Pháp nỗ lực tạo sức hấp dẫn tài chính

05:30' - 01/03/2024
BNEWS Nhờ Brexit, thủ đô Paris đã thu hút hơn 5.500 việc làm trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng lớn có nguồn gốc từ Anh và Mỹ đều chọn Paris để đặt trụ sở hoạt động trong Eurozone.

Ba năm sau khi Vương quốc Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Paris đã trở thành ‘‘thị trường tài chính quan trọng nhất của lục địa châu Âu’’, theo tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp François Villeroy de Galhau. Nhưng thành công này chỉ là một bước trong tiến trình nỗ lực tạo sức hấp dẫn của Pháp nhằm thu hút thêm nhiều hơn nữa nguồn lực và nhân lực tài chính thế giới.

 
Theo nhật báo Le Monde, kể từ năm 2021, nhờ Brexit (chỉ việc Anh rời EU), thủ đô Paris đã thu hút hơn 5.500 việc làm trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng từ London. Hầu hết các ngân hàng lớn có nguồn gốc từ Anh và Mỹ đều chọn Paris để đặt trụ sở hoạt động trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
 
‘‘Dù chưa đạt đến tầm ảnh hưởng như London, nhưng đối với Paris, đó đã là một thành công đáng kể so với trước đây’’, theo nhận xét của Giám đốc điều hành sàn giao dịch chứng khoán Euronext Stéphane Boujnah. Vị thế của Pháp ngày càng được củng cố với tư cách là một quốc gia xuất khẩu dịch vụ tài chính. Theo ước tính, thặng dư tài chính của nước này đạt khoảng 5 tỷ euro (5,4 tỷ USD) vào năm 2023, gần gấp đôi mức của năm 2019.
 

So với Frankfurt, Dublin và Amsterdam, những thành phố cũng thu hút một phần đáng kể các hoạt động chuyển dịch tổ chức và nguồn lực từ London sau Brexit, Paris có vẻ hấp dẫn hơn nhờ những lợi thế nổi trội như mạng lưới giao thông dày đặc và thuận tiện, chất lượng hệ thống giáo dục và đại học cao. Paris cũng là nơi tập trung nhiều tổ chức và cơ quan có thẩm quyền từ cấp quốc gia, khu vực đến quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các quyết định và chính sách ảnh hưởng đến kinh tế và chính trị, các tập đoàn tư nhân lớn đều hiện diện tại Pháp...

Cùng với việc tận dụng lợi thế sau Brexit, ngành tài chính của Pháp đã đẩy mạnh các biện pháp cải cách nhằm cải thiện hình ảnh đất nước và điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp thông qua giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoặc nới lỏng quy tắc làm việc. Hình ảnh trẻ trung của Tổng thống Pháp trong việc công khai ủng hộ doanh nghiệp đã để lại ấn tượng tốt đẹp tại lễ hội Choose France 2017 ở lâu đài Versailles, nơi quy tụ lãnh đạo của các tập đoàn đa quốc gia.

 

Tuy nhiên, để thị trường trở nên hấp dẫn hơn nữa, Pháp vẫn còn nhiều việc phải làm. Tháng 12/2023, Nghị sĩ Đảng Phục hưng Charles Rodwell đến từ tỉnh Yvelines đã đệ trình báo cáo lên chính phủ về sức hấp dẫn công nghiệp cũng như tài chính và chỉ rõ: "Chúng ta đã thực hiện được những việc dễ làm nhất. Giờ đây là lúc chúng ta tiếp tục đối mặt với những thách thức phức tạp hơn để đảm bảo sự hấp dẫn của Pháp trong lĩnh vực tài chính được gia tăng và duy trì trong dài hạn’’.

Mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire đã tuyên bố sẽ sớm trình một dự luật về "sức hấp dẫn tài chính" của Pháp nhằm tận dụng làn sóng được kích hoạt bởi Brexit để thu hút nhiều việc làm hơn, nhiều hoạt động kinh doanh hơn và đặc biệt là các dòng vốn bổ sung và lâu dài.

Để đạt được sự chấp thuận, những người đưa ra đề xuất này cần thuyết phục rằng ngoài lợi ích của ngành tài chính, dự luật còn có khả năng mở ra cánh cửa rộng hơn để tiếp cận hàng trăm tỷ euro cần thiết trong những năm tới nhằm thực hiện quá trình tái công nghiệp hóa, giành chiến thắng trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo, thành công trong quá trình chuyển đổi sinh thái hoặc ứng phó với tình trạng già hóa dân số.

Trong số các biện pháp đưa ra có đề xuất củng cố vị thế của những nhân viên người nước ngoài đến hoặc quay lại làm việc trong lĩnh vực tài chính tại Pháp. Những đối tượng này sẽ được miễn giảm các khoản đóng góp xã hội và thuế thu nhập trong một khoảng thời gian có thể lên đến 8 năm.

Bên cạnh đó việc giảm bớt các nghĩa vụ xã hội cũng được đặt ra cho một số ngành nghề tài chính cụ thể, nhằm làm cho quy trình thôi việc trở nên dễ dàng, linh hoạt hơn và từ đó khuyến khích việc tuyển dụng. Ông Kyril Courboin, Chủ tịch ngân hàng Mỹ J.P. Morgan tại Pháp cho rằng: ‘‘Thách thức mà Pháp, đặc biệt là Bộ trưởng Bruno Le Maire, đang phải đối mặt là tạo ra hệ sinh thái giống London để các tổ chức hoặc cá nhân người nước ngoài hoạt động thuận lợi trong lĩnh vực tài chính tại Pháp’’.

 
Ngoài các ngân hàng, một trong những mục tiêu lớn của Pháp là thu hút các quỹ cổ phần tư nhân, công ty quản lý tài sản và quỹ rủi ro. Điều này đòi hỏi Pháp phải xây dựng một khung pháp lý - đặc biệt là thuế - tương thích với thị trường Anh-Mỹ. Đây là một thách thức lớn, khó có khả năng thực hiện được đối với một chính phủ đang bị hạn chế về mặt ngân sách và việc thay đổi này ban đầu có thể không được công chúng ủng hộ.
 
Cuộc tranh luận về sự hấp dẫn tài chính của Pháp cũng phải được duy trì sao cho phù hợp với việc khởi động lại dự án Hợp nhất Thị trường Vốn châu Âu (CMU - Capital markets union), đã được bắt đầu từ năm 2015, nhưng bị trì hoãn do sự bất đồng giữa các quốc gia thành viên. Sự chia rẽ này đã khiến khoảng cách giữa Liên minh châu Âu và Mỹ ngày càng lớn qua từng năm.
 
Những người ủng hộ CMU muốn kết thúc điều này. ‘‘Đây là một dự án lớn, nhưng chúng tôi nhận ra rằng nếu không có CMU, châu Âu, trong đó có cả Pháp, sẽ tụt lại phía sau’’, ông Kyril Courboin bình luận. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde, người luôn ủng hộ CMU, đã đề xuất một số biện pháp, trong đó có việc thúc đẩy tái khởi động thị trường châu Âu về việc phát hành chứng khoán, nghĩa là chuyển đổi các danh mục tín dụng của các ngân hàng thành các chứng khoán có thể giao dịch, nhằm làm giảm gánh nặng cho tài sản của họ và từ đó tạo ra năng lực đầu tư.
 
Giải pháp này cũng sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho việc tiếp cận thị trường chứng khoán châu Âu, nhằm hạn chế các công ty kỳ lân công nghiệp và công nghệ châu Âu (công ty khởi nghiệp với giá trị vốn hóa lên đến 1 tỷ USD) sang Mỹ để tìm kiếm vốn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục