Pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch còn nhiều “khoảng trống”

15:36' - 16/11/2021
BNEWS Nhiều chuyên gia cho rằng cần nhận diện rõ những “khoảng trống” pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch để đưa ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức ngày 16/11, nhiều chuyên gia nhận định, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch còn nhiều “khoảng trống”; cần nhận diện rõ những “khoảng trống” này để đưa ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Tại phiên thảo luận, chia sẻ một số chính sách của Thái Lan về bất động sản du lịch với một số mô hình du lịch nổi tiếng, Tiến sỹ Sopon Pornchokchai, Chủ tịch Hội đồng định giá Bất động sản Thái Lan, Chủ tịch Liên đoàn Bất động sản Thái Lan nhấn mạnh, Việt Nam có những điểm tương đồng với Thái Lan về du lịch bền vững hướng đến phát triển xanh. Theo đó, những người có thu nhập cao muốn đầu tư vào các sản phẩm bất động sản xanh. Việt Nam có thể xây dựng nhóm nhà đầu tư tiềm năng với thị trường bất động sản du lịch và bất động sản cao cấp. 

Tiến sỹ Sopon Pornchokchai cho biết, Thái Lan cũng có nhiều điều luật, chính sách chi phối hoạt động của thị trường bất động sản du lịch. Về chính sách phân vùng, Thái Lan cũng quy định không phải khu vực nào cũng được phép xây dựng nhưng việc mua đất gần khu vực biên giới để làm bất động sản du lịch cũng có nhiều thuận lợi. Nhấn mạnh ngành bất động sản cũng có những cách huy động vốn khác nhau, Tiến sỹ Sopon Pornchokchai cho rằng, với một dự án bất động sản có giá trị 1 triệu USD, có thể sử dụng đưa vào quỹ ủy thác đầu tư bất động sản. Bộ Tài chính, các nhà đầu tư có thể tham gia quỹ này.

Ông Christopher Khoo, Giám đốc điều hành Master Consult Services, Tổng cục Du lịch Singapore chia sẻ, thành công của một điểm đến du lịch cần 2 yếu tố: Không trộn lẫn, cần điểm nổi bật; sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Bối cảnh hậu COVID-19, sự cạnh tranh diễn ra rất gay gắt nên buộc các doanh nghiệp phải tạo ra sự đổi mới. Du lịch Việt Nam đã có sự phát triển theo hệ thống cùng với nền kinh tế ổn định.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đoàn Văn Bình cho rằng, quy trình đầu tư dự án bất động sản du lịch rất phức tạp, qua nhiều bước khác nhau và tổng thời gian cho toàn bộ quy trình thường không xác định được rõ ràng. Quy trình vận hành dự án bất động sản du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi khắt khe về chất lượng dịch vụ; đòi hỏi đội ngũ nhân sự có chất lượng cao, nguồn tài chính lớn.

Theo thống kê trên cơ sở các quy định hiện hành, trình tự thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất hiện được quy định trong khoảng 19 luật, bộ luật, 52 nghị định, 42 thông tư, 102 quy chuẩn và 936 tiêu chuẩn; tuỳ từng loại dự án mà phải thực hiện thủ tục gồm từ 30-54 bước với 38-159 con dấu và thời gian quy định hoàn tất thủ tục khoảng 1-1,5 năm. Trên thực tế thời gian thủ tục kéo dài từ 2 - 5 năm hoặc lâu hơn.

Về thực trạng chính sách, pháp luật liên quan tới bất động sản du lịch, ông Đoàn Văn Bình cho rằng, chưa có chính sách thật sự phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch và phân khúc bất động sản du lịch. Bên cạnh đó, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch còn nhiều khoảng trống.

Để góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản du lịch phát triển ổn định, bền vững, ông Đoàn Văn Bình kiến nghị, cần nghiên cứu, hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch và phân khúc bất động sản du lịch. Đáng chú ý, Việt Nam cần đánh giá và định vị lại chính sách thị trường du lịch nội địa trong 5 năm tới và chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó làm rõ vai trò và tầm quan trọng của thị trường khách du lịch trong nước đối với sự phát triển của du lịch.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng cần có chính sách ưu đãi phù hợp để phát triển bất động sản du lịch; tập trung vào các ưu đãi về lĩnh vực đầu tư, tiền thuê đất, thuế, ưu đãi về tín dụng, khuyến khích đầu tư những tổ hợp bất động sản du lịch đa công năng quy mô lớn. “Xây dựng và vận hành dự án bất động sản du lịch đơn giản, rõ ràng, tránh chồng chéo, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Cải cách hành chính, tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật là yêu cầu sớm thực hiện”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch cần dựa trên quan điểm, đường lối của Đảng về tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nền kinh tế thị trường và phát triển thị trường bất động sản trong nước.

Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch cần dựa trên yêu cầu của thực tiễn quản lý hoạt động bất động sản du lịch; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với những chế định khác của pháp luật kinh doanh bất động sản và các lĩnh vực pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục