Tăng sức cạnh tranh, tạo sự lan toả cho hàng Việt

21:24' - 03/06/2021
BNEWS Bộ Công Thương sẽ phát triển mạnh thị trường trong nước, nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm thương hiệu Việt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng.

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương đã luôn đồng hành với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động doanh nghiệp, nhân dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam và tích cực đầu tư, sản xuất, cung ứng sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao.

Để tiếp tục duy trì Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở những năm tiếp theo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ phát triển mạnh thị trường trong nước, nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm thương hiệu Việt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng.

*Khẳng định thị phần

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), qua hơn 11 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từ năm 2009 đến nay, hàng Việt đã tạo được sức lan tỏa mạnh trên thị trường tiêu dùng. Tại nhiều hệ thống siêu thị trong nước, hàng Việt được trưng bày tại các quầy kệ chiếm tỷ lệ rất cao.

Điển hình như: tại hệ thống siêu thị bán lẻ Co.opmart, Vinmart… hàng hóa trong nước chiếm tỷ lệ từ 90- 95%. Không những thế, tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam, hàng Việt cũng chiếm từ 60- 96%. Còn tại kênh phân phối là các chợ, cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt cũng từ 60% trở lên.

Tại thời điểm khó khăn chung của nền kinh tế do dịch COVID-19, hàng Việt càng khẳng định vị thế vững chắc trong lòng người tiêu dùng cả nước khi có tới 90% người tiêu dùng cho rằng, rất quan tâm đến hàng Việt Nam bởi uy tín, chất lượng. Cùng với đó, gần 70% người tiêu dùng cho biết, họ sẽ ưu tiên và lựa chọn hàng Việt Nam.

Nhận định từ các chuyên gia cũng cho thấy, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động xuất nhập khẩu khó khăn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngành thực phẩm chế biến đã chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước thay thế cũng như điều chỉnh dòng sản phẩm mang tính tiện ích hơn. Từ đó, giúp doanh nghiệp Việt duy trì đà tăng trưởng cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với Tập đoàn Central Retail để trao đổi, tăng cường hợp tác, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã nhấn mạnh về những nhiệm vụ mà hai bên sẽ phối hợp triển khai trong thời gian tới như: đảm bảo tỷ lệ hàng hóa Việt Nam tại trên 90% hệ thống;

Thu mua nông sản chiếu khấu 0%; tiêu thụ và quảng bá sản phẩm Việt Nam tại thị trường nước ngoài; đảm bảo sẵn sàng các thực phẩm thiết yếu trên toàn hệ thống ở tất cả các thành phố và phối hợp cùng Bộ Công Thương trong trường hợp dịch COVID-19 bùng phát trở lại…

Bên cạnh việc quảng bá hàng Việt thông qua hệ hống phân phối, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh triển khai nhiều chương trình như: đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi hay hội nghị kết nối cung cầu, Tuần lễ hàng Việt nhằm tạo cầu nối để hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước.

*Chuyển biến nhận thức

Với tổng kinh phí là 450 triệu đồng từ nguồn xúc tiến thương mại quốc gia do Bộ Công Thương phê duyệt, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông dự kiến trong năm 2021sẽ tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt về miền núi tỉnh Đắk Nông tại các huyện: Đắk Mil, Đắk R’lấp và Tuy Đức vào quý III và IV/2021.

Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, phiên chợ sẽ giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng tốt, giá thành hợp lý. Các doanh nghiệp tham gia sẽ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm sản xuất trong nước tới người dân vùng sâu, vùng xa và tìm kiếm thêm các kênh phân phối mới.

Đây là một trong những hoạt động nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và cũng là hoạt động kết nối nhanh, hiệu quả để hàng Việt tới tay người tiêu dùng. Vì vậy, khâu kiểm soát nguồn hàng tại các phiên chợ luôn được chú trọng.

Dưới sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông đã xây dựng nhiều điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Hàng hóa được bày bán tại điểm bán hàng Việt đạt 100% là hàng hóa được sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm…

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Sau 11 năm triển khai cuộc vận động và đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương trực tiếp thực hiện đã đạt được các kết quả.

Điều này góp phần vào phát triển thị trường trong nước và từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối; thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt.

Đồng thời, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước.

Qua đó, đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền khác nhau đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: tiếp tục triển khai đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch hàng năm của Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền vận động, phổ biến sâu để người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng hàng Việt Nam; trong đó, thiết lập các doanh nghiệp phân phối trong nước đủ mạnh, có khả năng chiếm lĩnh thị trường. Song song đó, phát triển doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các địa phương còn nhiều dư địa phát triển thương mại nội địa.

Mặt khác, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2025, tầm nhìn 2035; tiếp tục thực hiện đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm hỗ trợ cho hàng Việt Nam chiếm lĩnh vững chắc tại các kênh phân phối trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, Bộ sẽ củng cố lực lượng quản lý thị trường để ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục