đương nhiên là phải đảm bảo rằng khí tự nhiên - một nguồn năng lượng ít phát thải, giá cả phải chăng và có thể chấp nhận được - là một phần trong tổ hợp năng lượng của mọi quốc gia.

Các nguồn năng lượng trong nước của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đang cạn kiệt. Sản lượng khí đốt ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia dự kiến sẽ giảm trung bình 11%/năm từ năm 2031 đến năm 2040. Trong khi đó, nhu cầu khí đốt ở Việt Nam được dự đoán sẽ tăng với tốc độ hàng năm là 4,7% trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2050.

Châu Á là nhà nhập khẩu ròng năng lượng, nhưng nhiều quốc gia đang bị loại khỏi thị trường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) do châu Âu ngày càng phụ thuộc vào LNG kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine. Châu Âu đã chi khoảng 1.000 tỷ USD để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng thay thế hợp lý, trong khi hầu hết các nước châu Á không thể phù hợp với mức chi tiêu này.

Do đó, giống như một số quốc gia châu Âu khác, một số quốc gia châu Á đang tăng cường sử dụng than, ưu tiên các mối quan tâm kinh tế ngắn hạn thay vì chi phí lớn cho các nỗ lực trung hòa carbon dài hạn của họ.

Kết quả một nghiên cứu do Rystad Energy thực hiện và được Hiệp hội Năng lượng và Khí đốt tự nhiên châu Á ủy quyền đã nhấn mạnh nguy cơ đặt các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á vào tình trạng "nghèo năng lượng" và làm đình trệ các nỗ lực chuyển đổi năng lượng.

Nói một cách đơn giản, cái giá phải trả nếu các quốc gia giàu có và có khả năng sản xuất LNG không hành động sẽ là sự phụ thuộc liên tục vào than đá của các quốc gia Đông Nam Á đang phát triển nhanh. Mỗi quốc gia sẽ xác định con đường chuyển đổi năng lượng của riêng mình, nhưng châu Á cần hỗ trợ chính sách năng lượng thực tế, nhận ra vai trò quan trọng của khí tự nhiên.

Khi các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Hiroshima, Nhật Bản, vấn đề được quan tâm là chính sách ở tất cả các cấp phải ưu tiên khôi phục thị trường khí tự nhiên toàn cầu ổn định và cân bằng hơn để hỗ trợ các nỗ lực quốc tế nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu.

Sự biến động nguồn cung liên tục và giá khí đốt cao có nguy cơ gây ra những tác động xấu đến môi trường bằng cách thúc đẩy việc chuyển sang loại nhiên liệu phát thải nhiều carbon hơn, chẳng hạn như than đá. Xu hướng này đã được quan sát thấy ở nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Vì vậy, các nhà lãnh đạo nên tìm cách để giảm sự biến động và tăng cường nguồn cung năng lượng thông qua các hợp đồng cung cấp khí tự nhiên dài hạn, có thể bảo vệ mỗi quốc gia khỏi tình trạng thiếu năng lượng, đảm bảo xây dựng kịp thời cơ sở hạ tầng khí đốt thông qua các quy định hợp lý và minh bạch, đồng thời xúc tiến cấp vốn phù hợp cho các dự án khí tự nhiên bằng cách đưa ra các quy định đảm bảo việc thực hiện đầu tư có trách nhiệm vào cơ sở hạ tầng linh hoạt.

Nếu không có khả năng tiếp cận các nguồn lực hoặc tài chính cho cơ sở hạ tầng, an ninh năng lượng và quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ trở nên khó nắm bắt đối với người dân Đông Nam Á. Theo giới phân tích, điều quan trọng là phải thúc đẩy quá trình trung hòa carbon dần thông qua việc phát triển và cung cấp khối lượng lớn năng lượng tái tạo và ít phát thải, chẳng hạn như khí tự nhiên, amoniac và hydro, ngay khi có thể.

Bên cạnh đó, các nước phải tăng cường các nỗ lực song phương và đa phương để giải quyết vấn đề phát thải khí methane, chia sẻ các thực tiễn, mở rộng sản lượng năng lượng tái tạo trong nước, nâng cấp mạng lưới năng lượng và loại bỏ khí thải nhà kính từ việc sản xuất điện và các lĩnh vực khác thông qua việc lưu trữ carbon và loại bỏ dần than.

Những khuyến nghị chính sách này, nếu được thực hiện, có thể giúp đảm bảo rằng các quốc gia châu Á có thể tiếp tục phát triển kinh tế mà vẫn đồng thời đáp ứng các mục tiêu chuyển đổi năng lượng và an ninh năng lượng quan trọng của họ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tuần này, lãnh đạo các nước G7 được dự báo sẽ tập trung vào việc hỗ trợ an ninh năng lượng và con đường trung hòa carbon cho các nền kinh tế châu Á đang phát triển mạnh mẽ và hạn chế sự phụ thuộc của họ vào than đá như một nguồn năng lượng chính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục