Singapore có tránh được suy thoái kinh tế?

06:30' - 01/06/2023
BNEWS Không ai mong đợi nền kinh tế Singapore rơi vào suy thoái, nhưng khả năng xảy ra suy thoái kỹ thuật - được xác định khi hai quý liên tiếp tăng trưởng âm - vẫn còn tồn tại.

Các lĩnh vực như lữ hành, du lịch, nhà hàng khách sạn, ăn uống và bán lẻ là một phần của ngành dịch vụ, và cùng nhau chiếm khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore năm 2019. Năm 2019 là năm mà nền kinh tế nói chung hoạt động không tốt, kết thúc với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 1,3% - kết quả yếu kém nhất trong một thập kỷ.

Tuy nhiên, vì các doanh nghiệp liên quan đến du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và vẫn đang phục hồi, nên có thể lập luận rằng họ khó có thể nâng đỡ cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Singapore.
 
Không ai mong đợi nền kinh tế Singapore rơi vào suy thoái, nhưng khả năng xảy ra suy thoái kỹ thuật - được xác định khi hai quý liên tiếp tăng trưởng âm - vẫn còn tồn tại. Các chuyên gia của các ngân hàng UOB và Maybank vẫn nhận thấy rủi ro đáng kể về kịch bản suy thoái kỹ thuật trong nửa đầu năm nay.
 
Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) giữ nguyên dự báo kinh tế tăng trưởng ở mức 0,5-2,5% trong năm 2023, đồng thời bổ sung tốc độ tăng trưởng có thể đạt được ở khoảng giữa của phạm vi này.
 
Các nhà phân tích cho biết, điều này ngụ ý tăng trưởng GDP ở mức 1,5% khó có thể đạt được mức cao hơn do bị đè nặng bởi sự chậm lại trong sản xuất, thương mại bán buôn, lĩnh vực tài chính và bảo hiểm trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy yếu và chu kỳ đi xuống của ngành điện tử toàn cầu.
 
Sự điều chỉnh thấp hơn được đưa ra sau khi nền kinh tế Singapore quý I/2023 chỉ đạt 0,4% tính trên cơ sở hàng năm. Tính trên cơ sở điều chỉnh theo mùa hàng quý, nền kinh tế giảm 0,4%, từ mức tăng trưởng 0,1% của quý IV/2022.
 
Enterprise Singapore (EnterpriseSG) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 đối với xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ (Nodx) và tổng thương mại hàng hóa bao gồm cả dầu mỏ, do dự báo của MTI về sự suy giảm đáng kể ở Mỹ và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và một chu kỳ suy giảm điện tử sâu hơn và kéo dài hơn. EnterpriseSG dự kiến Nodx sẽ giảm 8-10% và tổng thương mại hàng hóa giảm 6-8% trong năm nay.
 
Một phần lý do giải thích cho việc hạ mức tăng trưởng xuất khẩu là thực tế sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19 ở Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu của Singapore - chủ yếu được thúc đẩy bởi các dịch vụ trong nước đòi hỏi ít nhập khẩu hơn.
 

Nhà kinh tế của ngân hàng HSBC Yun Liu cho biết, việc mở cửa trở lại Trung Quốc đã không chuyển thành sự cải thiện trong Nodx của Singapore. Trên thực tế, ngoại trừ Indonesia, xuất khẩu của các nước còn lại trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sang Trung Quốc đã giảm đi đáng kể trong quý I/2023.

Bà Yun lưu ý: "Chu kỳ xuất khẩu của ASEAN liên quan nhiều hơn đến chu kỳ công nghiệp, chứ không phải chu kỳ tiêu dùng, của Trung Quốc. Bởi vậy, sự thúc đẩy nhiều hơn từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ đến từ du lịch, chứ không phải từ thương mại".

Quả thực, Singapore thực sự đã làm rất tốt trong việc thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Tổng lượng khách quốc tế đến nước này đã phục hồi 70,7% vào tháng Tư, so với mức trước đại dịch. Tuy nhiên, lượng du khách đến từ Trung Quốc mới chỉ bằng 30% mức năm 2019 - một con số khá khiêm tốn.

Với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng ảm đạm, người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn đang hạn chế mua sắm các hàng hóa có giá trị lớn như ô tô, đồ xa xỉ. Và đương nhiên, các gói kỳ nghỉ đắt tiền sẽ không được ưu tiên trong một thời gian nữa.

Điều này khiến một số nhà phân tích tin rằng việc đặt cược vào khách du lịch Trung Quốc là một rủi ro, mặc dù vẫn có thể có sự cải thiện nào đó về lượng du khách đến từ Trung Quốc.

Trung Quốc và Singapore đang thảo luận về một thỏa thuận du lịch miễn thị thực song phương, từ đó có thể thúc đẩy du khách từ Trung Quốc đến "đảo quốc sư tử" vào nửa cuối năm. Điều này có thể phù hợp với một số nhân tố theo mùa có thể tự nâng mức tiêu dùng dịch vụ trong nước.

Ông Barnabas Gan, chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc ngân hàng RHB, chỉ ra ba chất xúc tác chính có thể thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ trong năm nay của Singapore: Tiềm năng chi tiêu bán lẻ trong nước trước kỳ tăng Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) vào năm 2024, các sự kiện khuyến mại bán lẻ theo mùa như "Ngày Thứ sáu Đen" (Black Friday), Ngày Độc thân (Single’s Day) và cuộc đua F1 thường diễn ra vào tháng Chín.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế như ông Euben Paracuelles của Nomura nhận thấy suy giảm sản xuất ở Singapore và đối tác thương mại hàng đầu của nước này là Trung Quốc sẽ chỉ làm trầm trọng thêm và làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng, do kinh tế Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - có khả năng bước vào suy thoái trong quý III/2023.

Ông cho biết: "Chúng tôi vẫn giữ quan điểm cho rằng các lĩnh vực sản xuất dịch vụ có xu hướng đi theo chu kỳ giống với sản xuất, và sự đồng bộ hóa cuối cùng này sẽ vẫn duy trì trong một thời gian, vì sự suy giảm toàn cầu tương đối nghiêm trọng mà chúng tôi dự kiến".

Trong khi đó, ông Alvin Liew, nhà kinh tế cấp cao thuộc UOB, đánh giá: "Dịch vụ có thể tốt hơn một chút trong năm 2023". Tuy nhiên, khi đề cập đến cuộc khủng hoảng tín dụng leo thang trong bối cảnh lãi suất cao và xung đột thương mại và công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ, ông bổ sung: "Mức độ cải thiện của lĩnh vực dịch vụ có thể bị hạn chế bởi rủi ro của các yếu tố tăng trưởng toàn cầu yếu, các vấn đề của ngành ngân hàng và địa chính trị sẽ phát triển"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục