Nhật Bản – Trọng tâm trong “chính sách hướng Đông” của Malaysia?

06:30' - 24/09/2018
BNEWS Tăng cường quan hệ giữa Nhật Bản và Malaysia là điều mà tân Chính phủ Malaysia muốn thực hiện sau khi lên nắm quyền sau cuộc bầu cử hồi tháng Năm vừa qua.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và người đồng cấp Malaysia Mahathir Mohamad (trái). Ảnh: Kyodo/TTXVN

Mô hình tăng cường hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ mối quan hệ song phương rộng lớn cũng đã được hai nước tiếp tục theo đuổi vào năm 2018, với các sự kiện như ký kết thỏa thuận mới về chuyển giao quốc phòng và công nghệ hồi tháng 4/2018. 
Tân chính phủ Malaysia, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mahathir Mohamad, đã cam kết tiếp tục thúc đẩy quan hệ Malaysia-Nhật Bản, vốn là một vấn đề trọng tâm được ông Mahathir nhắm đến khi ông nắm quyền thủ tướng nhiệm kỳ đầu với "Chính sách hướng Đông". 
Hồi tháng Sáu, Nhật Bản đã ủng hộ Malaysia làm mới và nâng cấp "Chính sách Hướng Đông" nhằm tăng cường hợp tác và nâng cao khả năng cạnh tranh kinh doanh cho cả hai nước. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ để trợ giúp kinh tế tăng trưởng trong tương lai, nhất là tăng cường và nâng mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới và thông qua chính sách Hướng Đông trong thời đại mới. 
Nhà lãnh đạo Nhật Bản tin tưởng hai bên sẽ xây dựng mối quan hệ cùng có lợi nhằm giúp Malaysia phát triển hơn nữa, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Malaysia. 
Ông Abe nhận định chính sách mới cũng sẽ thúc đẩy đầu tư và mở rộng cơ hội và không gian cho nhiều người Malaysia có thể kinh doanh ở cả Malaysia và Nhật Bản. Ông cũng cho biết việc nâng cấp trong chính sách sẽ bao gồm việc trao đổi sâu hơn về giáo dục, mở rộng phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy chuyển giao khoa học và công nghệ. 
Thủ tướng Mahathir Mohamad cho rằng giáo dục, đào tạo và đầu tư là một số lĩnh vực mà Malaysia và Nhật Bản có thể được hưởng lợi từ việc hợp tác chặt chẽ với nhau. Khẳng định Malaysia hoan nghênh việc Nhật Bản tái đón nhận "Chính sách hướng Đông" của Malaysia, ông Mahathir bày tỏ hy vọng Malaysia sẽ được hưởng lợi từ sự hợp tác lớn hơn giữa hai nước như một phần của chính sách.

Ông Mahathir cũng hy vọng rằng các trường đại học Nhật Bản sẽ thành lập chi nhánh tại Malaysia. Ông Mahathir cho biết thêm Thủ tướng Abe đã đồng ý xem xét đề nghị về tín dụng của Malaysia để giúp Chính phủ Malaysia giải quyết các vấn đề tài chính mà đất nước phải đối mặt. Theo ông Mahathir, việc giải quyết các vấn đề nợ sẽ giúp Malaysia một lần nữa trở thành thị trường tốt cho Nhật Bản và đầu tư của Nhật Bản. 
Quan hệ đối tác chiến lược mà hai nước ký năm 2015 cũng đề cập đến việc tập trung mạnh mẽ vào an ninh, không chỉ chú trọng tới các cuộc tập trận chung mà Nhật Bản còn giúp Malaysia tăng cường khả năng quân sự thông qua việc chuyển giao thêm nhiều công nghệ kỹ thuật và thiết bị quốc phòng tân tiến, cũng như các hình thức chia sẻ kiến thức và khả năng xây dựng khác.
Trong chuyến thăm Nhật Bản ngày 11/9, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu đã cùng Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsuri Onodera đồng chủ trì một hội nghị về quốc phòng. Hai bên đã bàn thảo nhiều vấn đề liên quan đến quốc phòng – an ninh và ký một bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng.
Ông Mohamad Sabu đánh giá cao vai trò cũng như tầm quan trọng của thỏa thuận này, đồng thời lưu ý rằng thỏa thuận này bao trùm nhiều hoạt động hợp tác quốc phòng sâu rộng. Malaysia từ lâu cũng ghi nhận vai trò của Nhật Bản như một đối tác an ninh trong khu vực, từ lĩnh vực trang bị quốc phòng đến gìn giữ hòa bình.
Được Thủ tướng Mahathir đưa ra từ năm 1982, mục tiêu chính của "Chính sách hướng Đông" là chuyển trọng tâm của mối quan hệ từ phương Tây sang các nước châu Á mới nổi, nhất là Nhật Bản, nhằm giúp thúc đẩy công nghiệp hóa ở Malaysia.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục