Nhật-Mỹ tìm cách "tách rời" lĩnh vực trọng yếu ra khỏi chuỗi cung ứng ở Trung Quốc

05:30' - 30/05/2020
BNEWS Theo nhật báo Yomiuri, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cho thấy những rủi ro đối với chuỗi cung ứng Nhật Bản khi phụ thuộc vào Trung Quốc.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: TTXVN-AFP

Một quan chức cao cấp của Chính phủ Nhật Bản nhận định một trong những bài học lớn nhất của nước này là Nhật Bản không sản xuất khẩu trang ở trong nước mà phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, một quan chức cấp cao của Ban Thư ký An ninh Quốc gia thuộc Ban Thư ký Nội các Nhật Bản cho rằng Nhật Bản "cần phải cơ cấu lại các chuỗi cung ứng để không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào".

Trên thực tế, kể từ năm ngoái, Nhật Bản và Mỹ đã thảo luận về việc xây dựng lại các chuỗi cung ứng của mình. Vào cuối năm ngoái, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói với một quan chức cấp cao của Chính phủ Nhật Bản về kế hoạch của Washington nhằm xây dựng trong giai đoạn đầu "một mạng lưới tin cậy toàn cầu" - một thuật ngữ khá xa lạ với phía Nhật Bản.

Ý tưởng của kế hoạch này là thiết lập các chuỗi cung ứng đáng tin cậy giữa các quốc gia sẵn sàng như Nhật Bản, Mỹ, Anh và Australia cho các sản phẩm công nghệ cao và các công nghệ, bao gồm cả những sản phẩm liên quan đến cơ sở hạ tầng quan trọng như các trạm viễn thông và cáp quang ngầm dưới biển.

Mỹ đang cố gắng loại các công ty Trung Quốc trên thị trường viễn thông thế hệ mới 5G, nhưng trên thực tế, mạng lưới này là nhằm loại Trung Quốc ra khỏi các chuỗi cung ứng cho các hàng hóa và công nghệ quan trọng khác.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ đang hành động như vậy. Trong một bài phát biểu vào tháng 10/2018, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên án Trung Quốc khi nói rằng "các cơ quan an ninh của Trung Quốc chính là người đã lên kế hoạch và chủ mưu đánh cắp các công nghệ của Mỹ".

Sau phát biểu này của Phó Tổng thống Pence, Bộ Thương mại Mỹ đã gần như cấm bán linh kiện và công nghệ của Mỹ cho công ty sản xuất chất bán dẫn Fujian Jinhua Integrated Circuit Co. (JHICC) của Trung Quốc.

JHICC là công ty cốt lõi của Trung Quốc, chuyên sản xuất các thiết bị bán dẫn DRAM (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động) và thúc đẩy hoạt động sản xuất chất bán dẫn ở trong nước.

Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ ngừng bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn cho JHICC, nỗ lực này của Washington sẽ là vô nghĩa nếu các công ty Nhật Bản nhảy vào để lấp đầy khoảng trống đó.

Chính vì vậy, một nguồn tin thân cận với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) tiết lộ Bộ Thương mại Mỹ đã gây áp lực để Tokyo hành động cùng với Washington.

Theo kế hoạch mà quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề cập tới vào cuối năm ngoái, trước tiên, Chính phủ Mỹ sẽ liệt kê các công ty mà họ cho là đáng tin cậy và không cho phép Nhật Bản sử dụng các công ty khác ngoài các công ty nằm trong danh sách này.

Trong giới công nghiệp ở Nhật Bản, quan điểm chủ đạo là thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở những lĩnh vực không có nguy cơ rò rỉ các công nghệ tiên tiến.

Một ví dụ điển hình về sự hợp tác như vậy đó là thúc đẩy việc phân phối các phương tiện sử dụng nhiên liệu hiệu quả trên thị trường ô tô đã qua sử dụng, và kế hoạch này đã được một nhóm nghị sỹ trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền thảo luận.

Nhóm nghị sỹ này do cựu Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Akira Amari lãnh đạo. Vào tháng 1/2020, một quan chức Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo đã gặp ông Amari. Khi đề cập tới vấn đề về các chuỗi cung ứng, ông Amari nói: "Chúng tôi không thể bỏ qua hoàn toàn thị trường Trung Quốc. Điều quan trọng là phải làm rõ các lĩnh vực không được hợp tác với Trung Quốc".

Liên quan đến các chuỗi cung ứng, cho đến đầu năm nay, cả Nhật Bản và Mỹ chỉ tập trung vào các sản phẩm công nghệ cao và các công nghệ, chứ không tập trung vào các hàng hóa đa dụng như khẩu trang.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lan rộng, Mỹ có lúc gặp nhiều khó khăn khi mua các vật tư y tế như khẩu trang. Do đó, Washington đã phải xem xét lại chiến lược của mình. Nhật Bản cũng trong tình trạng tương tự.

Ông Norihiro Nakayama, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, nói: "Trong chính sách ngoại giao của mình, Trung Quốc coi khẩu trang là hàng hóa chiến lược. Trước hết, chúng ta cần rà soát các chuỗi cung ứng của Nhật Bản để tìm ra các lĩnh vực đang phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc và dễ bị tổn thương".

Trong hoàn cảnh hiện nay, kế hoạch tạo ra các chuỗi cung ứng không có Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Mỹ có thể sẽ không sớm trở thành hiện thực. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 được khống chế, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào Nhật Bản và Mỹ có thể đảm bảo các chuỗi cung ứng đáng tin cậy với ít rủi ro an ninh hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục