Tận dụng lợi thế nguồn nhân lực để phát triển kinh tế

09:20' - 29/04/2019
BNEWS Dân số trong độ tuổi lao động của Cần Thơ chiếm tỷ trọng lớn, đây được xem là một lợi thế về nguồn nhân lực.
Một góc TP Cần Thơ nhìn từ trên cao. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Nếu biết tận dụng và được đào tạo tốt sẽ góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế của Cần Thơ - thành phố đầu tàu của vùng trọng điểm kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long.

Để hiểu rõ hơn, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Thanh Dũng xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Thông tin chung về dân số, tình trạng dân cư, tình trạng lao động, việc làm, tình trạng nhà ở… là những nội dung được điều tra trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Vậy, thực trạng về tình hình lao động, nhà ở hiện nay tại Cần Thơ như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Dũng: Đây là những thông tin hết sức quan trọng, là một trong những cơ sở để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của người dân thành phố Cần Thơ trong thời gian qua; đồng thời, là căn cứ để thành phố xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo.

Theo thống kê năm 2018, dân số thành phố Cần Thơ là 1.282.274 người; trong đó nhóm dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) chiếm tỷ trọng lớn (71,20% dân số) được xem là một lợi thế về nguồn nhân lực để phát triển kinh tế, nếu biết tận dụng và được đào tạo tốt sẽ góp phần tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra sức ép đối với chính quyền trong vấn đề tạo việc làm.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thuý Hiền/BNEWS/TTXVN

Mặc dù, có cơ cấu dân số vàng tại thời điểm hiện nay, nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên ở Cần Thơ đã có hiện tượng tăng lên hàng năm và trong tương lai gần có thể bước vào hiện tượng “già hóa” dân số.

Đây sẽ trở thành vấn đề không nhỏ nếu không chuẩn bị trước một hệ thống an sinh xã hội tốt thông qua cải cách hệ thống bảo trợ xã hội, mở rộng độ bao phủ bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế.

Phóng viên: Thưa ông, trước thực trạng dân cư của các tỉnh lân cận đổ về thành phố Cần Thơ có tạo nên sức ép đối với cơ sở hạ tầng của thành phố?

Ông Nguyễn Thanh Dũng: Dân số thành phố Cần Thơ có tăng hàng năm nhưng không đột biến, ngoài vấn đề tăng dân số tự nhiên thì tăng cơ học trên địa bàn chủ yếu là lực lượng sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, công nhân các khu công nghiệp đến học tập và làm việc.

Tuy nhiên, vẫn chưa có sức ép lớn về các vấn đề do tăng dân số như các thành phố lớn khác Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Mặt khác không gian để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở của thành phố vẫn có thể đáp ứng được hiện tại và đã có những quy hoạch trong tương lai.

Phóng viên: Nhằm góp phần tích cực vào sự phát triển của vùng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố, ông có kiến nghị gì để Trung ương tiếp tục hỗ trợ địa phương trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Thanh Dũng: Trong những năm qua, Trung ương đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, tạo thêm nguồn và động lực để thành phố Cần Thơ phát triển. Với những nỗ lực, vươn lên trong xây dựng, phát triển, thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, từng bước khẳng định vai trò trung tâm, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập với khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của thành phố tuy có phát triển nhưng chưa phát huy đúng mức là đầu mối giao thông vận tải của vùng.

Để góp phần tích cực vào sự phát triển của vùng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố, thành phố kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai đường vào khu công nghiệp phía Nam và cảng Cái Cui (giai đoạn II đoạn từ Ngã Năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui); đồng thời, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 đoạn từ Km0-Km7; dự án tuyến cao tốc đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ (kế hoạch hoàn thành khai thác toàn tuyến vào năm 2021).

Bên cạnh đó, thành phố đề nghị Trung ương hỗ trợ thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển Cần Thơ; tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ, thúc đẩy hợp tác đầu tư trong và ngoài nước…

Thành phố cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng cho khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thực hiện xây dựng vào năm 2020.

Phóng viên: Trước những dự báo kinh tế trong năm 2019 sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức, xin ông cho biết, thành phố sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp nào để đạt được những mục tiêu đã đề ra?

Ông Nguyễn Thanh Dũng: Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, thành phố tiếp tục chủ trương nhất quán là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, thành phố sẽ tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh của thành phố Cần Thơ và các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long theo nguyên tắc chuỗi giá trị và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhấn mạnh vai trò địa phương động lực, lan tỏa của vùng.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ cơ cấu lại nền kinh tế và tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, đô thị thông minh, y tế, giáo dục, môi trường,... theo đúng quy định; tăng cường mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng, đầu tư xây dựng các dự án du lịch trọng điểm trong danh mục các dự án mời gọi đầu tư của thành phố...

Mặt khác, Cần Thơ nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đầu tư nước ngoài; tìm kiếm và mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu đi đôi với phát huy vai trò thị trường trong nước.

Thành phố nhất quán thu hút có chọn lọc, có hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; trong đó, ưu tiên dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, có tiềm năng đóng góp, lan tỏa, chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thành phố thực hiện mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Ngoài ra, thành phố chỉ đạo tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo nền tảng phát triển giai đoạn tiếp theo..., rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ ưu tiên, các lĩnh vực có liên quan phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phát triển các công nghệ tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0... cũng là một trong những giải pháp được thành phố chú trọng thực hiện.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Xem thêm:

>>Cần Thơ "đau đầu" vì khu dân cư tự phát

>>Sản xuất sạch, chìa khóa để mở rộng thị trường xuất khẩu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục